Tin tức 24h: Thanh niên tử vong trước ngày đón dâu, rạp cưới thay bằng rạp tang

Google News

Trước ngày đón dâu, thanh niên ở Nghĩa Hưng, Nam Định không may gặp tai nạn tử vong.

Thanh niên tử vong trước ngày đón dâu, rạp cưới thay bằng rạp tang

Ngày 16/12, trên mạng xã hội Facebook chia sẻ hình ảnh rạp cưới kem thông tin chú rể gặp tai nạn tử vong.  Rạp cưới đổi thành rạp tang ngay trong đêm.

Theo bài viết, sự việc đau lòng xảy ra tại xóm 1 (xã Nghĩa Tân, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định).

Sau khi thông tin kèm hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội đã thu sút sự quan tâm của dư luận. Hầu hết mọi người đều bày tỏ thương xót cho cả cô dâu và chú rể. 

Rạp đám cưới được thay thế bằng rạp đám tang. Ảnh A.C.

Trước thông tin trên, ngày 16/12, lãnh đạo xã Nghĩa Tân cho biết, vào tối 15/12, trên địa bàn xảy ra vụ tai nạn đau lòng, nạn nhân là anh M.V.L. (SN1991, người địa phương).

Thời điểm xảy ra tai nạn, anh L. đi mua đồ dùng, trên đường về không làm chủ được tay lái dẫn đến tự ngã.  Nạn nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Theo lãnh đạo địa phương, ngày hôm sau nạn nhân sẽ làm lễ cưới. Sự việc xảy ra bất ngờ, gia đình hai bên đang rất đau lòng, bối rối. Rạp cưới đã được thu dọn thay bằng đám tang.

Lãnh đạo xã Nghĩa Tân cũng phủ nhận thông tin anh L. đi cùng bạn bè đến nhà cô dâu dự liên hoan văn nghệ trước ngày cưới như trên mạng xã hội chia sẻ.

Gió mùa đông bắc mạnh làm cây gãy đổ đè bẹp ôtô Camry 2.5Q

Vào khoảng 11 giờ trưa nay 16-12, gió mùa đông bắc lớn đã làm cây gãy đổ trước nhà hàng Lẩu cua đồng, 685 Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội. 

Gió lớn làm cây lâu năm bị gãy ngang thân đè bẹp ôtô Camrry 2.5Q. Ảnh: Bảo Trân

Do sức nặng của thân cây đổ xuống làm cho phần nóc xe, cốp sau và nắp capo trước bị móp sâu, kính hậu vỡ tan. Rất may, do chủ xe đã vào nhà hàng nên không có thương vong về người.  

Gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 8

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, không khí lạnh mạnh đã ảnh hưởng đến vùng núi phía Bắc và khu Đông Bắc Bắc Bộ, ở vịnh Bắc Bộ đã có gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 8.

Dự báo trong sáng đến trưa 16-12, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến những nơi khác Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ.

Phần đuôi xe bị bẹp và kính hậu bị vỡ tan do cây đồ đè bẹp

Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng sớm ở trung du, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 11-14 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 7-10 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C. Khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế phổ biến 15-18 độ C.

Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm, vùng núi Bắc Bộ rét hại. Khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế trời rét. 

Vùng núi cao có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá. Cảnh báo hiện tượng rét đậm, rét hại này có thể kéo dài sau ngày 20-12.

Ngày 16-12, khu vực Bắc Bộ có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh nên ngày 16 và 17-12, ở khu vực Bắc Trung Bộ có mưa, mưa rào, cục bộ có mưa vừa, mưa to và dông.

Riêng khu vực Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 50-100 mm, có nơi trên 150 mm.

Trên biển, ở vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 4-6 m. Riêng vịnh Bắc Bộ sóng biển cao 2-4 m, biển động mạnh.

Lập zalo giả mạo, lừa chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự làm rõ đối tượng Phan Huỳnh Quỳnh Như (SN 1997, trú tại phường Phường Đúc, TP Huế) về hành vi sử dụng các tài khoản zalo giả danh người thân bị hại, nhắn tin lừa mượn tiền rồi chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Trước đó, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhận được trình báo từ một người dân (trú tại đường Hà Huy Giáp, phường Vỹ Dạ, TP Huế) về việc bị đối tượng không rõ danh tính sử dụng các tài khoản zalo giả danh người thân lừa đảo qua mạng internet rồi chiếm đoạt số tiền hơn 800 triệu đồng.

Công an lấy lời khai đối tượng.

