Tin tức 24h: Miền Bắc liên tiếp đón không khí lạnh tăng cường

Google News

Do không khí lạnh liên tục được bổ sung và lệch đông, mang theo nhiều hơi ẩm từ biển nên trong những ngày tới, miền Bắc tiếp tục chìm trong sương mù, mưa phùn và mưa nhỏ, nồm ẩm kéo dài.

Miền Bắc liên tiếp đón không khí lạnh tăng cường

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay (24/02), không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hết phía Đông Bắc Bộ, khu vực Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Trung Bộ, một số nơi ở khu Tây Bắc Bắc Bộ và Trung Trung Bộ.

Miền Bắc mưa rét dài ngày do đón không khí lạnh liên tiếp.

Ngày và đêm 24/02, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến một số nơi khác ở khu Tây Bắc Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 2-3. Khu vực phía Đông Bắc Bộ trời rét đậm, có nơi rét hại; các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa trời rét.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo trạng thái mưa phùn, mưa nhỏ ở miền Bắc kéo dài nhiều ngày tới. Đến khoảng ngày 27/2, không khí lạnh tăng cường tiếp tục gây giảm nhiệt cho khu vực.

Theo một số mô hình dự báo, ngày ngày 01 và 02/3 có khả năng xảy ra rét đậm diện rộng mặc dù xác suất chưa cao. Đợt lạnh kéo dài hết ngày 03-04/3, sau đó trời có xu hướng ấm lên nhưng ẩm tăng và có khả năng lại tái diễn tình trạng nồm ẩm. Bên cạnh đó cũng sẽ có xu hướng xuất hiện thêm các sóng lạnh khác tăng cường xuống làm cho nền nhiệt ở mức thấp so với cùng kỳ tháng 3 nhiều năm qua.

Dự báo chi tiết:

Trên biển: vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2,0-4,0m, biển động. Khu vực phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa và mưa nhỏ. Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.

Trước đó, trong bản tin nhận định xu thế khí hậu thời hạn tháng thời kỳ từ 21/2-20/3/2024, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, khu vực Bắc và Trung Bộ có khả năng xuất hiện các đợt mưa, mưa rào và giông; riêng khu vực Đông Bắc Bộ tiếp tục có nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn.

Ngoài ra, Đài khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ cũng dự báo, thời tiết Hà Nội nhiều mây, mưa nhỏ rải rác, gió Đông Bắc cấp 2-3; trời rét, có nơi rét đậm, nhiệt độ thấp nhất 14-16 độ. Trưa và chiều giảm mưa, nhiệt độ tăng nhẹ, mức cao nhất 16-18 độ.

Hiện nay (24/02), không khí lạnh có cường độ ổn định. Ở vùng biển phía Đông Bắc của Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6.

Đêm 25 và ngày 26/02, vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2,0-4,0m, biển động; vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau và vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao 2,0-3,0m, biển động.

Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.

Dự báo xu hướng thời tiết 10 ngày tới

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 25/2, thời tiết khu vực miền Bắc mưa lạnh. Cụ thể, phía Tây Bắc Bộ có mưa, mưa nhỏ rải rác; Riêng Điện Biên, Lai Châu, phía Tây Sơn La có mưa vài nơi, trưa chiều trời nắng. Đêm và sáng trở lạnh.

Phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa và mưa nhỏ, trời rét. Các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế có mưa vài nơi, riêng phía bắc có mưa rải rác. Đêm và sáng trời trở lạnh.

Các khu vực khác đêm không mưa, ngày nắng. Riêng miền Đông Nam Bộ nắng nóng.

Từ đêm 25/2 đến ngày 4/3, thời tiết các vùng vẫn dự báo tình trạng mưa, mưa phùn. Phía Tây Bắc Bộ, trời mưa, mưa nhỏ rải rác.

Phía Đông Bắc đêm và sáng có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù rải rác, đêm và sáng trời rét. Bắc Trung Bộ có mưa, mưa rào rải rác.

Các khu vực còn lại đêm không mưa, ngày nắng. Đông Nam Bộ tiếp tục nắng nóng.

