Theo GS Thái Hồng Quang, Chủ tịch hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh mãn tính, tiến triển. Đường trong máu cao và kéo dài là nguyên nhân chủ yếu gây nên những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới cuộc sống và chất lượng cuộc sống của người bệnh như: Tổn thương mắt gây ra mù loà; suy thận; nhiễm trùng bàn chân, cắt cụt chi.
Đặc biệt biến chứng tim mạch như: tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho người mắc bệnh đái tháo đường.
3s có người mắc bệnh đái tháo đường
Theo thống kê của Liên đoàn ĐTĐ Thế giới (IDF), cứ 24h, trên thế giới lại có: 3.600 trường hợp ĐTĐ mới được chẩn đoán, 580 người bị tử vong, 225 người bị cắt đoạn chi, 120 người bị suy thận giai đoạn cuối và 55 người bị mù do bệnh ĐTĐ gây nên.
Mỗi năm có 3,2 triệu người chết vì các bệnh liên quan đến ĐTĐ, tương đương với số người tử vong vì bệnh HIV/AIDS.
|
Thói quen ăn nhiều cơm thừa năng lượng và dễ gây tiểu đường. |
Bệnh đái tháo đường đang là gánh nặng cho kinh tế xã hội. Chi phí để điều trị các biến chứng của bệnh ĐTĐ đã chiếm 5-10% kinh phí chi cho săn sóc y tế chung trên toàn thế giới. Một thực tế đáng lo ngại là trong cộng đồng có trên 60% bệnh nhân ĐTĐ chưa được chẩn đoán, bệnh xuất hiện ngày càng nhiều ở lớp trẻ khi tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng nhanh...
Giáo sư Quang cho biết các công trình nghiên cứu về dịch tễ học trong 30 năm qua đã cho thấy bệnh ĐTĐ tuýp 2 tăng lên không ngừng. Nếu năm 1985, ước đoán có 30 triệu người trên thế giới mắc bệnh ĐTĐ, một thập kỷ sau, con số này đã là 150 triệu người. Cho tới hôm nay, theo số liệu của IDF số người bị ĐTĐ đã vượt quá 285 triệu.
Cho dù các hoạt động phòng chống ĐTĐ có hiệu quả, IDF cũng tiên đoán tổng số người bị ĐTĐ sẽ là 435 triệu người vào năm 2030.
Ở nước ta, nếu như năm 1990 của thế kỷ trước, tỷ lệ bệnh ĐTĐ chỉ từ 1,1 đến 2,5%, thì nghiên cứu gần đây của Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho thấy tỷ lệ bệnh ĐTĐ ở lứa tuổi từ 30-60 ở nước ta là 5,7%. Ở một số thành phố và khu công nghiệp lớn tỷ lệ này còn cao hơn từ 7-10%.
Sự gia tăng này cho thấy sự bùng nổ của bệnh và ĐTĐ đã trở thành gánh nặng về chăm sóc y tế, làm tổn hại đến thành tựu phát triển kinh tế xã hội của mọi quốc gia.
Bữa ăn chủ yếu là cơm không tốt cho bệnh tiểu đường
Theo PGS TS Nguyễn Khoa Diệu Vân, Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường Bệnh viện Bạch Mai, bệnh đái tháo đường gia tăng ở nước ta chủ yếu là do lối sống, yếu tố nội tại cộng thêm thói quen lười vận động chính là nguy cơ khiến số người mắc tiểu đường ngày càng tăng.
"Người Việt mình ăn rất nhiều cơm trắng. Cơm trắng là đường gluco sinh ra nhiều chất bột đường, gây ra tình trạng thừa năng lượng. Nếu lười hoạt động không tiêu thụ hết năng lượng sẽ là nguyên nhân dẫn tới bệnh đái tháo đường" - PGS.TS Diệu Vân nhấn mạnh thói quen đã diễn ra hàng ngàn năm nay của người Việt gây ra bệnh đái tháo đường.
Quá trình gây nên bệnh đái tháo đường có liên quan đến việc mất cân đối giữa lượng năng lượng hấp thu vào cơ thể và lượng năng lượng tiêu thụ của cơ thể. Gạo trắng (4 calories/1 g) lại là thực phẩm có chỉ số năng lượng cao, thậm chí cao hơn so với bánh mì Pháp (3 calories/1g). Khi ăn cơm gạo trắng nhiều, nguy cơ sẽ thừa năng lượng nhiều. Thừa nhiều năng lượng sẽ có nguy cơ bị mắc đái tháo đường nếu không chịu vận động để tiêu bớt năng lượng.
PGS Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho rằng đã đến lúc chúng ta thay đổi quan niệm bữa cơm thành bữa ăn bởi thói quen ăn quá nhiều cơm trắng không tốt. Nên đa dạng thực phẩm, ăn nhiều rau xanh, trái cây để tăng cường chất xơ và tập thể dục thường xuyên để tiêu hao hết năng lượng dư thừa.
>>> Mời quý độc giả xem video 7 thực phẩm càng ăn nhiều càng tốt (nguồn Youtube):