Tin tức 24h: Bão số 3 Yagi "càn quét" Hà Nội tối nay, gió giật mạnh nhất cấp 10

Google News

Bão số 3 Yagi đã đi vào Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió mạnh nhất ở Bãi Cháy (Quảng Ninh) cấp 14, giật cấp 17. Dự báo, 19h tối nay bão vào đến khu vực Hà Nội, sức gió giật mạnh nhất cấp 10.

Bão số 3 Yagi "càn quét" Hà Nội tối nay, gió giật mạnh nhất cấp 10

Chiều nay (7/9), bão số 3 Yagi đi sâu vào đất liền các tỉnh Đông Bắc Bộ với cường độ mạnh. Đến 16h, vị trí tâm bão số 3 trên đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/h), giật cấp 15, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20km/h.

Dự báo, khoảng 19h tối nay, tâm bão đi qua khu vực thủ đô Hà Nội với gió mạnh khoảng cấp 6-7, giật cấp 9-10. Người dân được khuyến cáo tuyệt đối không ra ngoài trong thời điểm bão đi qua.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, nhiều nơi đã có gió rất mạnh như: đảo Bạch Long Vĩ cấp 13, giật cấp 14; đảo Cô Tô cấp 13, giật cấp 16; Tiên Yên (Quảng Ninh) cấp 9, giật cấp 11; Đầm Hà (Quảng Ninh) cấp 10, giật cấp 13; Cửa Ông (Quảng Ninh) cấp 12, giật cấp 14; Phù Liễn (Hải Phòng) cấp 11, giật cấp 14; Cát Hải (Hải Phòng) cấp 11, giật cấp 14; Đông Xuyên (Hải Phòng) cấp 10, giật cấp 12; Ba Lạt (Thái Bình) cấp 9, giật cấp 12; Văn Lý (Nam Định) cấp 7, giật cấp 8; Hải Dương cấp 10, giật cấp 12; Lục Ngạn (Bắc Giang) cấp 9, giật cấp 11;…

Hướng di chuyển của bão số 3, cập nhật 17h ngày 7/9. Nguồn: NCHMF

Ở khu vực phía Đông Bắc Bộ đã có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính từ 0-16h hôm nay có nơi trên 100mm như: Cát Bà (Hải Phòng) 215mm, Đầm Hà (Quảng Ninh) 189mm, Cẩm Phả (Quảng Ninh) 188mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 171mm, Phủ Dực (Thái Bình) 153mm, Xuân Thủy (Nam Định) 127mm,…

Dự báo, trong 24 giờ tới, bão số 3 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h, đi vào đất liền phía Đông Bắc Bộ. Đến 4h sáng mai (8/9), vị trí tâm bão trên đất liền phía Đông Bắc Bộ với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Những giờ tiếp theo, bão giữ nguyên tốc độ và hướng di chuyển, đi sâu vào đất liền các tỉnh Tây Bắc Bắc Bộ, suy yếu và tan dần. 

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa, từ chiều tối 7/9 đến sáng 8/9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 80-200mm, cục bộ có nơi trên 400mm; chiều và đêm 8/9, có mưa vừa, có nơi mưa to và giông với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 100mm; riêng khu vực vùng núi có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 60-120mm, cục bộ có nơi trên 250mm.

Phía Tây Bắc Bộ, từ chiều tối 7/9 đến sáng 9/9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-350mm, cục bộ có nơi trên 500mm.

Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế cần đề phòng nguy cơ xảy ra giông, tố, lốc và gió giật mạnh.

Phó thủ tướng yêu cầu tỉnh thành ven biển cấm đường đến 20h

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương ven biển bão Yagi đổ bộ duy trì cấm đường, hạn chế tối đa người dân ra khỏi nhà đến 20h hôm nay.

Chủ trì cuộc họp tại Sở Chỉ huy tiền phương chống bão Yagi trưa 7/9, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết việc cấm đường và hạn chế người dân ra khỏi nhà nhằm giảm thiểu thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cho nhân dân do cây đổ, một số công trình xây dựng nhỏ bị tốc mái, sập đổ.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp tại Sở Chỉ huy tiền phương chống bão Yagi, trưa 7/9. Ảnh: Minh Khôi

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cũng kiến nghị địa phương cấm đường trong thời gian bão Yagi đổ bộ và xử lý nghiêm người đưa tin không chính xác về bão. Các lực lượng cần tập trung vật tư, sẵn sàng ứng phó tại các điểm xung yếu trên các tuyến đê biển, đê sông tại Hải Phòng, Nam Định và bố trí người ứng trực tại các hồ chứa nhỏ.

Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết với dự báo thời gian bão đổ bộ kéo dài, mưa lớn, Bộ đã bố trí lực lượng sẵn sàng khắc phục điểm sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt.

