14,3 triệu liều vắc xin mũi 3 đã được tiêm tại Việt Nam

Google News

Một tuần qua, Việt Nam tiêm được khoảng 700.000 đến 1,1 triệu liều vắc xin COVID-19 mũi 3 mỗi ngày.

Theo thông tin của Bộ Y tế, ngày 12/1, 927.829 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 164.482.313, trong đó tiêm mũi một là 78.458.908 liều, tiêm mũi 2 là 71.707.029 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 14.316.376 liều.

Những ngày gần đây, Việt Nam tiêm được khoảng 700.000-1,1 triệu liều vắc xin COVID-19 mũi 3/ngày.

Bộ Y tế cho biết đến thời điểm này, gần 100% dân số từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin phòng COVID-19, tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 92,8%. Trong khi đó, số lượng trẻ 12-17 tuổi cũng đạt hơn 89,8% tiêm mũi một và 68% tiêm đủ 2 liều cơ bản.

14,3 trieu lieu vac xin mui 3 da duoc tiem tai Viet Nam
 
Tại Hà Nội, thành phố đã tiêm được tổng cộng 13.468.706 mũi vắc xin phòng bệnh COVID-19. Trong đó, tổng số mũi bổ sung đã tiêm là 228.868, mũi nhắc lại là 1.239.643.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, đến 16h ngày 13/11, thành phố này đã tiêm được tổng cộng 18.873.504 mũi vắc xin phòng bệnh COVID-19. Trong đó, tổng số mũi bổ sung và nhắc lại là 3.567.516. Những ngày gần đây, TP.HCM tiêm được khoảng hơn 200.000 liều mũi 3 mỗi ngày. Huyện Củ Chi, Hóc Môn và thành phố Thủ Đức là 3 địa phương có số mũi 3 cao nhất tại TP.HCM.

Trước đó, 17/12/2021, Bộ Y tế cũng đã ban hành văn bản số 10722 về việc tiêm việc tiêm vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại. Theo đó, cơ quan này cho phép tiêm liều vắc xin thứ ba sau mũi cuối của liều cơ bản 3 tháng; người khỏi COVID-19 được tiêm ngay mà không chờ 6 tháng như trước.

Liều cơ bản là liều vắc xin tiêm theo liệu trình quy định của nhà sản xuất. Liều bổ sung là liều tiêm sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày. Liều nhắc lại, còn gọi là liều tăng cường, tiêm ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung.

Theo đó, Bộ Y tế cho phép tiêm liều bổ sung cho người đã tiêm đủ liều cơ bản có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng; người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin của hãng Sinopharm hoặc vắc xin Sputnik V.

Trường hợp này sẽ được tiêm một mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng. Loại vắc xin để tiêm là cùng loại với liều cơ bản hoặc vắc xin công nghệ mRNA (Pfizer, Moderna). Người có chỉ định tiêm liều bổ sung, sau khi đã tiêm liều bổ sung thì được coi là hoàn thành liều cơ bản.

Liều nhắc lại được dùng cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, được chăm sóc; hoặc liều bổ sung cho người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế.

Những người này sẽ được tiêm một mũi nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản. Nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vắc xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại hoặc vắc xin mRNA. Nếu trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc xin mRNA. Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc xin của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại hoặc vắc xin mRNA hoặc vắc xin vetor virus (vắc xin Astrazeneca).

Ngày 9/1, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế cũng ban hành công văn gửi các địa phương hướng dẫn tiêm liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên đã tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung bằng vắc xin Vero Cell (Sinopharm) có thể sử dụng vắc xin cùng loại hoặc vắc xin mRNA hoặc vắc xin véc tơ virus (vắc xin AstraZeneca).

Theo Phương Anh/Zingnews.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)