Bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung, khoa Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt - Bệnh Viện Răng Hàm Mặt Trung ương, cho hay hiện có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới biến dạng xương mặt hàm như ung thư xương hàm, chấn thương, khe hở môi hàm miệng làm cho xương hàm trên kém phát triển khiến khuôn mặt bị biến dạng.
|
Bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung nói ngoài sức khỏe, bệnh lý vùng mặt còn tác động lớn tới bệnh nhân về tính thẩm mỹ. Ảnh: Hoàng Đông. |
Không dám đến gần con vì gương mặt biến dạng
Nhiều năm trong nghề, bác sĩ Nhung chứng kiến không ít ca bệnh bị biến dạng, phá hủy khuôn mặt. Nữ bác sĩ cho hay với những bệnh lý vùng hàm mặt có ảnh hưởng lớn tới các chức năng quan trọng như hô hấp, dinh dưỡng, ngôn ngữ. Ngoài sức khỏe, chúng còn tác động lớn tới bệnh nhân về tính thẩm mỹ.
Khi đó, các bác sĩ không chỉ dừng lại ở việc loại bỏ bệnh lý, họ còn phải chỉnh hình giúp bệnh nhân lấy lại khuôn mặt cũ nhanh nhất có thể. Rất nhiều bệnh nhân, đặc biệt là phụ nữ trẻ, dù khỏi trọng bệnh, khi thấy khuôn mặt của mình thay đổi, họ đã không thể vượt qua sự thất vọng.
Trường hợp khiến bác sĩ Nhung rất nhớ là nữ bệnh nhân mới ngoài 20 tuổi, xinh đẹp, chồng không cho đi làm vì sợ mất vợ. Đột nhiên, cô gái phát hiện mắc ung thư da và phải trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ vùng da lớn trên mặt, thậm chí cả mũi.
Tỉnh dậy sau ca mổ, bệnh nhân rất sốc vì khuôn mặt biến dạng. Với bệnh tật và vẻ ngoài mới, cô cũng bị chồng bỏ rơi. Sau nhiều ca phẫu thuật chỉnh hình và được bác sĩ động viên, cô mới có thể quay trở lại cuộc sống bình thường như trước.
Bác sĩ Nhung cũng chứng kiến nhiều bệnh nhân bị ung thư khiến vùng mặt bị lở loét, hôi thối, người thân xa lánh.
“Có bệnh nhân bị ung thư hàm mặt. Anh có 2 đứa con nhưng không dám đến gần, bởi khuôn mặt đã biến dạng, mùi bốc ra rất kinh khủng. Anh ấy đã gọi điện và khóc, xin được phẫu thuật. Dù đã được giải thích về những rủi ro khi phẫu thuật, anh ấy khẳng định có chết cũng muốn được ở cạnh người thân và được ra đi thanh thản”, bác sĩ Nhung kể.
Nên khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh
Trực tiếp chứng kiến và điều trị cho những trường hợp này, bác sĩ Nhung hiểu và đồng cảm với nỗi đau của bệnh nhân. Nếu như tổn thương vùng khác có thể che lấp, mặt là nơi hiện hữu rõ nhất dấu ấn bệnh tật và không thể nào giấu. Do đó, bệnh nhân cũng trở nên nhạy cảm hơn và rất cần sự chia sẻ của bác sĩ.
Sự quan tâm, dịu dàng của bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân thấy được đồng cảm, lấy lại sự tự tin chiến đấu với bệnh tật.
“Với bệnh lý vùng hàm mặt, không đơn thuần ở việc che phủ lại những phần cắt bỏ, tái tạo tương tự để phục hồi chức năng, mà còn nhiều vấn đề đặt ra như lựa chọn cách thức, chất liệu để khi bệnh nhân khỏi bệnh, trả lại cho họ cuộc sống bình thường về bề ngoài”, bác sĩ Nhung chia sẻ.
Bác sĩ khuyến cáo người dân cần khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh. Ở những giai đoạn sớm, bệnh có thể điều trị dứt điểm.
Riêng với dị tật hở hàm ếch, bác sĩ Nhung lưu ý hiện nhiều bé đang bị can thiệp quá sớm và trải qua nhiều cuộc mổ vừa gây đau đớn vừa không có giá trị.
“Khi phải mổ, trẻ em cảm giác đau hơn người lớn rất nhiều. Mình xước tay còn đau, đây là cuộc mổ lớn, cắt bỏ cả cái môi chẳng hạn. Nhìn các con rất thương vì để hoàn thiện, trả lại cuộc sống bình thường, phải trải qua rất nhiều lần can thiệp”, bác sĩ Nhung nêu quan điểm.
Hiện tại, một trong những điều bác sĩ Nhung trăn trở là cùng đồng nghiệp xây dựng quy trình theo sát trẻ dị tật hở hàm ếch từ bé tới lúc trưởng thành. Trong đó, chỉ can thiệp vào những thời điểm thích hợp, hạn chế đau đớn nhất cho bệnh nhi.