Trưa nay, Cục Cảnh sát giao thông cho biết cầu Bạch Đằng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh có gió đạt ngưỡng cấp 10. Để đảm bảo an toàn, cảnh sát tạm cấm phương tiện đến khi sức gió về dưới cấp 10. Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 2 đang phối hợp cấm, điều tiết phương tiện.

Trong Công điện gửi 25 tỉnh thành và 10 bộ ngành đêm qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao lãnh đạo các địa phương căn cứ diễn biến bão và mưa lũ thực tế, khuyến cáo người dân hạn chế ra đường nếu không có việc thực sự cần thiết, đồng thời cho học sinh nghỉ để đảm bảo an toàn.

Công an Hải Phòng hỗ trợ người dân đi qua cầu Khuể, huyện Tiên Lãng, trưa 7/9. Ảnh: Xuân Hoa

Tại cuộc họp, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết Bộ Quốc phòng đã huy động trên 438.000 cán bộ, chiến sĩ, hàng nghìn phương tiện, vật tư hỗ trợ người dân chằng chống nhà của, di dời đến nơi tránh trú an toàn. Quân đội cũng phối hợp với chính quyền địa phương rà soát các tuyến đê, kè, hồ, đập, khu vực xung yếu để ứng phó sự cố có thể xảy ra; chuẩn bị khắc phục hậu quả, phòng chống dịch bệnh sau bão.

Trên cơ sở các phương án hiệp đồng, chỉ huy, các đơn vị sẽ bảo đảm thông tin liên lạc, báo cáo kịp thời những tình huống bất ngờ, ngoài kế hoạch, không để bị bất ngờ.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy quân sự Hải Phòng, gió tại đảo Bạch Long Vĩ bắt đầu giảm. Các tuyến đê tại đây vẫn an toàn. Thành phố Hải Phòng đã di dời 23.500 người khỏi vùng trũng, thấp, chung cư cũ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nghiêm Xuân Cường cho biết sức gió đã giảm tại đảo Cô Tô, nhưng bắt đầu tăng tại khu vực đất liền. Mưa lớn tập trung ở Cô Tô, Móng Cái, Cẩm Phả, Hạ Long. Quảng Ninh đã sơ tán người dân ở các vị trí nguy hiểm, nhà không kiên cố, trên tàu thuyền neo đậu vào nhà văn hóa, trường học, khách sạn.

Lúc 13h, bão đã đổ bộ TP Móng Cái của tỉnh Quảng Ninh, sức gió hiện tại là 12. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Hải Phòng, Nam Định theo dõi chặt chẽ và xử lý kịp thời những tuyến đê biển, đê sông xung yếu, trường hợp cần thiết báo cáo ngay Sở Chỉ huy tiền phương để điều động lực lượng tăng cường hỗ trợ.

Các cơ quan khí tượng, thủy văn khu vực, trạm khí tượng thủy văn phải làm tốt công tác cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét đến từng thôn, bản tại khu vực miền núi, có địa hình hiểm trở, độ dốc lớn.

Ba Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương có nhiệm vụ rà soát quy trình vận hành xả lũ các hồ chứa, tránh xảy ra lũ chồng lũ do mưa lớn từ hoàn lưu sau bão.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết hiện bão Yagi đã đổ bộ TP Móng Cái của tỉnh Quảng Ninh, sức gió hiện tại của bão còn 12. Thời điểm bão mạnh nhất từ 12 đến 14h, sau 17h cấp độ sẽ giảm.

Hà Nội khuyến cáo dân không ra đường, dừng toàn bộ tàu điện, xe buýt do bão số 3

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa có khuyến cáo người dân TP không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.

Ông Trần Sỹ Thanh cũng nhấn mạnh trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và bảo vệ tài sản; đặc biệt chú trọng bảo vệ đê, hồ đập, những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao về mất an toàn trên địa bàn...

Theo thông tin từ Hanoi Metro, đơn vị vận hành hai tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Cầu Giấy đã dừng chạy tàu từ 13 giờ ngày 7-9, do ảnh hưởng của bão số 3. Thời gian hoạt động trở lại sẽ được thông báo dựa trên tình hình thực tế sau khi bão tan.

Nhân viên vận hành vẫn chốt trực tại các nhà ga để bảo vệ tài sản và xử lý tình huống.

Theo ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Hanoi Metro, do ảnh hưởng của bão số 3, gió to vượt ngưỡng cho phép và Hà Nội khuyến cáo người dân không nên ra đường, nên đơn vị này quyết định dừng hoạt động hai tuyến tàu nhằm đảm bảo an toàn.

