Khi 2 đứa đang yêu, trong mỗi câu chuyện lúc bên nhau, tôi thường xuyên thấy anh nhắc về mẹ. Nhưng khi ấy tôi nghĩ, mẹ chỉ có mình anh, lại đang sống ở quê một mình vì bố anh mất sớm nên phận làm con luôn quan tâm đến bà là điều bình thường. Thậm chí tôi nghĩ, con trai có hiếu và thương mẹ như thế mai này sẽ yêu thương vợ nhiều lắm.
Do đó, mỗi lần 2 đứa về quê anh chơi, anh thường chuẩn bị rất nhiều quà bánh mang về cho mẹ. Về đến nhà là lao ngay vào bếp nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa cho mẹ sạch sẽ. Thấy anh hiếu thảo vậy tôi mừng vì nghĩ chọn được đúng người.
Đang ở cữ mà tôi stress và muốn trầm cảm vì chồng. (Ảnh minh họa)
Nhưng khi 2 đứa cưới nhau, tôi lại thấy mỏi mệt ra mặt vì sự hiếu thảo thái quá này của chồng với mẹ. Sau cưới, riêng khoản phong bì cưới xin của 2 đứa được tất cả 110 triệu đồng, chồng tôi cũng chẳng ngại ngần mà đưa hết cho mẹ đẻ bảo cất đi. Trong khi lên thành phố bao khoản phải chi tiêu, chồng đưa hết tiền cho mẹ rồi nên hàng tháng tôi có bao tiền đều phải chi ra.
Ức nhất là đưa hết tiền cho mẹ hàng tháng, có tháng không đủ tiền xăng xe, tiêu vặt hay ăn uống, chồng lại ngửa tay xin tiền vợ vài trăm ngàn.
Cứ tưởng lúc vợ có bầu, chồng sẽ phải thay đổi. Nhưng khi tôi mang thai, chồng cũng chẳng góp thêm vào để mua sắm chi tiêu. Mặc kệ vợ tự lo liệu mọi khoản trong nhà, chồng vẫn gửi tiền đều mỗi tháng về cho mẹ chẳng thiếu đồng nào.
Cũng may lương của tôi khá nên ngoài lo chi tiêu gia đình cũng đủ mỗi tháng tích cóp được mỗi tháng 2-3 triệu nên lúc đi sinh có 1 khoản trông vào. Dù sinh con ở viện tuyến trung ương nhưng may mắn không có vấn đề thai kỳ gì nên tôi đẻ thường suôn sẻ, chi phí sinh chỉ hết khoảng 15 triệu đồng, chưa cần chồng phải bỏ thêm tiền vào lo liệu.
Còn lại ít tiền tiết kiệm, tôi bỏ ra mua thức ăn và thuốc bổ khi ở cữ. Sau khi hết tháng cữ đầu tiên cũng là lúc hết sạch tiền phải bán cả chiếc dây chuyền vàng hồi cưới để mua thực phẩm hàng ngày ăn uống và bỉm sữa cho con. Nhưng số tiền đó như muối bỏ biển, chẳng thấm vào đâu nên tôi bảo chồng phải đưa tiền cho vợ chi tiêu hàng ngày:
"Anh đừng gửi tiền về cho bà nữa, đưa em tiền để tiêu từ hôm nay, em hết sạch tiền rồi".
Tôi nói như vậy mà chồng vằn mắt lên bảo tiền của anh chuyển cho ai là do anh, tôi không có quyền can thiệp. Rồi ngày nào anh cũng đưa cho vợ đẻ đúng 100 ngàn để mua thực phẩm ăn cả ngày. Hôm nào mua thêm bỉm sữa cho con phải xin thêm là anh thái độ. Đêm đến con khóc, anh mắng vợ mới sinh không biết dỗ, làm mẹ gì mà vô dụng chứ không bao giờ đỡ đần thức đêm chăm con giúp vợ.
Đêm đến con khóc, anh mắng vợ không biết dỗ, làm mẹ gì mà vô dụng chứ không bao giờ đỡ đần thức đêm chăm con giúp vợ. (Ảnh minh họa)
Sau sinh do không được ăn uống đầy đủ và không được chồng đỡ đần trông con hay chia sẻ việc nhà nên tôi không có thời gian nghỉ ngơi, mãi không hồi phục được sức khỏe. Lại thêm con hay quấy khóc nên tôi càng mệt mỏi, stress. Nhiều lúc nghĩ mà thương 2 mẹ con và muốn trầm cảm vì chồng. Anh vô tâm hà tiện với vợ con nhưng lại vô cùng hiếu thuận với mẹ đẻ.
Giờ tôi sẽ chỉ sống vì con, mặc kệ chồng muốn đối xử ra sao thì ra. Nước cuối cùng không chịu được tôi sẽ bế con về bà ngoại nhờ cậy. Nhưng tôi lại sợ, nếu không tự thoát ra khỏi tình cảnh này để cơ thể khỏe mạnh và tinh thần sau sinh phấn chấn sẽ có thể gặp phải biến chứng sau sinh thì lại khổ bản thân và ông bà ngoại. Tôi phải làm sao để tự phòng ngừa được những biến chứng sau sinh đây?
Cách mẹ bỉm phòng ngừa những biến chứng sau sinh
Để phòng ngừa các biến chứng về sức khỏe và tinh thần sau sinh, người mẹ cần chú ý chăm sóc bản thân song song với chăm sóc em bé. Dưới đây là những việc mẹ nên làm trong thời gian sau khi sinh:
- Nghỉ ngơi nhiều: Ít nhất sáu tuần đầu sau khi sinh, mẹ nên được nghỉ ngơi hoàn toàn và để thích nghi với với sự ra đời của em bé. Ngủ càng nhiều càng tốt để đối phó với sự mệt mỏi. Em bé của bạn có thể thức dậy hai đến ba giờ một lần để cho ăn. Để đảm bảo bạn được nghỉ ngơi đầy đủ, mẹ hãy ngủ khi bé ngủ.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ: Đừng ngần ngại chấp nhận sự giúp đỡ từ gia đình và bạn bè trong giai đoạn sau sinh. Cơ thể bạn cần được chữa lành và sự giúp đỡ thiết thực có thể giúp bạn nghỉ ngơi. Người thân trong gia đình có thể giúp bạn chuẩn bị bữa ăn hoặc giúp chăm sóc em bé hoặc những đứa trẻ khác trong nhà.
- Ăn các bữa ăn với chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh để thúc đẩy hồi phục cơ thể. Tăng lượng ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây và protein. Bạn cũng nên tăng lượng chất lỏng, đặc biệt nếu bạn đang cho con bú.
- Tập thể dục: Bạn nên thực hiện các hoạt động thể chất từ nhẹ như đi bộ, tập các bài tập tại nhà để giúp vóc dáng thon gọn hơn, cơ thể khỏe mạnh hơn…