500.000 đồng để tái tạo da
Lăn kim được quảng cáo là phương pháp làm đẹp sử dụng thiết bị chuyên dụng có gắn những mũi kim siêu nhỏ và bén tác động lên da gây ra những tổn thương rất nhỏ có tác dụng thúc đẩy hoạt động mô và tế bào, nhằm kích thích tăng sinh collagen và elastin. Đồng thời, sử dụng tế bào gốc giúp da nhanh chóng phục hồi và khắc phục sẹo rỗ, mụn một cách hiệu quả, kích thích làn da thêm mịn màng, trắng sáng và ấn tượng hơn.
Phương pháp lăn kim tế bào gốc được nhiều cơ sở thẩm mỹ quảng cáo với công dụng làm mờ nếp nhăn, mờ thâm nám, xóa bỏ tình trạng thâm mụn, sẹo rỗ do mụn,… mang đến làn da đẹp mỹ mãn, săn chắc, mịn màng, tươi trẻ. Tùy theo tình trạng của làn da, các cơ sở thẩm mỹ có thể tư vấn cho bạn mức độ lăn kim sâu phù hợp.
|
Phương pháp lăn kim làm đẹp được nhiều chị em ưa chuộng |
Chẳng hạn, nếu da bạn không quá xấu, không nhiều sẹo mụn, chỉ cần chọn loại lăn có kim nhỏ, độ sâu từ 0.2 đến 0.5 mm, khi lăn kim dưỡng da thì sẽ gần như không chảy máu, không đau. Còn đối với những làn da cần lăn kim để điều trị, cải thiện tình trạng da thì nên chọn loại kim có độ sâu từ 1-3mm, đối với loại kim này vì đâm sâu vào da hơn nên có thể gây chảy máu, gây đau. Tuy nhiên, hiệu quả nhận được sẽ là làn da căng bóng, trẻ đẹp mỹ mãn, không còn dấu vết của sự lão hóa.
Với những lợi ích kỳ diệu cho vẻ đẹp làn da như vậy, nhưng giá dịch vụ này khá “bèo”. Ở các trung tâm thẩm mỹ lớn giá dịch vụ lăn kim làm đẹp da với tế bào gốc có thể ở mức vài triệu đồng, có nơi khách hàng có thể mua trọn gói liệu trình 2- 3 tháng với giá gần chục triệu đồng. Còn ở các cơ sở thẩm mỹ nhỏ bạn chỉ cần chi 500.000 – 1 triệu đồng là có thể hưởng dịch vụ làm đẹp tái tạo da này, tùy thuộc vào loại kim và độ sâu tác động tới da.
Có tác dụng nhưng không hoàn toàn vô hại
Giải thích cơ chế làm đẹp da của phương pháp lăn kim này, TS. BS Nguyễn Huy Cảnh, Khoa Y học thực nghiệm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết: Phương pháp lăn kim tế bào gốc sẽ tạo ra những tổn thương vi điểm, xem kẽ với những vùng lành, chính vì vậy việc lành thương diễn ra nhanh, tổn thương vi điểm sẽ không gây ra sẹo.
Hơn nữa những tổn thương này sẽ kích thích sửa chữa những tổn thương da bằng cách tăng sinh collagen, sửa chữa những đứt gẫy sợi collagen, đồng thời sản sinh các yếu tố kích thích tăng trưởng và sửa chữa, làm trẻ hoá làn da, sửa chữa làm đầy các sẹo lõm nhỏ do trứng cá, làm da săn chắc mà mịn màng hơn. Nếu làm đúng quy trình kỹ thuật, đúng chỉ định và đảm bảo vô trùng tốt thì sẽ đảm bảo an toàn, và tác dụng tốt. Thực tế đã có nhiều báo cáo khẳng định về vấn đề này.
TS. BS Nguyễn Huy Cảnh cũng cho biết tế bào gốc “sterm cell”, còn được gọi là tế bào nguyên thuỷ được lưu truyền trong cơ thể người, bản chất là nó tế bào có thể chuyển dạng và biệt hoá thành các tế bào đảm bảo các chức năng chuyên biệt khác nhau.
Có nhiều loại tế bào gốc khác nhau, được lấy ở những vị trí khác nhau và ứng dụng tế bào gốc hiện nay khá rộng, trong nhiều chuyên ngành, trong nhiều loại bệnh lý mà không chỉ riêng trong ngành làm đẹp. Tuy nhiên, với mức giá 500.000 -1.000.000 đồng cho 1 lần thực hiện lăn kim tế bào gốc, chắc chắn không thể đảm bảo hiệu quả làm đẹp, chưa nói đến nguy cơ mất an toàn. Với chi phí như vậy, về nguồn gốc và chất lượng chắc chắn không rõ ràng, và không thể khẳng định được có đảm bảo chất lượng và an toàn cho da không.
Hơn nữa, việc sử dụng kim lăn tế bào gốc, dù hiệu quả chứng minh là có, nhưng không thể thu được kết quả mỹ mãn như các spa hay một số trung tâm quảng cáo. Thường để đạt hiệu quả cao, người ta sẽ phải kết hợp thêm một số các phương pháp khác trong liệu trình điều trị lăn kim như sử dụng các thuốc bôi tại chỗ, laser, hifu, IPL...
Một nguy cơ nữa đối với phương pháp làm đẹp này mà các chuyên gia khuyến cáo chị em cần hết sức cẩn trọng đó là tự thực hiện tại nhà. Một số trang web có bán thiết bị lăn kim để chị em có thể tự thực hiện nhằm giảm thiểu chi phí.
Tuy nhiên, khả năng tiệt trùng dụng cụ, cũng như kỹ thuật lăn, độ sâu kim phù hợp với từng vùng da, thoa bôi tế bào gốc sau lăn kim,… là những kỹ thuật yêu cầu phải được đào tạo. Việc chị em tự làm tại nhà sẽ không thể đảm bảo an toàn về kỹ thuật cũng như yêu cầu vệ sinh, tiệt trùng, có thể dẫn đến nguy cơ kích ứng, nhiễm trùng, tổn thương da.