Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh 6, giật cấp 8; vùng biển Trung Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8-9; khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9. Trên đất liền có gió Đông Bắc mạnh cấp 2-3; vùng ven biển cấp 4, giật cấp 6.
Ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An trời tiếp tục rét đậm, vùng núi rét hại; ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trời rét. Nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng sớm ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An phổ biến từ 7-10 độ, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 4-6 độ, vùng núi cao có nơi dưới 2 độ; ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế phổ biến từ 13-16 độ.
Trên biển, ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2,0-4,0m, biển động; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9, sóng biển cao 5,0-7,0m, biển động rất mạnh.
Vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 4,0-6,0m, biển động mạnh.
Đợt rét đậm, rét hại diện rộng này ở Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa-Nghệ An còn có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 25/12; Trong đợt rét đậm, rét hại này ở khu vực trung du và vùng núi phía Bắc có khả năng xảy ra băng giá và sương muối.
Theo dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai, thời tiết Hà Nội: Ít mây, đêm không mưa, sáng sớm có nơi có sương mù, ngày nắng. Gió Đông Bắc cấp 2-3. Trời rét đậm. Nhiệt độ thấp nhất từ: 8-10 độ. Nhiệt độ cao nhất từ: 16-18 độ.
Ở khu vực từ Quảng Trị đến Ninh Thuận có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to đến rất to. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác. Nhiệt độ giảm thấp có khả năng ảnh hưởng tới cây trồng, vật nuôi.
Về diễn biến mưa ở Trung Bộ, Đêm qua và ngày hôm nay (22/12), ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19h/21/12 đến 15h/22/12 có nơi trên 100mm như: Sông Hương (Thừa Thiên Huế) 126mm, Chùa Linh Ứng (Đà Nẵng) 156.2mm, Tam Trà (Quảng Nam) 124.4mm, Vạn Phước (Khánh Hòa) 135.8mm,…
Dự báo: từ chiều tối ngày 22/12 đến ngày 23/12, ở khu vực từ Quảng Trị đến Ninh Thuận tiếp tục có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 60mm. Đêm 23 ngày 24/12, ở khu vực từ Quảng Trị đến Ninh Thuận tiếp tục có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.
Thông tin bất ngờ về nghi phạm sát hại người phụ nữ bán gas, phi tang thi thể xuống bể nước ở Hải Phòng
Chiều 22/12, nguồn tin của PV cho biết, Công an TP.Hải Phòng đã tạm giữ nghi phạm sát hại chị N.T.T. (SN 1988, quê làng Pháp Cổ, xã Lại Xuân, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng). Chị T. mất tích 13 năm trước khi đi giao gas. Hài cốt của chị T. được một người dân xã Lại Xuân phát hiện trong bể nước thải.
Nghi phạm là Bùi Trọng Thành (SN 1993, ở thôn 5, xã Lại Xuân, cách nhà chị T. khoảng 300m). Thành sát hại nạn nhân khi nghi phạm mới 17 tuổi. Hiện, lực lượng chức năng cũng đã tổ chức thực nghiệm hiện trường. Rất đông người dân xung quanh khu vực tập trung tại hiện trường theo dõi vụ việc.
Hiện trường nơi phát hiện thi thể chị T.
Trước đó, vào ngày 6/12, ông Nguyễn Văn Q (trú tại thôn 5, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên) vô tình phát hiện 1 bộ hài cốt trong bể nước thải của gia đình. Bể nước này bỏ hoang đã lâu, cách biệt nơi sinh hoạt của gia đình ông Q.
Nhận được tin báo, Công an TP. Hải Phòng phối hợp với Công an huyện Thủy Nguyên cùng các lực lượng chức năng khẩn trương có mặt tại hiện trường, tiến hành điều tra, làm rõ.
Sau khi lấy mẫu xét nghiệm ADN bộ hài cốt, cơ quan công an đã xác định được danh tính nạn nhân là Nguyễn T. T. (SN 1988, trú tại thôn 5, làng Pháp Cổ, xã Lại Xuân). Quá trình khám nghiệm hài cốt cho thấy trên hộp sọ có vết nứt vỡ do ngoại lực tác động.
Trước đó, cách đây gần 13 năm, vào trưa 3/12/2010, chị Nguyễn T. T. nhận được cuộc điện thoại yêu cầu giao gas. Sau đó, chị Th liền đi xe máy chở gas đến địa điểm giao hàng và từ đó không trở về.