Ông Trần Quí Thanh giữ vai trò chủ mưu vụ chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng

Ngày 24/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ sang Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố ông Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát) và 2 con gái ông này là Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Kết luận điều tra cáo buộc ông Thanh lợi dụng các hợp đồng cho vay, cầm cố tài sản để buộc các cá nhân vay tiền phải làm Hợp đồng chuyển nhượng dự án, bất động sản cho hai con gái của ông Thanh theo đúng quy định của pháp luật nhưng với giá trị thấp hơn nhiều so với thực tế.

Trần Quí Thanh.

Lợi dụng "con nợ" có sai sót, nhóm ông Thanh làm thủ tục chuyển nhượng để nắm quyền kiểm soát, định đoạt tài sản.

Đến khi chủ tài sản thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ gốc, nợ lãi theo thỏa thuận, nhóm ông Thanh tiếp tục dùng thủ đoạn "gian dối" hoặc tạo ra các lý do để "con nợ" không thể thực hiện được để cố tình không trả, chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan điều tra xác định, ông Thanh cùng hai con gái và đồng phạm chiếm đoạt tài sản là nhà đất, dự án của 4 cá nhân với tổng giá trị là 1.048 tỷ đồng.

Trong đó, cha con ông Thanh chiếm đoạt dự án Minh Thành có giá trị gần 428 tỷ đồng và dự án Nhơn Thành giá trị gần 454 tỷ đồng đều là của bà Đặng Thị Kim Oanh

Ngoài ra, nhóm ông Thanh còn chiếm đoạt các thửa đất của ông Nguyễn Văn Chung có giá trị gần 50 tỷ đồng; chiếm đoạt của ông Lâm Sơn Hoàng 4 thửa đất có giá trị hơn 80 tỷ đồng và chiếm đoạt 2 thửa đất của ông Nguyễn Huy Đông giá trị gần 39 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra cáo buộc, trong vụ án, ông Trần Quí Thanh giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, song tại cơ quan điều tra ông này chưa thành khẩn khai báo.

Cơ quan tố tụng đánh giá các bị can phạm tội với thủ đoạn "tinh vi, xảo quyệt" để chiếm đoạt tài sản có giá trị đặc biệt lớn, gây bức xúc trong dư luận. Do đó, cần xử lý ông Thanh và nhóm đồng phạm nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa.

Chung cư mini ở quận Thanh Xuân nứt cột bê tông, gần 60 hộ dân di dời khẩn cấp

Sáng 24-2, cơ quan chức năng Hà Nội đã yêu cầu khoảng 60 hộ dân sống trong chung cư mini ở 22B ngõ 236 Khương Đình (phường Hạ Đình, Thanh Xuân) phải di dời ra khỏi tòa nhà để đảm bảo an toàn.

Nguyên nhân là do một số cột bê tông, cốt thép ở tầng 1 của tòa chung cư này bị nứt toác từ nhiều ngày nay.

Người dân sống trong nhà chung cư mini có cột bê tông nứt toác phải di dời khẩn cấp. Ảnh: TP

Cụ thể, tại khu vực tầng 1 của toà nhà – nơi để xe cộ, có hai cột bê tông, cốt thép bị nứt thành những khe lớn ngang, dọc lan khắp từ chân cột lên đến trần nhà.

Trước hiện tượng trên, lực lượng chức năng đã phải gia cố thêm hệ thống giàn giáo bằng sắt chống đỡ xung quanh chân các cột nhà bị xuống cấp. Khu vực gia cố các cột bê tông bị nứt toác cũng được căng dây cảnh báo khu vực nguy hiểm, cấm vào để đảm bảo an toàn cho các hộ dân.

Một số người dân sống trong chung cư mini này cho biết từ ngày 30 tháng Chạp, cư dân phát hiện các cột ở tầng 1 của tòa nhà bỗng nhiên nứt toác. Dù vậy nhưng nhiều hộ dân vẫn ở lại chưa di dời vì chưa biết ở đâu, chấp nhận chung sống với nỗi lo tòa nhà không đảm bảo an toàn.

