Mới đây, người mẹ tên Trang, đang sinh sống tại Ý đã chia sẻ tình trạng con gái 2 tuổi bị dính môi âm hộ lên mạng xã hội để biết nguyên nhân và cách khắc phục. Chị cho biết, con gái chị bị tình trạng này từ khi vừa chào đời. “May mắn, con vẫn có thể đi tiểu được”, chị Trang chia sẻ.
Trước đó, chị Trang đưa con đi khám bác sĩ tại Ý và được chẩn đoán dính môi bé. Do tình trạng nhẹ, bé gái chỉ phải thoa kem có chứa estrogen lên chỗ dính để tách rời. Dù giúp con cải thiện theo cách bác sĩ hướng dẫn, nhưng chị Trang vẫn không yên tâm.
Chia sẻ của chị Trang bị nhiều cha mẹ đang nuôi con nhỏ trong nhóm phản ứng. Ai cũng khuyên chị nên đưa con đi khám và điều trị ở bệnh viện, bác sĩ chuyên khoa, đừng nên chia sẻ chuyện nhạy cảm của con lên mạng để xin được “khám bệnh online”. “Vùng kín của con quan trọng lắm. Con bị lâu vậy mà mẹ không cho bé đi viện kiểm tra, sao còn lên mạng hỏi”, một người để lại bình luận.
Dù con gái được chẩn đoán đúng bệnh, chị Trang vẫn không tin bác sĩ. Ảnh minh họa.
Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), dính âm môi hay dính môi bé là hiện tượng hai môi bé bộ phận sinh dục nữ dính lại với nhau chỉ còn một khoảng trống nhỏ, một số trường hợp hầu như bịt kín. Tình trạng này thường xảy ra ở trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi, có thể kéo dài đến dậy thì. Trẻ có thể dính ở thể nhẹ, trung bình hay nặng tùy theo mức độ và thường không có biểu hiện gì, cho đến khi được tình cờ phát hiện. Hoặc trẻ chỉ được đến khám khi than đau vùng sinh dục, tiểu khó hay nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng âm hộ.
Bác sĩ Thạch cho biết, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng từng khám và điều trị cho trẻ bị dính âm môi như con gái chị Trang. Các bác sĩ nhận thấy, điểm chung của các cha mẹ là lo lắng, hoảng loạn vì nghĩ rằng con không có “cô bé” hoặc bị dị tật đường sinh dục.
Trẻ sẽ dễ mắc bệnh vùng kín nếu không được vệ sinh sạch, thay bỉm thường xuyên
Bác sĩ Thạch khẳng định, tình trạng dính môi bé ở trẻ gái là bình thường, không phải bệnh bẩm sinh. Nguyên nhân thường do 3 điều sau:
- Có thể do suy giảm nồng độ oestrogen trong máu của trẻ gây nên.
- Trẻ bị viêm nhiễm tại chỗ, không được vệ sinh đúng cách, hoặc sử dụng bỉm quá lâu không được thay rửa.
- Có thể do da bé bị kích ứng với các thành phần hoá học trong các dung dịch tắm rửa gây nên.
Bé gái nếu không được vệ sinh đúng sẽ rất dễ mắc bệnh vùng kín. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Thạch cho biết, đa số trẻ gặp tình trạng trên không có biểu hiện gì. Một số trường hợp trẻ có triệu chứng tiểu són, tiểu không thành dòng, tiểu khó, tiểu đau. Cũng có trẻ bị đau và tiết dịch bất thường, hoặc có thể biểu hiện của nhiễm khuẩn tiết niệu.
“Nếu trẻ bị dính độ nhẹ có thể tự cải thiện khi đến tuổi dậy thì do nồng độ oestrogen tăng lên. Nếu trẻ mắc ở độ trung bình và nặng thì cần phải điều trị sớm. Nếu để chậm trễ, trẻ sẽ bị nặng hơn do dòng nước tiểu bị cản trở, gây ra tình trạng viêm, nhiễm trùng. Lúc này, trẻ cần phải làm tiểu phẫu để tách dính kết hợp bôi thuốc có chứa chất oestrogen 2 lần/ngày trong 2 tuần. Sau đó, trẻ cần phải được vệ sinh đúng cách để tránh viêm nhiễm và tái phát”, bác sĩ Thạch chia sẻ.
Từ trường hợp của bé gái trên, bác sĩ Thạch khuyến cáo, cha mẹ không nên quá lo lắng, mà nên đưa con đi khám để biết tình trạng của trẻ nhằm có cách khắc phục hiệu quả. Ngoài ra, trẻ cũng cần được vệ sinh vùng kín sạch sẽ, nhất là sau khi đi vệ sinh. “Việc thay bỉm cho trẻ, cha mẹ cũng nên làm thường xuyên, tốt nhất là nên thay 4 giờ/lần và nên thay khi trẻ vừa đi nặng”, bác sĩ Thạch nói.