Còn nhiều quan điểm khác nhau về nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992...
Với dung lượng gần 15 ngàn chữ, bản tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) năm 1992 thể hiện các nội dung góp ý chi tiết đến từng điều. Theo đó, rất nhiều nội dung còn có quan điểm khác nhau, không chỉ ở câu chữ.
Đề nghị nghiên cứu nhất thể hóa chức danh
Với các ý kiến góp ý ở chương “Chủ tịch nước”, một số đại biểu đề nghị làm rõ vai trò của Chủ tịch nước, mối quan hệ giữa Chủ tịch nước và Tổng bí thư; nghiên cứu nhất thể hóa chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước, làm rõ mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với Quân ủy Trung ương.
Bên cạnh đó cần bổ sung quy định về cơ quan điều tra phòng, chống tham nhũng thuộc Chủ tịch nước.
Cũng có vị đại biểu đề nghị cân nhắc quy định giới hạn Chủ tịch nước chỉ đảm nhiệm chức vụ tối đa không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp, đồng thời tăng quyền của Chủ tịch nước để kiểm soát quyền lực của các cơ quan khác.
Bản tập hợp cho biết, 11 ý kiến ở 6 tổ tán thành quy định về thẩm quyền của Chủ tịch nước trong việc phong hàm, cấp sĩ quan cấp cao (tướng lĩnh các cấp và bổ nhiệm chức vụ tương đương). Chỉ có 1 ý kiến khác đề nghị giữ như Hiến pháp hiện hành.
Có đại biểu đề nghị cân nhắc thẩm quyền phong hàm cấp tướng, trường hợp nào thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước, trường hợp nào thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đồng thời quy định rõ các cấp bậc trong công an và việc phong quân hàm trong lực lượng công an.
Ba vị đại biểu ở 3 tổ khác nhau cùng đề nghị quy định rõ nội hàm của việc “thống lĩnh lực lượng vũ trang” hoặc thay từ “thống lĩnh” bằng từ khác.
Lập cơ quan bảo vệ Hiến pháp?
Về việc bảo vệ Hiến pháp, có 10 ý kiến ở 7 tổ tán thành việc giao cho nhiều cơ quan có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp, không thành lập cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị có cơ quan chuyên trách về bảo vệ Hiến pháp, cũng nhận được sự đồng tình của 10 ý kiến ở 7 tổ. Bên cạnh đó cũng có một số ý kiến cho rằng, khi cần thiết thì thành lập hội đồng bảo hiến thuộc Quốc hội.
Tại tờ trình Quốc hội về dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã nêu rõ quan điểm tán thành với loại ý kiến thứ nhất.
Theo Ủy ban, cần tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu quả, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban pháp luật của Quốc hội trong việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đồng thời, tiếp tục giao Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành hoặc thuộc phạm vi kiểm tra, giám sát, quản lý của mình.
Lập luận của các ý kiến cho rằng, cần thành lập Hội đồng Hiến pháp, hội đồng này sẽ giữ vai trò là cơ quan chuyên môn do Quốc hội thành lập để giúp Quốc hội kiểm tra, kết luận về tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan ở trung ương và địa phương ban hành.
Trường hợp phát hiện có vi phạm Hiến pháp thì yêu cầu cơ quan ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản. Đây là việc làm cần thiết nhằm thực hiện chủ trương của Đại hội IX và X về việc xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp, bảo đảm khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết của cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành.
Cân nhắc vai trò kinh tế nhà nước
Liên quan đến nội dung còn nhiều tranh cãi về các thành phần kinh tế và vai trò của kinh tế nhà nước, theo tổng hợp, 12 ý kiến ở 8 tổ tán thành quy định tên các thành phần kinh tế trong Hiến pháp.
Tuy nhiên, 9 ý kiến ở 8 tổ lại đề nghị không nêu tên cụ thể các thành phần kinh tế trong Hiến pháp, vì vậy nên bỏ đoạn “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác được củng cố và phát triển. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển”.
Một số vị đại biểu cũng đề nghị cân nhắc, xác định vị trí, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Liên quan đến thời gian lấy ý kiến nhân dân, có đến 10 ý kiến tại 7 tổ đề nghị nên tăng. Cụ thể, nên kéo dài thêm 1 đến 2 tháng, từ ngày 1/12/2012 đến 1/4/2013, cũng có ý kiến cho rằng cần ít nhất 6 tháng để thực hiện việc này.
Chiều 15 và cả ngày 16/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
BÀI ĐỌC NHIỀU
[links()]