Sau đó, người dân phát hiện xe máy của chị Th để ở cống thoát nước cách nhà khoảng 1km. Sau đó, trong nhiều năm, gia đình đã đi tìm kiếm chị T. khắp nơi nhưng vô vọng cho đến khi được gia đình ông Q tìm thấy.
Hiện vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ.
Tại sao nhiệt độ giảm sâu xuống -2,2 độ, đỉnh Mẫu Sơn vẫn không xuất hiện băng giá?
Như đã đưa tin, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, lúc 6h hôm nay 22/12, Bắc Bộ chìm trong rét đậm, rét hại, có nơi xuống âm độ C.
Cụ thể, thời điểm này, nhiệt độ ở Bắc Bộ phổ biến 10-12,3 độ C, thủ đô Hà Nội 12 độ C. Trong đó, nhiều nơi xuống dưới 10 độ C như: Sa Pa (Lào Cai) 3,8 độ C; Cao Bằng 6,5 độ C; Bãi Cháy (Quảng Ninh) 8,9 độ C; Phù Liễn (Hải Phòng) 9,5 độ C. Đặc biệt, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) nhiệt độ giảm sâu, xuống -2,2 độ C.
Cập nhật tình hình ở nhiều địa phương, do thời tiết giảm sâu đã xuất hiện sương muối, băng giá như: Tại huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) đã xuất hiện băng giá khi nhiệt độ giảm sâu xuống dưới 2 độ C. Đặc biệt, với độ cao 2.000 m so với mực nước biển, tại đỉnh La Pán Tẩn băng giá xuất hiện dày đặc.
Hiện tượng băng giá dày đặc ở Mù Cang Chải. Ảnh: Báo Yên Bái.
Hay trên đường lên đỉnh Fansipan (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) xuất hiện băng giá ở điểm cao 2.300m so với mực nước biển.
Băng giá hay sương muối đều tạo nên cảnh tượng thiên nhiên kỳ thú.
Tuy nhiên, tại đỉnh núi Mẫu Sơn (tỉnh Lạng Sơn) cũng ghi nhận tình trạng nền nhiệt xuống thấp trong sáng nay nhưng vẫn không xuất hiện băng giá khiến nhiều người thắc mắc và bày tỏ sự tiếc nuối.
Lý giải cho hiện tượng này, ông Lưu Minh Hải, nguyên Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Lào Cai thông tin trên VTC News, đêm qua, không khí lạnh khô ảnh hưởng gây bầu trời quang mây khiến mức xạ nhiệt mặt đất lớn, làm nhiệt độ giảm sâu.
Mẫu Sơn nhiệt độ xuống tới -2,5 độ C nhưng không xuất hiện sương muối bởi tại đây có gió to.
Cụ thể, lúc 1h ngày 22/12, trạm khí tượng Mẫu Sơn đo được gió hướng đông bắc, tốc độ 16m/s. Lúc 7h cùng ngày, gió hướng đông đông bắc, tốc độ 17m/s (tương đương với gió trong áp thấp nhiệt đới, cấp 6-7).
"Gió thổi mạnh khiến hơi nước không thể ngưng tụ được để tạo thành sương muối. Để có sương muối điều kiện cần là nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, điều kiện đủ là bầu trời từ ít đến quang mây, trời gió nhẹ hoặc lặng gió thì sương muối mới hình thành được.
Trong khi đó, đêm qua Mẫu Sơn trời quang mây, nhiệt độ thấp, nhưng gió mạnh. Điều kiện cần có nhưng điều kiện đủ không có", ông Hải nói.
Theo dự báo từ cơ quan khí tượng, ngày và đêm 22/12, nhiệt độ thấp nhất ở vùng núi Bắc Bộ 4-7 độ C, trung du, vùng đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An 8-11 độ C, Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế 13-16 độ C.
Nhiệt độ thấp nhất trong ngày và đêm 23/12 ở vùng núi Bắc Bộ nhích nhẹ, phổ biến 5-8 độ C, trung du, vùng đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An 9-12 độ C, từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế 14-17 độ C.
Đợt rét đậm, rét hại diện rộng này ở Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An khả năng kéo dài đến khoảng ngày 25/12. Trung du và vùng núi phía Bắc có thể xảy ra băng giá và sương muối.
