Nhân vật bí ẩn được nữ Chủ tịch Vạn Thịnh Phát giao quản lý khối tài sản cực "khủng"
Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định bị can Đặng Phương Hoài Tâm, Trưởng Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã được bị can Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, giao quản lý, sử dụng 126 tài sản, theo dõi dư nợ của các tài sản này
Trong kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan, bị can Đặng Phương Hoài Tâm, Trưởng Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị đề nghị truy tố tội Tham ô tài sản. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định bị can Tâm được bị can Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tin tưởng giao nhiều tài sản.
Bị can Trương Mỹ Lan thời điểm chưa bị khởi tố. Ảnh: Vạn Thịnh Phát
Theo lời khai của Tâm, từ khoảng năm 2013, 2014, Tâm được phân về nhóm quản lý, theo dõi các tài sản của tập đoàn, trong đó có cả những tài sản riêng lẻ của bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Đến năm 2017, Tâm được giao phần việc theo dõi dư nợ tại Ngân hàng SCB liên quan đến các tài sản trên; đồng thời cùng một nhân sự khác theo dõi, cập nhật danh sách tài sản riêng lẻ và thêm phần thông tin dư nợ như: Tên công ty vay, số tiền vay, ngày giải ngân, tài sản đảm bảo, dư nợ, hạn vay, tên chi nhánh vay… Đến đầu năm 2020, Tâm được bổ nhiệm Phó Văn phòng HĐQT phụ trách toàn bộ công việc của văn phòng.
Theo kết luận điều tra, Tâm xác nhận bản thân đã từng quản lý thông tin, dư nợ liên quan tại SCB đối với 98 tài sản loại Nhà ở, đất ở tại TP HCM và 28 tài sản loại Đất nông nghiệp ở quận 9 (TP Thủ Đức, TP HCM). "Tâm biết những tài sản này được thế chấp cho các khoản vay SCB"- kết luận điều tra nêu.
Trong khi đó, lời khai của bà Trương Mỹ Lan cho biết nữ chủ tịch này giao Hoài Tâm theo dõi các bất động sản riêng lẻ, để biết tài sản nào đã đưa vào vay ngân hàng, tài sản nào chưa đưa vào vay; quản lý theo dõi danh sách các công ty/cá nhân đứng tên tài sản, đứng tên khoản vay.
Ngoài ra, chủ tịch Vạn Thịnh Phát cũng giao Tâm phụ trách các nhân viên để thực hiện các thủ tục pháp lý, nhằm thành lập các công ty cung cấp cho bị can Nguyễn Phương Anh, cựu phó tổng giám đốc Công ty Peninsula, khi cần để làm hồ sơ vay vốn SCB.
Năm 2022, Tâm được bị can Lan tin tưởng cho xem danh sách tài sản của nữ chủ tịch đang thế chấp tại SCB và yêu cầu Tâm kiểm tra lại thông tin đối với từng tài sản, để xem có nhầm lẫn, có tài sản nào không được trả lại khi đã tất toán khoản vay hay không.
Theo kết luận điều tra, bị can Tâm đã quản lý, sử dụng 126 tài sản, theo dõi dư nợ của các tài sản này, phối hợp cùng các nhân sự khác hợp thức hàng trăm hồ sơ vay vốn cho nhóm Vạn Thịnh Phát.
Cơ quan điều tra Bộ Công an cáo buộc hành vi của Tâm liên quan trực tiếp hành vi phạm tội của bị can Trương Mỹ Lan, phải liên đới chịu trách nhiệm đối với số tiền 171.000 tỉ đồng mà chủ tịch Vạn Thịnh Phát chiếm đoạt của SCB và số tiền thiệt hại hơn 57.000 tỉ đồng.
Bảo mẫu vô ý làm chết bé trai 7 tháng tuổi: “Không biết việc nhận trông trẻ phải xin cấp phép”
Sáng 28/11, Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm (Hà Nội) đưa Chu Uyển Vân (27 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) ra xét xử về tội “Vô ý làm chết người”.
Vân là bảo mẫu trông bé trai N.B.K (7 tháng tuổi, ở khu đô thị xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội) nhưng trong quá trình trông giữ, cháu bé đã tử vong.
Bị cáo Chu Uyển Vân tại phiên tòa
Trên bục khai báo, Chu Uyển Vân khai nhận, bị cáo không có mối quan hệ hay mâu thuẫn gì với chị Nguyễn Bích Hằng (29 tuổi, mẹ bé K). Vân không có chứng chỉ trông trẻ, không xin phép cơ quan có thẩm quyền.
