Vào ngày 22/1/2012, nhiệt độ ở Mỹ xuống -13 độ, tuyết rơi dày đặc nhưng ông Hà Liệt Thắng vẫn yêu cầu đứa con trai 4 tuổi Hà Nghi Đức cởi quần áo, chỉ mang mỗi quần lót và giày. Khuôn mặt cậu bé đỏ ửng vì lạnh, miệng không ngừng hét lên: “Bố ơi, bố ơi, ôm con”.
Bức ảnh gây chấn động năm nào.
Người bố vẫn thản nhiên trước những gì con trai đang chịu đựng, thậm chí còn nói: “Con đừng dừng lại, con chạy đi nếu không sẽ lạnh”.
Nhiều người thắc mắc rằng, tại sao người bố lại nhẫn tâm đối xử với con mình như vậy?
Phương pháp dạy con kiểu "đại bàng" của người bố
Hà Liệt Thắng đặt tên cho phương pháp dạy con của mình là “giáo dục kiểu đại bàng”.
Khi tập bay, đại bàng mẹ sẽ đẩy đại bàng con xuống từ vách đá cao, đại bàng con không còn cách nào khác ngoài việc tự vỗ cánh để cứu lấy mình. Dưới áp lực nặng nề đó, đại bàng con cuối cùng sẽ học được cách bay.
Hà Liệt Thắng tự so sánh mình là đại bàng mẹ, và con trai ông Hà Nghi Đức là đại bàng con cần học cách bay.
Hà Liệt Thắng nói: “Cuộc sống có rất nhiều khó khăn, gian khổ. Nếu cha mẹ không trau dồi khả năng chịu gian khổ cho con mình, trẻ sẽ khó đương đầu với những thất bại sau này”.
Hà Nghi Đức sinh vào ngày 12/2/2008 nhưng không may sinh non 3 tháng, lại còn mắc những bệnh nghiêm trọng về tim và não.
Khoảnh khắc đó, Hà Liệt Thắng cảm thấy như trời sập, trải qua bao gian khổ khi còn trẻ, cuối cùng cũng có một đứa con ở tuổi trung niên nhưng số phận lại như trêu đùa.
Đối mặt với kết quả như vậy, Hà Liệt Thắng có chút không thể chấp nhận. Ngay cả khi có một tia hy vọng, ông vẫn không ngừng cố gắng.
Cậu bé Hà Nghi Đức sinh non.
Ông bắt đầu tìm kiếm thông tin trên Internet và hỏi ý kiến bác sĩ về một đứa trẻ sinh non. Bác sĩ cho biết, những bệnh về tim và não có chi phí điều trị rất lớn, quá trình chiến đấu bệnh tật cũng rất khó khăn.
"Chỉ cần có một tia hy vọng, chúng tôi sẽ không từ bỏ", Hà Liệt Thắng nói một cách chắc chắn.
Bác sĩ cho biết có 2 nguyên nhân khiến trẻ sinh non gặp nhiều biến chứng khác nhau: 1 là do trẻ chưa phát triển hoàn thiện, 2 là do trẻ sinh non không có sức đề kháng cao như trẻ sinh đủ tháng.
Để nâng cao sức đề kháng cho con mình, Hà Liệt Thắng đã tìm hiểu các tài liệu và biết rằng, bơi lội có thể rèn luyện sức khỏe và tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Ngay lập tức, ông đã đi mua một bể bơi bơm hơi, đổ đầy nước ấm và để con trai vào. Tuy nhiên, sau khi bơi xong, cậu bé lên cơn sốt vào tối đó. Ông bị gia đình phàn nàn rất nhiều nhưng vẫn bất chấp tập cho con bơi.
Phải nói rằng trẻ con bẩm sinh rất dễ thích nghi. Sau 5 ngày tập bơi, Hà Nghi Đức ăn ngủ tốt hơn trước rất nhiều.
Ngoài bơi lội, Hà Liệt Thắng cũng chuẩn bị các bài huấn luyện khác cho con mình, chẳng hạn như nghe nhạc, nhận dạng các thẻ màu…
Nhìn thấy sự thay đổi từng ngày của con trai, Hà Liệt Thắng là người hạnh phúc nhất. Trong quá trình đào tạo, Hà Liệt Thắng nhận thấy tiềm năng của một đứa trẻ là vô hạn nhưng không phải cha mẹ nào cũng nhận thấy được. Cùng với việc thể chất của con ngày càng cải thiện, ông quyết định huấn luyện con mình trở thành người có tài năng.
Cuộc sống của cậu bé Hà Nghi Đức dưới phương pháp dạy dỗ kiểu “đại bàng”
Ngày 22/1/2012, Hà Liệt Thắng đưa cả gia đình sang Mỹ nghỉ dưỡng. Lúc đó ở Mỹ tuyết rơi dày đặc, Hà Liệt Thắng muốn rèn ý chí cho con trai. Thế nên mới xuất hiện đoạn video cậu bé 4 tuổi khỏa thân chạy trên tuyết. Đoạn video đã thu hút sự chú ý của rất nhiều cư dân mạng, phần lớn mọi người đều lên án Hà Liệt Thắng, cho rằng phương pháp giáo dục của ông quá cực đoan. Thậm chí có người còn nói ông đã ngược đãi trẻ em.
Trước những nghi ngờ của cư dân mạng, Hà Liệt Thắng cho biết: “Bản thân tôi có được ngày hôm nay cũng là được tôi luyện từ một nền giáo dục đặc biệt. Tôi biết điều gì là tốt cho trẻ em”.
Dưới sự huấn luyện của người cha, Hà Nghi Đức đã đạt được nhiều thành tích đáng nể.
Năm 6 tuổi, xuất bản cuốn tự truyện.
Năm 7 tuổi, 3 lần vượt biển thành công.
Năm 8 tuổi, đậu Đại học Nam Kinh.
Năm 9 tuổi, giành chức vô địch cuộc thi Robot thế giới tại Bắc Kinh.
Năm 11 tuổi, tốt nghiệp Đại học Nam Kinh.
Năm 13 tuổi, hoàn thành khoá học MBA tại một trường đại học ở Tây Ban Nha.
Vào ngày 19/12/2021, Hà Nghi Đức nhận được thư chấp nhận từ Đại học Sao Paulo ở Philippines, trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ trẻ nhất tại đây.
Hà Liệt Thắng mất 13 năm rèn luyện một đứa trẻ sinh non, thể chất kém trở thành một vận động viên leo núi, từ một người suýt bại não trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ tại một trường đại học nổi tiếng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích Hà Nghi Đức đạt được khi còn nhỏ, cậu bé không có thời gian chơi game, xem video, thậm chí dù đã lớn nhưng chưa bao giờ uống nước ngọt.
Mặc dù Hà Liệt Thắng đã giải thích về phương pháp giáo dục của mình nhưng nhiều phụ huynh vẫn cho rằng, cách dạy con này quá tàn nhẫn, một đứa trẻ vẫn nên có một tuổi thơ hạnh phúc thay vì những danh hiệu hay bất kỳ chứng chỉ nào.