Ảnh hưởng của không khí lạnh, đêm qua và sáng sớm nay, Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có mưa, mưa vừa, cục bộ mưa to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 21/12 đến 3h ngày 22/12 có nơi trên 30mm như: Thạch Sơn (Hà Tĩnh) 34.6mm, Lộc Vĩnh (Thừa Thiên Huế) 44mm, Thọ Quang (Đà Nẵng) 56.5mm, Tam Trà (Quảng Nam) 42.6mm, Phổ Phong (Quảng Ngãi) 32.6mm, Vạn Phước (Khánh Hòa) 51mm…
Ngày và đêm 22/12, Hà Tĩnh đến Khánh Hòa tiếp tục có mưa, mưa vừa, cục bộ mưa to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 50mm.
Từ ngày 23/12 đến 24/12, Đà Nẵng đến Bình Thuận khả năng xảy ra đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.
Mưa lớn cục bộ có thể gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng cảnh báo nhiệt độ giảm thấp có khả năng ảnh hưởng tới cây trồng, vật nuôi.
Kết quả xác minh vụ “11 học sinh ăn 2 gói mì tôm chan cơm”
Bữa ăn của học sinh tại trường.
Ngày 22/12, UBND huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã có báo cáo kết quả bước đầu kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh vụ “11 học sinh ăn 2 gói mì tôm chan cơm” tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Hoàng Thu Phố 1.
Theo đó, kết quả xác minh bước đầu cho thấy thông tin bữa ăn bán trú của học sinh bị cắt xén là chính xác.
Cụ thể, nhà trường không có danh sách chi trả tiền ăn thừa cho học sinh. Nhiều hồ sơ nhập, xuất, công khai hiệu trưởng nhà trường chưa ký nhận. Nhiều bảng kê giao nhận, xuất hàng hóa ngày người nhận thực phẩm, hiệu trưởng chưa ký.
Phiếu chi tiền mặt không có số, không có chữ ký của thủ trưởng đơn vị, người nhận tiền. Bảng nhập mua thực phẩm hằng ngày không khớp đúng với bảng tổng hợp nhập thực phẩm của tháng...
Quy trình mua và giao nhận thực phẩm không thực hiện đúng trình tự quy định. Số lượng thực phẩm giao thực tế và số tiền thanh toán thực tế có chênh lệch.
Thông tin về việc người dân không nhận được tiền ăn thừa của học sinh, qua xác minh chứng từ kế toán, số tiền này còn tồn quỹ chưa chi trả.
Qua làm việc, ông Trần Ngọc Hà (hiệu trưởng nhà trường) và Ban Giám hiệu nhà trường xác nhận là đã thỏa thuận với phụ huynh học sinh tại cuộc họp đầu năm của Hội đồng nhà trường và được các phụ huynh nhất trí “nhờ nhà trường dùng số tiền này để mua đồ dùng sinh hoạt cá nhân cho học sinh bán trú".
Thông tin người dân không được nhận tiền ăn bán trú còn thừa cũng được đoàn kiểm tra khẳng định có cơ sở. Hiện nay, nhà trường mới chỉ mua mới sách giáo khoa lớp 4 cho học sinh, các lớp 1,2,3,5 dùng sách cũ và mua bổ sung một số sách thiếu. Như vậy, thông tin phụ huynh không nhận được tiền hỗ trợ học tập 150.000đ/1 tháng là có cơ sở.
Thông tin, hình ảnh về nhà trường sử dụng rau bắp cải đã hỏng, qua xác minh, những người có liên quan đều thừa nhận hình ảnh rau bắp cải bị hỏng được chụp và quay tại bếp ăn của trường, không ai nhớ vào thời gian nào, chỉ nhớ là thời điểm năm trước.
Nguyên nhân số bắp cải này đã mua trùng thời điểm học sinh nghỉ dài ngày nên bị hỏng. Tuy nhiên, nhà trường không đưa rau bị hỏng vào sử dụng làm thức ăn cho học sinh (nội dung này đoàn kiểm tra chưa thể xác minh cụ thể, chi tiết).
Thông tin, hình ảnh học sinh bán trú sử dụng lá su su để đi vệ sinh, các dữ liệu thông tin giáo viên và học sinh cung cấp chưa đầy đủ cụ thể nên chưa có báo cáo chi tiết xác minh.