“Tôi không biết việc trông trẻ theo giờ phải xin cấp phép của cơ quan Nhà nước. Vì tôi thấy các bà, các mẹ trong tòa nhà nhận trông trẻ như thế, nên nghĩ nếu không có lớp thì sẽ không cần xin phép”, Vân nói.
Bị cáo biết chị Hằng qua nhóm cư dân tòa nhà. Sau đó, bị cáo đăng bài nhận trông trẻ theo giờ và chị Hằng chủ động liên hệ để gửi con với giá 250.000 đồng/đêm.
Tối 9/1, bị cáo nhận trông giữ cháu K. qua đêm. Thời điểm tiếp nhận trông giữ, mẹ cháu bé có nói: “bé vừa đi tiêm về, có sổ mũi và hơi quấy”. Đêm đó, cháu K. có mũi, không quấy nhưng hay bắt bế.
“Tôi phải bế cháu K. gần như hết đêm. Thi thoảng tôi cho cháu uống sữa nhưng bé không uống”, Vân khai và cho biết, khi trông bé K., bị cáo cũng đang trông 2 con của mình (một bé 5 tháng tuổi, một bé gần 3 tuổi) và một cháu bé khác (hơn 3 tháng tuổi).
Vân khai tiếp, đến sáng 10/1, bị cáo cho cháu K. uống sữa và bế trên tay cho bé ngủ rồi đặt vào phòng. Sau đó, bị cáo đi ra ngoài dọn dẹp có nghe thấy tiếng ho, nhưng không biết của bé nào.
Do không thấy tiếng khóc nên bị cáo tiếp tục dọn dẹp. Một tiếng ho nữa cất lên, bị cáo mới quay vào phòng. Nhận thấy bé K. có mũi và sủi bóng nên bị cáo lấy khăn sữa lau cho bé, không nghĩ bé bị sặc sữa.
“Lúc này, cháu bé gồng người lên và đập chân xuống giường, mũi chảy sữa nên tôi lấy khăn lau mũi cho bé”, Vân khai trước tòa.
Tiếp đó, Vân bế cháu K. ra phòng khách, thấy bé gồng lên nhiều, bị cáo đặt bé rồi vỗ nghiêng lưng. Thấy dịch trắng và vàng chảy ra từ mũi cháu K. nhiều nên bị cáo hoảng loạn, không biết xử lý thế nào, chỉ vỗ lưng.
Thấy cháu bé bị nôn trớ nhiều và lịm dần đi, đến 7h30, bị cáo gọi xe cấp cứu và được nhân viên y tế hướng dẫn tìm kiếm trên mạng để xem hướng dẫn cách xử lý cho em bé khi sặc sữa. Do hoảng loạn, chân tay run rẩy nên bị cáo không làm theo.
“Từ lúc cháu bé có biểu hiện bất thường đến lúc bị cáo gọi xe cấp cứu là 15 phút”, bị cáo Vân nói và cho biết, khi gọi xe cấp cứu em bé còn phản ứng.
“Bị cáo có biết 15 phút mới gọi xe cấp cứu là nguy hiểm tới tính mạng của em bé không?”, Chủ tọa đặt câu hỏi. Lúc này, Vân nói “bị cáo không biết”.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa “gần nhà bị cáo có Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm sao không đưa vào?”. Bị cáo Vân cho biết, do không biết tình trạng của cháu K. như thế nào nên không đưa đến bệnh viện.
“Sơ cứu được khoảng 20 phút thì cháu bé lịm đi. Khi xe cấp cứu đến, bé đã không còn cựa nữa”, Vân nói.
Vân khai, bị cáo phát hiện bé bị sặc sữa lúc khoảng 7h10, đến 8h mới gọi cho mẹ cháu bé.
Sau đó, chủ tọa mời người tham gia tố tụng khác là anh Nguyễn Đình Hoàng (nhân viên cấp cứu 115) lên đối chứng.
Anh Hoàng khai, lúc 7h50 ngày 10/1, anh nhận được điện thoại từ trung tâm cấp cứu cho biết tại khu đô thị trên địa bàn huyện Gia Lâm (Hà Nội) có cháu bé bị sặc sữa. Trên đường đi, nhận thấy quãng đường xa, việc cứu cháu bé bị sặc sữa chỉ khoảng 5 đến 6 phút, nếu quá thời gian vàng này sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy anh đã gọi đến số điện thoại của người gọi cấp cứu để hướng dẫn sơ cứu trẻ bị sặc sữa.
