Vụ nhồi nhét 11 trẻ vào xe 7 chỗ đi dã ngoại ở Hà Nội: Trường mầm non Vườn Trẻ Thơ lên tiếng
Mới đây, trên mạng xã hội xôn xao bài đăng kèm video chia sẻ về nội dung: "Mình chứng kiến 1 đoàn học sinh của trường mầm non nhét 16 trẻ vào xe 7 chỗ để cho về. Cho các bé ngồi cả trong cốp xe".
Ngay sau khi đăng tải, bài viết đã nhận được về sự quan tâm từ cộng đồng mạng, đặc biệt là các vị phụ huynh.
Qua tìm hiểu, nhóm học sinh trong vụ việc trên là của Trường Mầm non Vườn Trẻ Thơ - Kids Garden Kindergarten (huyện Đông Anh, Hà Nội).
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, đại diện Trường Mầm non Vườn Trẻ Thơ xác nhận vụ việc và cho biết, thứ 7 (ngày 4/11 - PV) nhà trường tổ chức cho học sinh đi tham quan dã ngoại tại Chimi Farm (huyện Đông Anh).
Theo đại diện trường, hôm đó, số lượng học sinh đăng ký ít, chỉ có 17 bạn (bao gồm cả con giáo viên) nên cô có sử dụng xe 7 chỗ, đưa đón 2 vòng xe, tổng là 4 lượt đi và về.
“Tuy nhiên đoàn xe về có 6 bạn là con giáo viên nên đi xe máy cùng mẹ. Số còn lại là 11 bạn. Do đoạn đường về trường ngắn, mất ít thời gian di chuyển nên bác tài xế tư vấn giúp là cho các con lên cùng xe, gập hết ghế phía sau, các bạn bé nên ngồi vừa. Bình thường là các con sẽ lên xe bằng cửa nhưng hôm đó cô có nhờ tài xế mở đường cốp, gập ghế và bế các con lên cho dễ.
Sau sự việc, nhà trường đã liên hệ toàn bộ phụ huynh có con tham gia buổi dã ngoại và gửi lời xin lỗi chân thành. Nhà trường xin nhận lỗi và kiểm điểm về hành động của mình. Chúng tôi cũng cam kết không vi phạm", vị đại diện nói.
Hình ảnh cắt từ video được cho là 11 học sinh mầm non bị nhồi nhét vào xe 7 chỗ
Vị đại diện cho biết thêm, theo kế hoạch là các con sẽ trải nghiệm tham quan một ngày, nhưng do thời tiết nắng nóng nên các cô cho học sinh về trước thời gian dự kiến.
Tổng số học sinh toàn trường là 25 em, chi phí tham gia dã ngoại là 150.000 đồng/học sinh. Trên xe ô tô 7 chỗ có tổng cộng 13 người, trong đó gồm 1 cô giáo, 1 tài xế và 11 trẻ.
"Sau sự việc lần này nhà trường cũng xin rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý, tổ chức hoạt động dã ngoại cho học sinh. Chúng tôi cảm thấy rất áy náy lương tâm. Từ trước đến nay, trường cũng đã có tổ chức cho học sinh đi dã ngoại và đều sử dụng xe ô tô 16 chỗ", vị này nói thêm.
Bà Tạ Thị Hồng Vân, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Đông Anh, cho biết hiện Phòng đang cho xác minh thông tin, đồng thời yêu cầu trường viết tường trình vụ việc và sẽ có cách giải quyết hợp lý.
Diễn biến mới vụ bé gái 4 tuổi bị cha nuôi đánh đập dã man
Bé T. bị ông Đ. đánh gây thương tích
Ngày 6/11, UBND xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) đã gửi báo cáo đến Phòng Lao động – Thương binh – Xã hội huyện, về việc bé T.N.T. (4 tuổi) bị cha nuôi đánh đập dã man tại ấp Trung Can.
Theo đó, vào khoảng 7h30 cùng ngày, UBND xã Tân Trung nhận được tin báo của người dân về việc bé T bị cha nuôi là ông T.M.Đ (55 tuổi, ngụ xã Tân Trung) bạo hành.
Ngay lập tức, lãnh đạo xã đã chỉ đạo công an phối hợp cùng các đơn vị liên quan xác minh, làm rõ và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Qua xác minh, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện bé T có nhiều thương tích trên cơ thể như: bầm, trầy xước 2 mắt, sưng ở vùng trán, mắt…
Công an sau đó đã mời ông Đ lên làm việc.
Tại cơ quan chức năng, ông Đ khai sống như vợ chồng với bà H (ngụ TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), nhưng cả hai không có con. Năm 2022, đôi vợ chồng hờ này đã nhận bé T làm con nuôi.
Khoảng giữa tháng 10/2023, bà H cùng bé T về nhà ông Đ ở xã Tân Trung. Trong quá trình sinh sống, ông Đ đã nhiều lần dùng nhánh cây đánh dạy dỗ T.
Ngày 5/11, ông Đ chở bà H đi khám bệnh về nhà thì thấy bé gái làm đổ đồ trong nhà nên dùng chổi đánh gây thương tích cho con nuôi.
Cũng tại cơ quan chức năng, ông Đ đã thừa nhận hành vi đánh gây thương tích cho bé T là sai.
Tin mới vụ bắt cóc trẻ sơ sinh trong bệnh viện ở Bình Dương
Ngày 6/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho biết đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Trần Thị Ngọc Thắm (18 tuổi, quê Bến Tre) để điều tra, làm rõ hành vi “Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi”.