Do một số nội dung cần xác minh liên quan nhiều người, ở các thời điểm khác nhau, có tính chất phức tạp, nên UBND huyện Bắc Hà chuyển một số nội dung theo phản ánh của cơ quan báo chí sang cơ quan Công an huyện Bắc Hà để tiếp tục điều tra, xác minh.
Cũng theo báo cáo của UBND huyện Bắc Hà, ngày 21/12, UBND huyện đã nhận được đơn xin từ chức của ông Trần Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường PTDTBT tiểu học Hoàng Thu Phố 1 với lý do ông Hà tự nhận trách nhiệm bản thân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, dẫn đến dư luận không tốt trong xã hội.
Trước đó, chương trình Chuyển động 24h phát trên VTV1 lúc 18h35 ngày 16/12 đưa tin: “Bất thường bữa ăn bán trú vùng cao”.
Thông tin phản ánh tình trạng các bữa ăn cho học sinh tại Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (huyện Bắc Hà) cho thấy, hơn 170 học sinh bán trú của trường này phải ăn sáng không đủ định suất theo quy định.
Mỗi mâm 11 học sinh chỉ có 2 gói mì tôm nấu rau chan cơm, trong khi khẩu phần ăn đúng ra mỗi em được 1 gói mì và 1 quả trứng.
Bữa sáng không đủ theo định lượng, bữa trưa và bữa tối cũng chẳng khá hơn là bao, khi mỗi mâm 11 người chỉ có 1 ít giò thái nhỏ cùng 1 nồi canh. Ngay cả rau đưa vào nấu ăn cũng thối rữa, không bảo đảm chất lượng.
Đáng nói, trong phóng sự còn phản ánh các em học sinh tại Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (huyện Bắc Hà) phải dùng lá su su thay cho giấy vệ sinh.
Năm 2024, thêm nhiều trường hợp được cấp thẻ BHYT miễn phí
Theo các quy định hiện hành, năm 2024 có thêm một số nhóm đối tượng được bổ sung vào danh sách được ngân sách nhà nước đóng BHYT.
Đó là người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Những đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí như sau:
Đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí do cơ quan BHXH đóng, gồm 6 nhóm đối tượng:
1. Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
2. Người đang hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của Chính phủ.
3. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.
4. Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng.
5. Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
6. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí do ngân sách nhà nước đóng, gồm 21 nhóm đối tượng:
1. Quân đội nhân nhân, Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu (quy định tại Điều 2 Nghị định 70/2015/NĐ-CP).
2. Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước.
3. Người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước.
4. Người có công với cách mạng (quy định tại Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14).
5. Cựu chiến binh (quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP).
6. Người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc (quy định tại Khoản 5 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP).
7. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đương nhiệm.
8. Trẻ em dưới 6 tuổi.
9. Người thuộc diện hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật và trợ giúp xã hội.
10. Người thuộc hộ gia đình nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025 (Sửa đổi, bổ sung tại Điểm b Khoản 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP)
- Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
- Người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo theo quy định của Chính phủ.
11. Người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ.
12. Thân nhân của liệt sĩ, bao gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi liệt sĩ.
13. Thân nhân của người có công, trừ các đối tượng quy định tại mục 12 ở trên.
14. Thân nhân của quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu.
15. Người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật về hiến ghép mô tạng.
16. Người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách nhà nước.
17. Người phục vụ người có công với cách mạng sống ở gia đình (quy định tại Khoản 16 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP).
18. Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định của pháp luật về BHXH.
19. Vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác đang hưởng trợ cấp hằng tháng (quy định tại điểm a khoản 10 Điều 16 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14).
20. Người phục vụ người có công đang sống ở gia đình.
21. Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp - Mỹ hiện đang cư trú tại các xã an toàn khu cách mạng...
Nhóm đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí do người sử dụng lao động đóng, gồm 3 nhóm đối tượng:
1. Thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội.
2. Thân nhân của công nhân công an đang phục vụ trong Công an nhân dân.
3. Thân nhân của người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.
Đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí do cơ sở đào tạo đóng:
Học viên đào tạo sĩ quan dự bị từ 3 tháng trở lên chưa tham gia BHXH, BHYT.