Vào cuộc điều tra, công an xác định Phan Huỳnh Quỳnh Như là đối tượng liên quan vụ việc. Cụ thể, Như nhận định bị hại là người có điều kiện, nhiều tài sản và đặc biệt có mối quan hệ với những thân ở nước ngoài nên đối tượng tạo lập nhiều tài khoản mạng xã hội giả danh những người này sau đó nhắn tin mượn tiền.

Trong các ngày từ 21/11 đến 1/12 với nhiều lý do khác nhau như "gia đình về Việt Nam không đem tiền mặt", "mượn tiền để cho gia đình sử dụng", "mượn tiền để chữa bệnh tại TPHCM"… Như liên hệ và yêu cầu bị hại chuyển tiền, sau đó chiếm đoạt.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phan Huỳnh Quỳnh Như để xử lý theo quy định của pháp luật.

Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời điểm giáp tết Nguyên đán 2024, tình hình tội phạm lợi dụng không gian mạng để hoạt động phạm tội tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp với nhiều phương thức và thủ đoạn tinh vi.

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh xử lý với các hoạt động liên quan, khuyến cáo người dân không chuyển tiền cho bất kỳ người nào qua mạng xã hội, mạng viễn thông khi chưa xác thực rõ thông tin.

Không nhấp, truy cập vào các đường dẫn (đường link) lạ. Không cung cấp các thông tin bảo mật của tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội gồm tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực OTP. Không mua, bán hoặc cho mượn giấy tờ tùy thân; tài khoản, thẻ ngân hàng.

Không đầu tư tiền ảo, đầu tư vào các sàn đầu tư tài chính trái phép hoặc các dự án không rõ nguồn gốc. Không nên vay tiền từ các ứng dụng (app), website để tránh bị lừa đảo hoặc vay lãi nặng.

Đặc biệt, người dân cần chia sẻ thủ đoạn phạm tội của bọn tội phạm cho người thân, hàng xóm. Theo dõi, nghiên cứu các phương thức thủ đoạn của tội phạm trên mạng internet để đề phòng. Thông báo cho cơ quan công an gần nhất khi phát hiện hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Một địa phương ban hành lệnh cấm ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức

Theo báo Bình Dương, UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Quyết định số 45/2023/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 54/2012/QĐ-UBND ngày 14/12/2012.

Theo đó, Quyết định số 45 bãi bỏ Điều 6, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 19 của Quy định về dạy thêm, học thêm tại Quyết định số 54/2012/QĐ-UBND. Quyết định cũng bổ sung, sửa đổi một số điều liên quan đến công tác dạy thêm học thêm. Cụ thể, không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa.

Trong trường hợp tổ chức dạy thêm thì phải dựa trên nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm của học sinh và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm. Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa.

Các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường phải chịu trách nhiệm về các nội dung xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.

Bình Dương cấm bắt ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức. 

Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: Bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục - thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. 

Quy định của UBND tỉnh cũng nêu rõ, đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.

Bên cạnh đó, học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường; cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ có con em xin học thêm trực tiếp ký, ghi cam kết với nhà trường về việc học thêm và chịu trách nhiệm thực hiện cam kết.

Quyết định cũng sửa đổi, bổ sung về mức thu, chi và quản lý tiền học thêm trong nhà trường. Mức thu tiền học thêm trong nhà trường thực hiện theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục và Đào tạo theo phân cấp quản lý; được thỏa thuận bằng văn bản giữa cha mẹ học sinh và nhà trường; bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

Thù lao cho giáo viên trực tiếp giảng dạy không ít hơn 80% tổng tiền thu. Đồng thời, trả tiền điện, nước, vệ sinh, sửa chữa cơ sở vật chất của nhà trường phục vụ dạy thêm, học thêm và công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường không nhiều hơn 20% tổng tiền thu…

Theo tin trên báo Pháp luật TP.HCM, cuối tháng 11, Đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ đang tiến hành với UBND tỉnh Bình Dương và các ngành, địa phương thuộc tỉnh này về tình hình công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc.

Báo cáo với đoàn kiểm tra, UBND tỉnh Bình Dương cho biết địa phương có tổng số hơn 24.700 công chức viên chức. Nhưng chỉ trong gần hai năm (từ tháng 1/2022 đến 9/2023), đã có đến 1.125 công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc. Đặc biệt, cán bộ công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo có đến 70 người.

Trong đó, số viên chức thôi việc, bỏ việc trong ngành giáo dục là cao nhất, tiếp đó là ngành y tế.

Cũng theo báo cáo này, nguyên nhân thôi việc, bỏ việc của cán bộ công chức viên chức có nhiều lý do. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là chính sách tiền lương chưa đáp ứng được nhu cầu cơ bản cho bản thân và gia đình nên công chức, viên chức không có động lực gắn bó với công việc.

H.A

Bình luận(0)