Khi bị bắt, Thắm khai nhận, do bị bệnh u nang buồng trứng, sảy thai 1 lần, khả năng có con rất thấp. Vì áp lực việc phải có con từ phía gia đình, Thắm nói dối đang mang thai, dự sinh vào tháng 10/2023.
Do Thắm có "bụng mỡ" lớn, khó phân biệt nên đã qua mắt được người chồng.
Ngày 4/11, Thắm tự đi đến khoa Phụ Sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương (phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một) để kiểm tra bệnh liên quan đến vấn đề sinh sản.
Chiều muộn cùng ngày, Thắm thông báo với người thân là phải nhập viện để sinh con. Do Thắm báo tin bất ngờ nên người nhà chưa kịp đến hỗ trợ.
Đối tượng Trần Thị Ngọc Thắm tại phòng trọ
Tại bệnh viện, Thắm khai tên giả là Phạm Thị Thảo (SN 1993) và nảy sinh ý định chiếm đoạt trẻ sơ sinh của người khác. Khoảng 17h35 cùng ngày, đối tượng lấy áo khoác blouse giả danh cán bộ y tế vào phòng của một gia đình mới sinh con, nói dối là đưa bé sơ sinh đi chích ngừa.
Theo Khoản 1, Điều 153, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tội "Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi" quy định như sau:Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
Sau khi bế bé sơ sinh là con của sản phụ H.T.B (25 tuổi, quê Hậu Giang) ra khỏi bệnh viện, Thắm bắt xe ôm về nhà trọ tại xã Thanh Tuyền (huyện Dầu Tiếng) và nói dối với người thân là mới sinh con.
Tối cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương và Công an TP Thủ Dầu Một đã truy xét, tìm được bé gái ở cùng Thắm tại nhà trọ.
Đáng chú ý, thời điểm công an bắt giữ đối tượng, trong phòng trọ ngoài Thắm còn có hai người khác đang chăm sóc bé sơ sinh. Tuy nhiên hai người này không biết bé là nạn nhân bị bắt cóc mà tin rằng là con gái vừa được đối tượng Thắm sinh ra.
Mặc dù đối tượng đã bị công an tạm giữ, bé gái sơ sinh được bình an trở về với mẹ, không ít nhiều ý kiến băn khoăn về việc, một cô gái đang “tuổi ăn, tuổi chơi”, vì sao đến mức bị áp lực chuyện con cái dẫn đến nghĩ quẩn, đi bắt cóc con người khác?
Nguyên nhân vụ việc đang được công an điều tra làm rõ.
Qua vụ việc trên, Sở Y tế Bình Dương đã yêu cầu các bệnh viện cảnh giác cao độ, rà soát lại tất cả các quy trình nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh, tránh xảy ra trường hợp tương tự.
Thị trường vàng biến động dữ dội, chóng mặt với giá vàng SJC
Đến 15 giờ, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC mua vào 68,7 triệu đồng/lượng, bán ra 70 triệu đồng/lượng, tăng tới gần 2 triệu đồng/lượng so với buổi sáng.
Giá vàng biến động mạnh khiến các doanh nghiệp niêm yết vàng SJC có sự cách biệt. Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) giao dịch vàng quanh 68,4 triệu đồng/lượng mua vào, 69,7 triệu đồng/lượng bán ra.
Biên độ chênh lệch giá mua – bán giãn rộng lên tới 1,3 triệu đồng/lượng, thay vì chỉ khoảng 500.000 đồng/lượng như những ngày qua.
Giá vàng SJC biến động mạnh trong ngày 6-11
Trong buổi sáng, giá vàng SJC có thời điểm lao dốc về 68,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Hay như Tập đoàn DOJI niêm yết vàng SJC chỉ 68,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và 66,7 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào, chênh lệch giá mua vào - bán ra lên tới 1,5 triệu đồng/lượng.
Những nhà đầu tư có tham gia thị trường này như "đi tàu lượn" vì ít khi thấy giá vàng SJC biến động liên tục như vậy. Ngay một số công ty vàng cũng cho hay bất ngờ với diễn biến của giá vàng. Nguyên nhân được chỉ ra là do khi nhiều người lo lắng tác động tiêu cực của Thông tư 12/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc triển khai nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.
Tuy nhiên, như Báo Người Lao Động đã thông tin sáng nay, các công ty vàng và chuyên gia vàng khẳng định người dân vẫn có thể thực hiện hoạt động mua, bán vàng miếng SJC bình thường như hiện hành tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Ngay sau thông tin lên tiếng này, giá vàng SJC tăng mạnh trở lại. Theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới NPJ, thị trường bị tác động bởi tâm lý một bộ phận nhà đầu tư nên khi thông tin rõ ràng thì giá vàng SJC đã phục hồi mạnh mẽ.
Trả lời câu hỏi liệu vàng SJC có bị làm giá không? phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại từng nhiều năm theo dõi thị trường ngoại hối, khẳng định rất khó để làm giá vàng, nhất là vàng SJC thì thanh khoản kém, dễ bị "kẹp hàng". Bản thân các công ty vàng cũng để chênh lệch giá mua vào – bán ra rộng với biên độ lên cả triệu đồng/lượng, hoặc như hôm nay biên độ chênh lệch lên tới 1,5 triệu đồng/lượng, bán vàng ra rất khó mua lại hoặc ngược lại.
"Một lượng vàng SJC hiện tại 70 triệu đồng/lượng, vốn bỏ ra rất lớn trong khi lợi nhuận không được bao nhiêu nên cũng không hấp dẫn người lướt sóng vàng" - phó tổng giám đốc này nói.