Kết luận này được đưa ra sau cuộc họp chiều cùng ngày của Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng văcxin, sinh phẩm y tế cấp tỉnh, cấp Bộ. Cuộc họp và kiểm tra khẩn cấp đi đến quyết định này đưa ra sau cái chết thương tâm của 3 cháu bé ở Nghệ An sau khi tiêm phòng.
Hình minh họa
Thông tin từ Sở Y tế Nghệ An ngày 7/12, hai cháu bé 3 tháng tuổi ở xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, được tiêm văcxin Quinvaxem mũi 1 và uống văcxin bại liệt lần 1 tại trạm y tế xã. Trong đó một bé đã tử vong sau 34 giờ tiêm chủng, dù không có biểu hiện gì bất thường.
Trường hợp còn lại có sốt vào buổi tối, đến hôm sau thì bớt sốt, vẫn chơi và bú bình thường. Nhưng ngày 10/12 (66 giờ sau tiêm) thì bé tử vong. Bé thứ 3 tử vong cũng được tiêm cùng loại văcxin này vào ngày 10/12, tại xã Đồng Hợp, tử vong vào ngày 12/12 (38 giờ sau tiêm).
Theo các chuyên gia, sự việc lần này là một chùm phản ứng sau tiêm chủng văcxin Quinvaxem và bại liệt.
Cục Y tế Dự phòng đã chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương phối hợp với Sở Y tế Nghệ An nhanh chóng tiến hành điều tra, xác minh tại địa điểm tiêm chủng. Sở Y tế tỉnh cũng cho dừng lô văcxin Quinvaxem và bại liệt đã tiêm cho 3 trẻ này; đồng thời gửi mẫu văcxin đến Viện Kiểm định quốc gia về văcxin, sinh phẩm y tế để kiểm định.
Văcxin "5 trong 1" hiện có 2 loại. Một loại có tên Quinvaxem của Hàn Quốc, ngừa cùng lúc 5 loại bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib và viêm gan siêu vi. Đây là văcxin được dùng trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra còn có văcxin "5 trong 1" của Pháp là Pentaxim, phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và Hib.
Sự khác biệt của hai văcxin này là ở thành phần ho gà. Loại của Pháp ít phản ứng phụ sau tiêm hơn vì là thành phần ho gà vô bào, trong khi văcxin Hàn Quốc là tế bào.
Theo Cục Y tế Dự phòng, chưa có bằng chứng về sự liên quan của văcxin và dịch vụ tiêm chủng đến các trường hợp tử vong này. Việc bảo quản, vận chuyển văcxin đúng quy định. Cán bộ tiêm chủng đã được tập huấn theo quy định.
Dù vậy, Cục cũng khuyến cáo cán bộ tiêm chủng cần tư vấn đầy đủ cho gia đình, đặc biệt là trường hợp chống chỉ định, hướng dẫn theo dõi, xử trí các phản ứng sau tiêm chủng. Các bà mẹ theo dõi trẻ để phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm và kịp thời thông báo cho cơ sở y tế để có biện pháp xử lý phù hợp.
Khi sử dụng văcxin có thể xảy ra phản ứng do những nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, việc tiêm chủng văc xin phòng bệnh cho trẻ là cần thiết để bảo vệ cho bản thân, gia đình và cộng đồng, chủ động phòng ngừa không để dịch bệnh xảy ra.