“8h10 tôi có gọi cho số thuê bao gọi cấp cứu và báo đã đến nơi. Một lúc sau, thấy một phụ nữ bế một cháu bé xuống trong tình trạng tim ngừng đập, mặt mũi tím tái nên chúng tôi thông báo trẻ ngừng tuần hoàn. 20 phút sau, một người phụ nữ khác đến nhận là mẹ cháu bé, chúng tôi thông báo như trên và tiếp tục sơ cứu”, anh Hoàng nói và cho biết, mẹ cháu có nguyện vọng đưa đến bệnh viện, khi đến nơi đã không cứu được.
Giá vàng SJC tăng dữ dội, chỉ vài giờ đã tăng 1,1 triệu đồng
Giá vàng SJC tăng bốc đầu
Đến 13h30 hôm nay ngày 28/11, giá vàng SJC đã được đồng loạt điều chỉnh tăng mạnh so với sáng nay.
Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 72,5 - 73,52 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng/lượng chiều mua vào và 800.000 đồng/lượng chiều bán ra so với giá mở cửa sáng nay.
Vàng Doji HN niêm yết giá vàng ở mức 72,6 - 73,5 triệu đồng/lượng, tăng 1.100.000 đồng/lượng chiều mua vào và 1.000.000 đồng/lượng chiều bán ra so với thời điểm 8h30 sáng nay.
Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 72,5 -73,5 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng/lượng chiều mua vào và 800.000 đồng/lượng chiều bán ra so với sáng nay.
Trong khi đó, giá bán vàng nhẫn 9999 chỉ tăng 50.000 đồng/lượng, lên mức kỷ lục mới 61,75 triệu đồng/lượng bán ra, mua vào ở mức 60,65 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm khảo sát, giá vàng thế giới vẫn duy trì ở mức 2.016 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng hơn 6 tháng qua, tương đương với mức giá mở cửa sáng nay. Đổi theo tỷ giá ngân hàng, chưa kể thuế, phí, giá vàng thế giới tương đương 59,5 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng SJC tăng mạnh nên đã nới rộng khoảng cách với giá vàng thế giới lên tới 14 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn, vàng trang sức cao hơn thế giới khoảng 2,3 triệu đồng/lượng.
TP HCM muốn Chính phủ cho phép bắn pháo hoa vào dịp Tết Dương lịch 2024
UBND TP HCM vừa có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về xin phép tổ chức bắn pháo hoa tầm cao và tầm thấp nhân Tết Dương lịch 2024 tại thành phố.
Nhằm góp phần lan tỏa không khí vui tươi, phấn khởi, đón chào năm mới 2024, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí tinh thần của nhân dân, du khách, UBND thành phố đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho TP HCM được bắn pháo hoa dịp Tết Dương lịch năm 2024.
Cụ thể, một điểm bắn pháo hoa tầm cao tại khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn, TP Thủ Đức. Một điểm bắn pháo hoa tầm thấp tại Công viên Văn hóa Đầm Sen, quận 11.
Thời gian bắn 15 phút, từ 0 giờ đến 0 giờ 15 phút ngày 1-1-2024 bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.
Xúc phạm lãnh đạo trường đại học trên Facebook, U70 nhận "kết đắng"
Chiều 28/11, báo VietNamnet dẫn thông tin, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, vừa ra quyết định xử phạt một cá nhân vì xúc phạm danh dự người khác trên mạng xã hội.
Thông tin ban đầu, vào ngày 14/11, Công an quận Đống Đa, Hà Nội nhận được công văn của một trường đại học về việc đề nghị có hình thức xử lý đối với bà Đ.B.T. (65 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) về việc đăng tải thông tin trên mạng xã hội facebook nói xấu, đặt điều người đứng đầu nhà trường.
Thông tin hình ảnh bà T. xúc phạm lãnh đạo trường học trên Facebook. Ảnh: VietNamnet
Sau khi tiếp nhận đơn tố giác, Công an quận Đống Đa đã xác minh giải quyết theo đúng trình tự pháp luật. Căn cứ tài liệu thu thập được, công an ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà Đ.B.T. về hành vi “xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác”.
Với lỗi vi phạm trên bà Đ.B.T. bị xử phạt 2-3 triệu đồng.
Theo tờ Tri thức & Cuộc sống, bên cạnh việc phạt hành chính, cơ quan chức năng cũng đang xem xét những hành vi phạm tội của bà Đ.B.T. trong quá khứ để có biện pháp ngăn chặn những vi phạm pháp luật tương tự có thể xảy ra.