Liệt mặt xảy ra ở mọi lứa tuổi
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhi bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên.
Mẹ bé cho biết, từ tối trước ngày nhập viện bé đột ngột cười lệch miệng về phía bên phải, không sốt, không nôn ói, trẻ mệt hơn, ăn uống kém hơn, trước đó bé vẫn ăn uống, vui chơi bình thường. Gia đình rất lo lắng nên đưa bé đến viện khám ngay.
Qua thăm khám và các biểu hiện lâm sàng các bác sĩ chẩn đoán bé bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên phải, cần phải nhập viện điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền – phục hồi chức năng kết hợp điều trị y học hiện đại.
15 ngày điều trị là hành trình các bác sĩ Khoa Y học cổ truyền – phục hồi chức năng Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương luôn đồng hành cùng gia đình bé, không chỉ thực hiện điều trị đơn thuần như các bệnh nhân lớn tuổi khác mà bên cạnh đó là liệu pháp tâm lý cho bé vì bé khá sợ kim châm. Bệnh nhi được tăng cường phương pháp xoa bóp bằng tay kỹ thuật viên cùng phương pháp châm cứu và chiều đèn hồng ngoại.
Châm cứu chữa liệt mặt tại bệnh viện đa khoa Hùng Vương.
Bác sĩ điều trị cho bé cho biết: Đối với trẻ em bị liệt mặt, méo miệng, nguyên nhân thường là do bị lạnh. Do đó, để phòng tránh căn bệnh liệt dây thần kinh số VII, cha mẹ cần đảm bảo cơ thể của con luôn được giữ ấm, không được để con bị lạnh. Với thời tiết mùa đông rét đậm, rét hại cần giữ ấm cho trẻ các bộ phận đầu, cổ, ngực, chân tay, mặc quần áo ấm và kết hợp ăn uống đủ chất.
Sau 15 ngày điều trị sức khoẻ của bé đã ổn định và được ra viện.
Các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Hùng Vương Phú Thọ cho biết, liệt dây thần kinh VII ngoại biên là mất hoặc giảm vận động nửa mặt của những cơ bám da mặt do dây thần kinh VII chi phối, bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, không lây truyền. Khi có các triệu chứng của liệt dây VII, cần đến cơ sở y tế sớm nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
80% do lạnh
Dấu hiệu nhận biết: Hai bên mặt không cân đối, trán mất nếp nhăn, lông mày hơi sụp xuống; Méo miệng, rãnh mũi-má mờ, mắt bên liệt nhắm không kín, không làm được các động tác huýt sáo, thổi lửa, chau mày…
Châm cứu chữa liệt mặt tại bệnh viện đa khoa Hùng Vương.
Nguyên nhân:
- Do lạnh : hay gặp nhất chiếm đến 80%, thường sau một đợt lạnh và hay xáy ra vào ban đêm…
- Do viêm nhiễm: Viêm tai giữa, zona virus..
- Do chấn thương : sau ngã chấn thương đầu, vỡ xương đá, phẫu thuật vùng tai xương chũm…
Việc phối hợp nhiều phương pháp giúp mang lại hiệu quả cao, rút ngắn thời gian nằm viện cho bệnh nhân.
- Châm cứu, cứu ngải: Giúp ôn ấm các huyệt vị vùng mặt, lưu thông khí huyết…
- Điều trị bằng các dòng điện xung: kích thích thần kinh cơ, làm tăng dẫn truyền thần kinh, giúp phục hồi chức năng cho phần cơ mặt bên liệt.
- Điều trị bằng tia hồng ngoại: chống co cứng cơ, làm giãn mạch, tăng chuyển hóa và dinh dưỡng tại chỗ...
- Xoa bóp bấm huyệt - tập vận động cho các cơ vùng mặt: có tác dụng tăng tuần máu, lưu thông khí huyết, tập mạnh cho các cơ vùng mặt bị liệt…