Tính ở cữ nhà nội 1 tháng rồi về ngoại, ngày thứ 10 tôi ôm con đi vì một câu nói của mẹ chồng

Google News

Chính bố chồng đã khuyên tôi nên về nhà ngoại ở cữ để bố dạy lại vợ và con trai.

Sau một năm kết hôn, vợ chồng tôi có con đầu lòng, mới sinh cách đây chưa đầy 1 tháng. Ban đầu tôi định ở cữ nhà ngoại cho thoải mái, ai cũng đồng ý với ý kiến này, chỉ có mỗi mẹ chồng không chịu.

Bà bảo, con đầu cháu sớm nên ông bà họ hàng rất mong ngóng để bế cháu. Cho nên, tháng đầu tiên sau sinh mẹ con tôi phải ở nội, sau đó muốn về ngoại thì về.

Không muốn mất hòa khí giữa hai nhà nên tôi xuôi theo. Bố mẹ tôi cũng không ý kiến gì thêm nữa. Tuy nhiên, về ở cữ tại nhà nội được 10 ngày, tôi đã không thể chịu đựng thêm được nữa mà xách vali, ôm con bỏ về nhà ngoại.

Hai vợ chồng tôi có con đầu lòng sau 1 năm cưới. (Ảnh minh họa)

Chẳng là mẹ chồng tôi chăm con dâu theo kiểu cổ hủ thời xưa. Trời thì nắng như đổ lửa mà bà bắt tôi nằm trên than nóng, đã thế than còn đặt trong phòng kín. Tôi bác bỏ cái này vì sợ ngộ độc khí than cho cả mẹ lẫn con. Nhưng dù tôi giải thích mãi thì mẹ chồng vẫn bảo thủ, cố chấp.

Về ăn uống, ngày nào mẹ chồng cũng bắt tôi ăn chân giò, chân dê mặc dù sữa mẹ có chứ không phải không có. Ăn đôi bữa thì chẳng sao nhưng một ngày 3 bữa đều ăn chân giò thì ai mà nuốt cho nổi. Tôi không ăn thì mẹ chồng lại tỏ vẻ khó chịu, nói xấu con dâu khắp nơi rằng mẹ chồng chăm con dâu ở cữ từ chân răng kẽ tóc nhưng vẫn chê ỏng chê eo, rồi thì bảo “trứng mà đòi khôn hơn vịt”,…

Không những vậy, mẹ chồng còn can thiệp vào cách nuôi con của tôi một cách quá đáng. Đêm nào bà cũng lọ mọ vào phòng hai vợ chồng với lý do là chăm cháu. Thành ra chồng tôi nằm dưới đất hoặc sang phòng khác ngủ, còn tôi và mẹ chồng sẽ nằm trên giường cùng con. Tôi hết sức thông cảm vì nghĩ bà quá quý cháu nên mới vậy.

Nhưng, lâu lâu mẹ chồng lại bóng gió mấy câu như: “Ở nhà nuôi con là ăn bám mà không biết điều”, “Con ngủ rồi dậy làm việc đi, đừng cứ nằm mãi thế. Con khóc thì mẹ dỗ cho”,… khiến tôi rất khó chịu. Tuy nhiên, tôi vẫn nhẫn nhịn vì cho rằng có thể là do sau sinh, tâm lý mình nhạy cảm hơn nên nghĩ nhiều, suy diễn. Nhưng tới ngày thứ 10 ở cữ tại nhà nội, tôi thật sự không nhịn được nữa.

Những lời nói bâng quơ của mẹ chồng khiến tôi rất khó chịu. (Ảnh minh họa)

Hôm đó tôi bảo chồng đi làm giấy khai sinh và thẻ bảo hiểm y tế cho con, có gì còn đưa con đi khám. Tuy nhiên chồng tôi lại theo ý của mẹ, muốn chọn ngày đẹp mới đi làm giấy khai sinh cho con. Không chịu nổi, tôi đã cãi nhau với chồng.

Hai vợ chồng đang cãi nhau thì mẹ chồng xông vào phòng thẳng thừng nói:

- Hai đứa có cãi nhau thì đợi con đủ 36 tháng rồi muốn cãi thì cãi, muốn bỏ nhau thì bỏ.

Ý của mẹ chồng là muốn vợ chồng tôi ly hôn, nhưng phải đợi con tôi đủ tuổi để nhà nội tranh chấp quyền nuôi con, nuôi cháu à? Bởi về nguyên tắc, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi mà.

Bức xúc, tôi đã cãi nhau với mẹ chồng. Thật may, bố chồng bênh tôi và trách mắng mẹ chồng vì có những lời lẽ không nên. Sau đó, bố khuyên tôi nên về nhà ngoại ở cữ để bố dạy lại vợ và con trai.

Bố chồng đã có lời, tôi cũng chẳng kiêng nể gì mà gọi điện cho bố mẹ sang đón tôi và con về. Lúc hai mẹ con tôi xách vali ra cửa, mẹ chồng mới ríu rít xin lỗi bảo tôi để cháu nội ở lại. Nhưng, tôi mệt mỏi quá rồi, tôi muốn được thoải mái, nghỉ ngơi.

Bố tôi cũng không nhượng bộ, nói thẳng với nhà thông gia:

- Con gái tôi còn có bố mẹ, chúng tôi sẽ không để nó phải chịu ấm ức. Ông bà phải đến nhà tôi có lời chính thức xin lỗi thì chúng tôi mới cho hai mẹ con nó về lại nhà nội sau khi hết cữ. Bằng không, con gái tôi, tôi nuôi, cháu ngoại tôi, tôi chăm, không dám làm phiền tới ông bà nữa.

Đến nay tôi đã về ngoại được gần 1 tuần rồi. Có ông bà ngoại chăm nom tôi thoải mái, vui vẻ hơn hẳn. Chồng vẫn liên tục xin lỗi, khuyên tôi về nhưng tôi mặc kệ.

HẠO PHI (GHI)

Bình luận(0)