Còn nhớ cách đây 7 năm, khi tôi mới là một cô sinh viên mới ra trường. Nhờ được trời phú cho khả năng tiếp thu không tồi và ngoại hình dễ nhìn nên tôi nhanh chóng xin được vào làm ở một công ty thang máy với vị trí kế toán viên. Mức lương 7 triệu đồng/tháng ngày ấy quả chẳng nhỏ chút nào với cô nàng chân ướt chân ráo bước vào đời như tôi.
Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố nên được lợi thế hơn nhiều bạn bè là không mất tiền thuê nhà. Vẫn nhớ như in cái cảm giác nhận tháng lương đầu tiên, cả tối hôm đó tôi đã không thể ngủ vì háo hức lên kế hoạch cho việc sẽ tiêu gì. Hào phóng để hẳn một nửa số đó để mua quà cho bố mẹ và người chị đã dìu dắt ở công ty, tôi chắc mẩm với tình hình này chẳng mấy mình sẽ có tài khoản tiết kiệm lên đến cả 9 con số.
Vậy nhưng sự thật lại không hề như những gì tôi vẫn tưởng. Nơi tôi làm việc có chế độ với nhân viên khá tốt, ngoài việc khám sức khoẻ, du lịch định kỳ thì lương cũng tăng đều theo năm và sẽ được đề bạt tăng đặc biệt nếu có đóng góp lớn. Nhờ sự nỗ lực nên sau 5 năm gắn bó và trụ lại công ty, lương của tôi đã gấp đôi ngày mới vào. Thế nhưng, có một sự thật mà tôi không dám nói với nhiều người rằng mình không hề có một đồng tiết kiệm.
Đó là năm 2018, khi tôi chuẩn bị kết hôn. Chồng tôi là người sống độc lập và rất biết cách sắp xếp cuộc sống. Anh muốn cả hai cố gắng lo các chi phí đám cưới, không để gánh nặng lên bố mẹ. Tôi đã rất xấu hổ khi phải thú thực với chồng rằng sau 5 năm đi làm, tôi không có đến một cái tài khoản tiết kiệm.
Đến giờ phút này, sau 2 năm kết hôn nhìn lại, tôi vẫn thấy ngày ấy mình may mắn khi gặp được anh. Anh không chỉ là người luôn sát cánh bên tôi mà còn là người chỉ dạy tôi rất nhiều điều trong cuộc sống. Anh đã giúp tôi nhận ra cách chi tiêu "làm đồng nào xào đồng đó" khiến bao năm đi làm vẫn hoàn "tay trắng".
|
Ảnh minh họa. |
Nơi tôi làm việc đa phần mọi người còn rất trẻ và chưa có gia đình. Buổi trưa ở công ty luôn là lúc chị em có thời gian để trò chuyện với nhau nhiều nhất. Cũng chính vì lẽ này mà tôi lựa chọn việc không mang cơm trưa từ nhà.
Cứ trưa đến, mấy chị em tôi sẽ rủ nhau đi ăn ngoài hàng. Vì phòng toàn con gái nên mọi người càng "sống thật với lòng, ăn thật với bụng". Nếu ai nói con gái ăn ít lắm rồi thì ăn như mèo thì tôi chắc chắn sẽ dẫn họ đến phòng tôi mà xem một bữa ăn với chị em thực sự là thế nào. "Từ từ nhưng rất tốn", đó là câu chúng tôi vẫn hay đùa để nói về sức ăn của mình.
Hầu như tuần nào cũng một đôi lần chị em tôi "đổi gió" bằng những bữa lẩu nướng hay buffet sang xịn một chút. Thu nhập không đến nỗi nào lại chưa vướng bận gánh nặng con cái gia đình nên chúng tôi tất nhiên đâu nghĩ ngợi gì. Chiều đến buồn miệng thì ới nhau đi mua cốc trà sữa cho vui.
Với tôi lúc ấy tiền ăn uống thật chẳng đáng là bao. Chỉ là đến khi nghe chồng khơi thông tư tưởng, đặt bút tạm tính tôi mới giật mình vì con số mỗi tháng chi cho việc ăn hàng. Từ ngày kết hôn học được cách chi tiêu của chồng, tăng cường tự chuẩn bị đồ ăn, ngân sách dành cho ăn uống của tôi đã giảm đáng kể, chỉ bằng một nửa so với lúc trước.
