Bức ảnh người cha bật khóc bên đường gây xúc động khắp thế giới

Google News

Bức ảnh người lao động nghèo ngồi bật khóc bên vệ đường vì không có tiền mua vé tàu về quê ở Ấn Độ đã trở thành tâm điểm của dư luận. Nhiều người từ khắp nơi đề nghị giúp đỡ anh.

Bức ảnh chụp lại hình ảnh một người lao động nhập cư ngồi bên vệ đường ở Delhi. Khuôn mặt anh nhăn khó, đầy đau khổ khi nói với người chụp ảnh về vợ và đứa con trai bé bỏng bị ốm của mình. Anh chỉ muốn nhanh chóng về nhà gặp vợ con nhưng lại không có tiền, trong khi đất nước vẫn đang phong tỏa nghiêm ngặt, theo Guardian.
Con mất nhưng không thể về nhà
Khó khăn của anh Rampukar Pandit là tình cảnh chung của những người làm công ăn lương nhập cư ở Ấn Độ. Không có phương tiện giao thông công cộng để anh có thể trở về nhà ở Begusarai, bang Bihar, cách nơi anh đang làm việc 1.200 km. Anh bắt đầu đi bộ. Nhưng đến cây cầu Nizamuddin, anh cảm thấy kiệt sức và đói, anh không thể đi thêm nữa.
Atul Yadav, nhiếp ảnh gia của Press Trust of India, đang đi làm về ngang qua cây cầu hôm 11/5 thì bắt gặp anh Pandit, 38 tuổi, ngồi khóc nức nở. Anh Atul cho anh Pandit nước và bánh quy nhưng bị từ chối. Pandit nói đồ ăn sẽ làm ăn mắc nghẹn vì anh không thể nuốt nổi khi đứa con trai 11 tháng tuổi đang ốm.
“Nhìn anh ấy rất xúc động nên tôi đã dừng chụp ảnh. Anh ấy đã ngồi trên đường 3 ngày rồi”, Yadav nói.
Buc anh nguoi cha bat khoc ben duong gay xuc dong khap the gioi
Bức ảnh anh Rampukar Pandit ngồi bên vệ đường bật khóc vì không thể về nhà khi con ốm gây sốt mạng xã hội. Ảnh: PTI. 
“Những người lao động như chúng tôi không thuộc về bất cứ quốc gia nào”, anh Pandit nói với nhiếp ảnh gia. “Tất cả những gì tôi muốn là được về nhà và gặp con trai tôi”.
Tối hôm đó, anh Pandit đến một đồn cảnh sát gần đó. Trong lúc chờ đợi cảnh sát giúp đỡ thì một nhóm người có thiện chí giúp đỡ xuất hiện. Họ đã đọc được tweet của nhà báo Yadav về anh Pandit và đi đến đây để tìm anh.
Anh Pandit vẫn rất đau buồn. Vợ anh vừa gọi điện nói rằng con trai của họ đã qua đời. Một người trong nhóm muốn giúp đỡ đã mua vé tàu cho anh Pandit. “Anh ấy bật khóc vì biết ơn sự giúp đỡ của những người lạ”, nhiếp ảnh gia kể.
Chạy trốn khỏi khu ổ chuột
Bức ảnh về anh Pandit khắc họa nỗi thống khổ của hàng triệu lao động nhập cư Ấn Độ, những người đang tuyệt vọng trên đường trở về nhà với gia đình. Họ chờ đợi chính phủ bố trí phương tiện giao thông vì tin rằng một số chuyến tàu đang được sắp xếp cho họ, nhưng đã bị vỡ mộng.
Vì thế, họ cố gắng khắc phục bằng mọi cách: xe tải, xe đạp, xe lam và thậm chí cả đi bộ. Một số hành trình như của anh Pandit lên tới cả 1.000 km.
Đói, khát và cái nóng thiêu đốt của mùa hè Ấn Độ làm chặng đường càng thêm khốc liệt. Có những người đã chết vì kiệt sức và say nắng. “Nếu tôi chết, tôi muốn được chết cùng bố mẹ”, một người lao động trẻ nói.
Buc anh nguoi cha bat khoc ben duong gay xuc dong khap the gioi-Hinh-2
 Người lao động nhập cư và gia đình của họ xếp hàng lên tàu tại ga đường sắt Mumbai. Ảnh: Reuters.
Một người lái xe lam chạy trốn khỏi Mumbai cho biết: “Thậm chí nếu có chết đói trong làng, tôi cũng không bao giờ quay lại (Mumbai làm việc). Các con tôi cần thuốc men và thức ăn mà tôi không thể làm được gì (vì lệnh phong tỏa)”.
Cuộc di cư vẫn diễn ra hàng ngày. Các cư dân của khu ổ chuột Dharavi ở Mumbai đang trốn chạy lên tới cả nghìn người mỗi ngày. Với điều kiện sống tù túng, dễ nhiễm bệnh trong khi thành phố đã có hơn 1.100 ca nhiễm virus corona, nhiều người lao động cảm thấy như “ngồi trên đống lửa”.
Bức ảnh lan truyền khắp thế giới
Nhiếp ảnh gia Yadav, 44 tuổi, đã ghi lại tình cảnh của những người lao động Ấn Độ trong nhiều tuần qua, từ khi lệnh phong tỏa có hiệu lực hôm 25/3. Nhưng điều khiến anh bất ngờ nhất là phản ứng của dư luận trước bức ảnh của anh Pandit. Nó được lan truyền trên khắp truyền thông và mạng xã hội Ấn Độ.
Yadav còn nhận được các cuộc gọi từ California và New York, đề nghị được giúp đỡ anh Pandit. “Trong sự nghiệp của tôi đến giờ, đây là bức ảnh thể hiện rõ nhất nỗi đau của một người”, anh nói.
Pandit đã đến Bihar, bang quê nhà anh, vào tuần trước. Anh được đưa vào trung tâm kiểm dịch nhưng đã được xét nghiệm âm tính với Covid-19. Anh không thể chờ đợi thêm nữa để được về nhà. Khi đó, anh dự định sẽ không bao giờ quay lại thủ đô hoặc đến bất kỳ thành phố nào khác để làm việc, dù anh không có bất kỳ nguồn thu nhập nào.
Buc anh nguoi cha bat khoc ben duong gay xuc dong khap the gioi-Hinh-3
Những người lao động nhập cư đi bộ về nhà trên đường cao tốc NH24 trong thời gian phong tỏa. Ảnh: Outlook. 
“Tôi là một người không ai biết. Tôi giống như một con kiến. Cuộc sống của tôi không phải là vấn đề. Chính phủ chỉ quan tâm đến việc lấp đầy dạ dày của người giàu”, anh nói. “Tôi sẽ tự kiểm soát cuộc đời của mình. Những gì đã trải qua là quá đủ với tôi”.
Tuy nhiên, nếu Pandit có cơ hội trở lại Delhi, anh cho biết sẽ đến gặp người phụ nữ trả tiền vé cho mình. Trước khi rời đi, cô ấy đã đưa cho anh địa chỉ nhà mình đề phòng trường hợp anh cần giúp đỡ thêm. “Tôi muốn gặp lại cô ấy. Cô ấy là thiên thần của tôi”, anh Pandit nói.
Theo Hạnh Vũ/Zingnews.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)