Lực lượng chức năng phải gia cố cột bê tông bị nứt toác, chăng dây cảnh báo khu vực nguy hiểm. Ảnh: TP

“Đến sáng nay (24-2), chúng tôi được cơ quan chức năng đề nghị di dời trong ngày. Các hộ dân phải chủ động lo chỗ ở. Có người thuê, có người phải đi ở nhờ. Chúng tôi hi vọng sự cố sớm được khắc phục xong để sớm được về nhà” – đại diện một hộ dân cho biết.

Phần lớn các hộ dân chuyển về chung cư mini này từ năm 2017, họ mua các căn phòng với diện tích khoảng 30 m2 trong nhà chung cư mini để sinh sống.

Hai cột bê tông ở tầng 1 bị nứt toác phải gia cố bằng cột sắt (Ảnh: TP)

Mặc dù mới đưa vào sử dụng khoảng sáu năm nhưng toà nhà đã có nhiều biểu hiện xuống cấp, chất lượng xây dựng không tốt, nhất là khu vực tầng 1 nơi để xe các cột bê tông đã bị nứt ngang dọc.

Được biết, chung cư mini ở 22B ngõ 236 Khương Đình (phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) có 8 tầng với khoảng 60 căn hộ, được chủ đầu tư bán cho các hộ dân và đưa vào sử dụng từ năm 2017.

Đề nghị truy tố cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết lừa đảo hơn 3.600 tỉ đồng

Ngày 24-2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự Thao túng thị trường chứng khoán, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS, Công ty CP Xây dựng Faros, các công ty liên quan thuộc hệ sinh thái của Công ty CP Tập đoàn FLC, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, Vụ Giám sát công ty đại chúng (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Ông Trịnh Văn Quyết khi chưa bị khởi tố

Vụ án này, Cơ quan điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố 51 bị can ở 4 nhóm tội danh. Trong đó, 13 bị can bị đề nghị truy tố tội thao túng thị trường chứng khoán; 23 bị can bị đề nghị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 4 bị can bị đề nghị truy tố tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; 3 bị can bị đề nghị truy tố tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; 8 bị can bị đề nghị truy tố 2 tội thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có ông Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch Tập đoàn FLC.

Trước đó, hồi tháng 10-2023, Cơ quan điều tra Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 21 bị can trong vụ án này. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhằm "bảo đảm việc truy tố".

Kết quả điều tra bổ sung xác định, Đối với hành vi Thao túng thị trường chứng khoán, từ ngày 26-5-2017 đến ngày 10-1-2022, ông Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế (em gái Quyết) cùng đồng phạm mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng lập hồ sơ, thủ tục để Huế thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng. Sau đó, Huế quản lý, sử dụng các tài khoản để thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Khi giá cổ phiếu tăng, theo chỉ đạo của Quyết, Trịnh Thị Minh Huế bán cổ phiếu ra thị trường thu lợi bất chính hơn 723 tỉ đồng.

Đối với hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, từ năm 2014 đến tháng 9-2016, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo các cá nhân là lãnh đạo, nhân viên Công ty Faros, các công ty thuộc Tập đoàn FLC; người thân, họ hàng đứng tên làm cổ đông góp vốn, thực hiện các thủ đoạn lập và ký khống hồ sơ góp vốn. Điều này giúp nâng khống hơn 3.102 tỉ đồng vốn góp vào Công ty Faros, làm tăng vốn điều lệ của công ty từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng.

Sau đó, các bị can tạo lập hồ sơ, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán chấp thuận đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống của Công ty Faros tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM.

Sau khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, từ tháng 9-2016 đến tháng 3-2022 (thời điểm bị khởi tố, tạm giam), ông Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã bán hơn 391 triệu cổ phiếu nắm giữ tại Công ty Faros, thu được hơn 4.800 tỉ đồng, trong đó chiếm đoạt hơn 3.620 tỉ đồng của các nhà đầu tư.

Đối với hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, kết quả điều tra cáo buộc, ngoài các cá nhân có hành vi giúp sức cho cựu chủ tịch FLC, Bộ Công an còn làm rõ sai phạm của các cá nhân thuộc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận đăng ký công ty đại chúng, lưu ký chứng khoán và niêm yết cổ phiếu.

K.T

Bình luận(0)