Công ty tôi trả lương qua tài khoản. Sự phát triển của công nghệ khiến việc mua sắm trở nên rất tiện dụng với chiếc thẻ. Mỗi lúc lương chưa về mà có thứ muốn mua, tôi hoàn toàn có thể chi trước rồi trả vào sau. Không biết đã bao lần tôi hụt hẫng khi kiểm tra tài khoản. Thậm chí tôi chẳng thể nhớ được mình đã tiêu những gì, cả chục triệu tiền lương đã đi vào những ngõ ngách nào.
Giờ thì tôi đã không còn chi tiêu một cách tù mù như vậy. Chồng tôi đã cẩn thận làm riêng tặng vợ một cuốn sổ màu hồng xinh xắn để có thể ghi lại các khoản thu chi và dự định muốn tiết kiệm. Tôi cũng học thói quen lưu lại các hoá đơn và không mua sắm vô tội vạ như trước.
Nếu như trước đây, tôi thấy việc lên kế hoạch chi tiêu là việc rất tốn thời gian và vô ích thì chỉ sau vài tháng thực hiện, tôi đã thấy được hiệu quả của việc này. Tôi chuyển sang tiêu tiền mặt nhiều hơn và định trước số tiền dự tính chi cho các khoản như sinh hoạt cố định hay tiền ăn uống, ngoại giao bạn bè, tiền mua sách... Việc này không chỉ giúp tôi có cái nhìn thực tế về việc mình đã sử dụng tiền như thế nào mà còn giúp tôi biết làm sao để mình tiết kiệm tiền bạc tốt nhất.
Như đã tâm sự ở trên, 5 năm đi làm tôi không có lấy một khoản tiết kiệm vì chi tiêu không có kế hoạch và thú thật với tôi lúc đó chuyện tiết kiệm cũng không mấy quan trọng. Tôi đơn giản nghĩ rằng mình còn trẻ, kiếm ra tiền thì cứ thoải mái một chút. Vấn đề là khi có một việc xảy ra bất ngờ như mất điện thoại, hỏng xe... tôi hoàn toàn không có khoản nào dự phòng cho những việc đó. Tôi phụ thuộc hoàn toàn vào thẻ tín dụng và tất nhiên tôi đều phải trả lãi cho những khoản vay đó.
Giờ thì mỗi tháng tôi luôn trích lập một số tiền cho khoản dự phòng để nếu có điều gì đột xuất xảy ra tôi vẫn có thể xoay sở được còn nếu không dùng thì tôi sẽ chuyển khoản đó vào phần tiết kiệm.
Hồi đó còn trẻ lại chưa có bạn trai nên tôi cũng vô tư chẳng nghĩ ngợi gì đến những điều phía trước. Chỉ đến khi kết hôn và bắt đầu cuộc sống gia đình, tôi mới ngỡ ngàng vì có quá nhiều thứ thiếu sót mình đã không chuẩn bị từ trước.
Cuộc sống của bạn sẽ khác biệt rất nhiều sau khi có con. Nào là tiền sữa, tiền bỉm rồi tiền tiêm phòng, quần áo cho con. Mỗi khi đi đâu vì con còn nhỏ nên phương án tối ưu để lựa chọn là di chuyển bằng taxi. Rồi thì những lúc con không may ốm đau, tiền trong ví cứ như bị rơi mất vậy.
Tôi đã nhận ra tiếp một sai lầm của mình đó là không chuẩn bị cho sự kiện đón con chào đời. Để tránh việc rơi vào khó khăn, vợ chồng lục đục nhau vì chuyện tiền bạc, bạn hãy chuẩn bị từ trước một khoàn tiền riêng để dành cho bé.
Một người bạn đột ngột báo tin mắc bệnh ung thư vào năm 2017 đã khiến tôi quá đỗi sợ hãi và nhận ra trước giờ mình chưa hề nghĩ đến trường hợp bản thân sẽ làm gì nếu một ngày mất việc làm hay bị đau ốm. Tôi thấy mình thật sự phải lên kế hoạch cho việc này thay vì chủ quan nghĩ rằng việc đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra với mình.
Những bất trắc hoàn toàn có thể xảy ra đến với tôi, với bạn và đến với những người chúng ta yêu thương. Việc lên kế hoạch chuẩn bị có thể khiến tình hình lúc đó giảm đi phần nào tác động tiêu cực với bản thân. Tôi đã quyết định mua một gói bảo hiểm nho nhỏ cho mình và gia đình vì nó sẽ là khoản bù đắp phần nào nếu chẳng may tôi gặp bất trắc.
Con người có ai dám nói mình là đúng đắn hết. Với tôi, điều quan trọng chính là ta biết không ngừng học hỏi và hoàn thiện bản thân. Tôi thấy cuộc sống của mình đã thay đổi rất nhiều sau khi ý thức tốt hơn về việc chi tiêu. Thế còn bạn?