“Lão gàn” chăm mộ liệt sĩ

Google News

Đã ở tuổi 82 tuổi nhưng ông Phạm Văn Quỹ ở Hà Nam vẫn ngày ngày ra nghĩa trang liệt sĩ để chăm sóc từng ngôi mộ một cách chu đáo.

- 82 tuổi - ở cái tuổi xưa nay hiếm lẽ ra phải để cho riêng bản thân quyền được nghỉ ngơi. Thế nhưng, ông Phạm Văn Quỹ ở xã Lam Hạ, Phủ Lý, Hà Nam vẫn ngày ngày ra nghĩa trang liệt sĩ để chăm sóc từng ngôi mộ một cách chu đáo. Công việc ấy ông đã làm tròn 30 năm nay.

Ông Phạm Văn Quỹ đã 30 năm chăm sóc mộ liệt sĩ.
Ông Phạm Văn Quỹ đã 30 năm chăm sóc mộ liệt sĩ.
Ông Phạm Văn Quỹ bộc bạch: "Cũng vì nhẽ ấy mà nhiều người bảo tôi là "lão gàn". Tôi không giận họ, vì đơn giản mình cũng là một người lính, sống sót qua chiến tranh và muốn được chăm sóc những phần mộ của đồng đội để luôn nhớ về họ, về những chiến công mà họ đã dành cho đất nước.

Tôi sinh năm 1930 ở Hà Nam, cách mạng tháng Tám 1945 nổ ra thì tôi đã 15 tuổi, vì có bằng sơ học yếu lược nên được gọi ra dạy bình dân học vụ cho bà con. Năm 19 tuổi, tôi xung phong đi bộ đội nhưng vì thân hình nhỏ con nên không được.

Đến 1952, tôi tiếp tục xung phong đi chống thực dân Pháp và may mắn được chiến đấu tại Quân khu 3. Đầu năm 1954, tôi và đồng đội tham gia đánh du kích ở đường 10 Nam Định. Do quân thực dân Pháp còn mạnh nên chúng phản công, nã đạn pháo vào quân ta. Trận ấy, tôi bị thương khá nặng, cụt ngón tay cái bên trái, một mảnh pháo xuyên vào vai và một mảnh xuyên vào chân.

Đến năm 1958, tôi lại về công tác trong ngành giáo dục, đến năm 1981 thì nghỉ hưu. Khi ấy, nghĩa trang quê tôi còn rất hoang sơ, cỏ mọc um tùm. Sau nhiều đêm thức trắng, tôi quyết định viết đơn xin xã cho tôi được chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ.

Những năm ấy, nghĩa trang chỉ có 42 ngôi mộ liệt sĩ nhưng bây giờ đã quy tụ được 100 mộ. Trong số ấy có 10 cô gái Lam Hạ anh hùng đã được vinh danh là các cô: Thu - Thi - Tâm - Tuyết - Lan - Phương - Thuận - Thẹp - Chung - Oánh.

Trong những ngôi mộ ấy, cũng có nhiều mộ là các liệt sĩ vô danh, họ đã chiến đấu anh dũng và nằm xuống tại quê hương chúng tôi. Tôi tâm niệm, các anh hùng đã anh dũng hy sinh, bản thân mình lại là một cựu chiến binh, tuy là thương binh hạng nặng nhưng dù sao vẫn may mắn sống sót. Vậy mình phải chăm sóc những phần mộ ấy, một phần để tri ân đồng đội, phần nữa để cho cho tâm hồn mình được thanh thản.

Hằng ngày, tôi đều đến nghĩa trang dọn cỏ, quét rác và thắp hương cho từng phần mộ. Có những hôm tôi bị ốm không đến được thì đã có các cháu làm thay. Nhưng tôi vẫn muốn tự mình làm các công việc ấy.

Ngoài chăm sóc mộ liệt sĩ, tôi còn tìm hiểu tên tuổi, lý lịch của từng liệt sĩ để hướng dẫn cho các thanh niên, đoàn viên mỗi khi các cháu tổ chức ra thắp hương, tưởng niệm.

Gia đình, bạn bè cũng khuyên tôi nên nghỉ vì tuổi đã cao sức đã yếu, nhưng tôi muốn mình được gần gũi các đồng đội để giáo dục con cháu về tinh thần yêu nước và luôn ghi nhớ công ơn của các anh hùng."

Thái Hòa (ghi)
[links()]
 

Bình luận(0)