Ám ảnh rợn người ở khoa cấp cứu
Khác với không khí bên ngoài đông vui của ngày Tết, với những bác sĩ khoa Cấp cứu của Bệnh viện Việt Đức thì ngày Tết là ngày "căng như dây đàn" vì số bệnh nhân nhập viện tăng vùn vụt chủ yếu thương tích có liên quan đến bia rượu
Bác sĩ Phạm Gia Anh, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện Việt Đức cho biết năm nào cũng thế vào dịp Tết là số bệnh nhân tăng lên. Nếu ngày thường, trung bình khoa Cấp cứu chỉ tiếp nhận khoảng 150 bệnh nhân thì đến mùng 3 Tết tăng vọt lên gần 180 ca/ngày, mùng 5 Tết gần 170 ca/ngày, chủ yếu là các bệnh nhân tai nạn giao thông. Trong đó có nhiều trường hợp chủ yếu là do uống rượu bia rồi tham gia giao thông, uống rượu bia xong rồi gây gổ đánh nhau. Với những trường hợp có nồng độ cồn cao, việc chẩn đoán và tiên lượng điều trị khó khăn hơn rất nhiều.
|
Hình ảnh cấp cứu cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông tại BV Việt Đức. |
Khoa Cấp cứu của Bệnh viện- nơi đầu tiên tiếp nhận và sàng lọc bệnh nhân đến cấp cứu.
Anh Th. điều dưỡng của khoa cấp cứu chia sẻ những ngày Tết này bệnh nhân đông hơn hẳn, ngoài đường vắng lặng nên tiếng còi xe, tiếng hú của xe cấp cứu càng nghe rõ hơn. Cứ xe cấp cứu này đi qua lại nhường chỗ cho xe khác đến, các bệnh nhân đến từ các tỉnh phía Bắc từ Cao Bằng cho tới Nghệ An.
Có những bệnh nhân đưa lên đến viện đã chết não, nặng quá xin về nhà.
Anh Th cho biết, bệnh nhân không chỉ có chấn thương sọ não, máu chảy ra từ tai, từ mũi mà còn các chấn thương khác như tai nạn gãy đôi xương đùi, đứt lìa tay chân, dập nát người, dập nát cả phủ tạng có lẽ là những hình ảnh rùng mình với nhiều người nhưng với các bác sĩ đó là công việc, là những giây phút giành giật với tử thần để giữ lại sinh mệnh cho người bệnh.
Anh Th. tâm sự "văn hóa uống rượu bia ngày Tết của người Việt thật sự ghê sợ khiến các bác sĩ hay điều dưỡng trực ngày Tết không uống rượu bia cũng thành quen với mùi của nó vì hầu hết bệnh nhân cấp cứu do tai nạn, chấn thương do đánh nhau đều liên quan đến bia rượu thậm chí những ngày Tết khi bệnh nhân vào cấp cứu đưa theo cả chục người nhà vào ai cũng nồng nặc mùi bia rượu".
Khổ nhất của các bác sĩ trực ngày Tết là công việc đã vất vả đến thế nhưng họ có thể bị người nhà bệnh nhân xung đột bất cứ lúc nào bởi ai cũng ngà ngà hơi men. Những ngày nghỉ Tết, bệnh viện phải cử thêm lực lượng bảo vệ để bảo vệ bác sĩ trong những tình hưống như thế, bác sĩ mới yên tâm tập trung vào chuyên môn cấp cứu.
Bác sĩ Lê Khánh khoa Khám Cấp cứu Bệnh viện Việt Đức tâm sự có 90 % bệnh nhân bị tai nạn, chấn thương do đánh nhau có sử dụng rượu bia thậm chí phụ nữ bị tai nạn vào bệnh viện trong máu cũng có cồn. Ám ảnh trực tết tiếp nhận những bệnh nhân bị tai nạn trong máu có nồng độ cồn cao với các bác sĩ không chỉ là thương tích mà việc chẩn đoán cũng khó khăn hơn.
Với những bác sĩ Ngoại khoa ngày Tết cũng chẳng khá hơn. Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Đình Liên - Bệnh viện Đại học Y chia sẻ có nhiều trường hợp các bác sĩ mổ cấp cứu cho bệnh nhân trong phòng bệnh mà bên ngoài cả đội ngũ người thân với nồng nặc mùi rượu, cầm theo dùi cui, mã tấu, họ sẵn sàng lao vào bác sĩ nếu người nhà có gì bất chắc.
Mổ cấp cứu cho những nạn nhân chấn thương do bia rượu luôn là ám ảnh của các bác sĩ ngoại khoa.
Những con số đau lòng
Thống kê từ 1.300 cơ sở y tế khắp cả nước cho biết, trong 8 ngày nghỉ Tết, cả nước có 5.121 trường hợp nhập viện vì đánh nhau, trong đó có 13 người tử vong.
Như vậy, trung bình mỗi ngày nghỉ Tết, cả nước có hơn 600 lượt khám, cấp cứu vì xô xát. Trong đó, ngày cao nhất là ngày mùng 2 Tết với 785 ca, ngày mùng 3 với 778 trường hợp, mùng 4 là 693 ca.
5 tỉnh, thành xảy ra đánh nhau dịp Tết nhiều nhất gồm: TP HCM: 317 ca, An Giang: 230, Kiên Giang: 224, Đồng Nai: 202 và Hà Nội: 197 ca.
Theo Bộ Y tế, đây là số liệu ghi nhận tại khoa khám bệnh các bệnh viện cập nhật trên hệ thống quản lý bệnh viện trực tuyến cập nhật hàng ngày. Số liệu chưa loại trừ trùng lặp do các trường hợp chuyển tuyến đến khám tại nhiều bệnh viện khác nhau. Theo đánh giá, nguyên nhân của các vụ đánh nhau ngày Tết là do tình trạng lạm dụng rượu bia tràn lan tại khắp các tỉnh thành.
Đây là năm thứ 2, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế thống kê, ghi rõ nguyên nhân đến khám cấp cứu và nhập viện dịp nghỉ Tết. Theo đó 9 ngày nghỉ Tết năm ngoái, cả nước cũng ghi nhận hơn 6.200 lượt khám, cấp cứu do đánh nhau; 15 ca tử vong. Dịp Tết Nguyên đán 2013, cả nước có hơn 4.700 trường hợp nhập viện vì đánh nhau. Tết 2012 là gần 4.000 trường hợp.
Video: Cách dỗ bé nín khóc đơn giản, siêu nhanh: