Trong 3 năm trở lại đây, lượng bệnh nhân vào điều trị và tử vong tại Trung tâm Chống độc do uống thuốc diệt cỏ paraquat không ngừng tăng, từ 300 ca năm 2014 lên 350 ca năm 2015 và 450 ca năm 2016. Đa số bệnh nhân là người trẻ và trung niên. Nhiều trường hợp tự tử bằng thuốc diệt cỏ chỉ vì những chuyện không đâu.
|
Hai bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat đang điều trị tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai |
Giận nhau là... tự tử
Tại Trung tâm Chống độc đang có 2 bệnh nhân nằm điều trị vì uống thuốc diệt cỏ paraquat để tự tử, cả 2 đều là nam giới và còn rất trẻ. Một là trường hợp anh N.T.K. (24 tuổi, ở Đông Triều, Quảng Ninh), vào viện ngày 13-2 sau khi uống 1 ngụm thuốc trừ cỏ paraquat. Hiện bệnh nhân K. vẫn hoàn toàn tỉnh táo nhưng các bác sĩ cho biết, chưa thể tiên lượng được gì. Đây là nỗi kinh hoàng với bệnh nhân ngộ độc paraquat, bởi khi ngộ độc chất này, bệnh nhân sẽ tỉnh táo cho đến lúc chết chứ không mê man, bất tỉnh như các loại ngộ độc khác, vì thế họ cũng phải cảm nhận nỗi đau đớn, đôi khi là sự ân hận lớn hơn nhiều.
Mẹ bệnh nhân K. cho biết, K. là sinh viên năm cuối một trường Đại học trên Thái Nguyên. Trước khi uống thuốc diệt cỏ tự tử, K. đã rơi vào trạng thái căng thẳng, uất ức nhiều tháng nay do mâu thuẫn ở trường học với chính cô giáo ở trường. Mâu thuẫn này cứ lớn dần, không tìm ra được hướng giải quyết, lại càng không thể thổ lộ cùng ai khiến K. bế tắc.
“Tối 12-2, khi vợ chồng tôi đang ngủ ở phòng bên thì thấy bên phòng K. có tiếng động. Tôi chạy sang thì thấy mặt mũi nó xanh lét, nôn mửa dù ngày thường không mấy khi ốm đau. Biết có chuyện không hay, tôi gạn hỏi mãi thì mới biết sự thật nó vừa uống thuốc diệt cỏ. Đưa con đi viện cấp cứu rồi, mọi người ở nhà tìm giấy tờ trong phòng K. mới biết nó đã bỏ học từ trước Tết hàng tháng mà cả nhà tôi không ai hay…” - bà Nguyễn Thị S., mẹ bệnh nhân K. kể trong nước mắt.
Trường hợp bệnh nhân còn lại là N.V.V. (35 tuổi, ở Bắc Giang), vào viện ngày 12-2. Chỉ vì mâu thuẫn với vợ, trong một phút giây bế tắc, anh V. đã mua thuốc diệt cỏ paraquat về uống để tự tử. Kết quả xét nghiệm trong máu bệnh nhân có nồng độ chất paraquat cao, hiện chưa thể tiên lượng được điều gì. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, chừng nào các bệnh nhân chưa xuất hiện khó thở thì vẫn còn hy vọng điều trị. Thông thường phải đợi ít nhất qua 21 ngày thì mới dám tiên lượng bệnh nhân có thể sống sót và phải sau 3 tháng thì mới khẳng định bệnh nhân chắc chắn sẽ sống sót.
Hàng nghìn ca tự tử bằng paraquat
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, chỉ tính riêng tại Trung tâm Chống độc, 3 năm trở lại đây, mỗi năm đều ghi nhận từ 300-450 trường hợp vào cấp cứu do ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat và số ca mắc không ngừng tăng qua từng năm. Với ngộ độc paraquat, không chỉ Việt Nam mà ngay các nước trên thế giới, khả năng điều trị thành công rất hạn chế, tỷ lệ tử vong lên tới 70-90%, nếu có chữa trị được thì những di chứng để lại hết sức nặng nề như xơ phổi, khó thở, suy hô hấp, bệnh phổi mạn tính…
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, ước tính, mỗi năm, cả nước ghi nhận hơn 1.000 trường hợp tử vong do loại hóa chất cực độc này. Nguyên nhân của các trường hợp uống thuốc diệt cỏ paraquat để tự tử rất đa dạng nhưng chủ yếu xuất phát từ các mâu thuẫn trong gia đình, cộng đồng, nhà trường, do tâm lý chán nản cuộc sống, hoặc có những trường hợp cùng quẫn vì tình ái, tiền bạc, hay cờ bạc cá độ dẫn đến nợ nần, tuyệt vọng… “Đáng chú ý, những trường hợp được cứu sống khi được hỏi hầu hết đều cho biết nếu được quyết định lại sẽ không uống thuốc diệt cỏ tự tử như vậy” - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ.
Bên cạnh những trường hợp ngộ độc paraquat do uống thuốc diệt cỏ để tự tử, Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận một số người bị tai nạn lao động, sơ ý để thuốc diệt cỏ đổ vào người trong lúc sử dụng nhưng thường những trường hợp này bị ngộ độc nhẹ, ít nguy cơ tử vong hơn.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, để hạn chế ngộ độc và tử vong do chất này, nhiều nước khi sản xuất thuốc diệt cỏ paraquat đã khắc phục bằng cách cho màu xanh vào để người dân nhận biết được ngay hoặc cho chất gây nôn vào để nếu uống thì sẽ nôn ra sớm hoặc tạo mùi rất khó chịu để người ta không uống. Các bác sỹ cho rằng, việc cấm kinh doanh, sử dụng chất này nếu được thực hiện sớm sẽ hạn chế được nhiều tác hại của nó.