Trước đó, đơn vị này cũng đã đề nghị Ban Phòng chống lụt bão của công ty chuẩn bị phương án đón siêu bão Yagi đổ bộ. Trong điều kiện mưa bão, các đoàn tàu của 2 tuyến metro sẽ chuyển từ chế độ lái tự động sang lái thủ công. Việc dừng tàu do điều kiện thời tiết đã nằm trong kế hoạch chạy tàu của Hanoi Metro.

Theo phương án vận hành, tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ ngừng chạy nếu gió vượt quá cấp 8; trong khi ngưỡng chịu gió của tàu Nhổn - Cầu Giấy là cấp 11.

Trưa cùng ngày, đại diện Trung tâm quản lý và điều hành giao thông TP Hà Nội cho biết, đã cho dừng dần các tuyến xe buýt trên địa bàn Hà Nội. Các chuyến xe đang chở khách sẽ chạy nốt đến điểm cuối trước khi dừng hẳn để tránh bão.

Trên nhiều lộ trình xe buýt đã ghi nhận tình trạng gió to, ngập úng và cây đổ gây nguy hiểm cho người và phương tiện. Việc dừng khai thác các phương tiện giao thông công cộng là biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân thủ đô.

Theo ghi nhận của PV, sáng nay (7-9), Hà Nội có mưa kèm theo gió lớn do đó đường phố thưa thớt người qua lại. Lúc 13 giờ, mưa nhỏ nhưng gió rất mạnh, người đi xe máy gần như không thể di chuyển. Nhiều người đi đường chọn cách tránh trú ở nơi khuất gió, dưới gầm cầu cạn.

Thông tin mới nhất về tình hình bão số 3

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, chiều 7-9, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đã thông tin mới về tình hình cơn bão số 3 và công tác ứng phó.

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua

Theo ông Luận, bão số 3 đạt cường độ cấp 16 trên Biển Đông; tối 6-9, bão đi vào vịnh Bắc Bộ với cường độ rất mạnh cấp 14, giật cấp 17.

Hồi 13 giờ ngày 7-9, vị trí tâm bão trên vùng ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng, cường độ cấp 12-13, giật cấp 16.

Cụ thể, gió thực đo lúc này ở một số điểm như sau: Bãi Cháy (Quảng Ninh) cấp 14, giật cấp 17; Cô Tô (Quảng Ninh) cấp 13, giật cấp 16; Cửa Ông (Quảng Ninh) cấp 12, giật cấp 14; Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) cấp 13, giật cấp 14; Cát Hải (Hải Phòng) cấp 7, giật cấp 10; Ba Lạt (Thái Bình) cấp 8, giật cấp 10.

Tính đến 13 giờ ngày 7-9, một số nơi đã có mưa lớn như: Cô Tô (Quảng Ninh) 127 mm; Cẩm Phả (Quảng Ninh) 123 mm; Cát Bà (Hải Phòng) 198 mm, Tiền Hải (Thái Bình) 208 mm.

Dự báo, chiều và đêm nay, bão số 3 sẽ di chuyển vào đất liền. Đến 1 giờ ngày 8-9, đạt cấp 8, giật cấp 10 trên đất liền khu vực Đông Bắc Bộ.

"Đây là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, đặc biệt Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm rất quan tâm chỉ đạo. Thủ tướng cũng đã liên tiếp ban hành ba công điện chỉ đạo các bộ, ban ngành địa phương triển khai ứng phó với bão" - ông Luận nhấn mạnh.

Cũng theo ông Luận, các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo tại cơ sở, các trọng điểm xung yếu đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu cá/219.913 người; toàn bộ tàu thuyền đã vào nơi tránh trú. Các tỉnh, TP từ Quảng Ninh - Nghệ An và Quảng Bình đã cấm biển.

Đã sơ tán 52.979 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thuỷ sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn.

Ngoài ra, đã bơm tiêu rút nước trên các hệ thống kênh, mương và mặt ruộng; hệ thống các trạm bơm tiêu và các công trình thủy lợi đã sẵn sàng vận hành tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra.

Về thiệt hại do bão số 3 gây ra, đến thời điểm hiện tại, ghi nhận một người tại Hải Dương bị thiệt mạng do cây đổ khi đang lưu thông trên đường. Năm tàu xi măng, một tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu (Quảng Ninh), hơn 100 cây xanh bị đổ ở Quảng Ninh và Hải Phòng.

"Trao đổi qua điện thoại, hiện nay ở Quảng Ninh thiệt hại rất nặng nề, chưa thống kê được, đặc biệt là hệ thống cây xanh, cột điện, nhà tôn, mái ngói... bay hết. Đến sáng mai, mới có thể kiểm đếm hết những thiệt hại này" - ông Luận nói.

Đáng chú ý, ông Luận cho biết sáng mai (8-9) khi bão số 3 di chuyển đi sâu vào đất liền, khu vực Hà Nội sẽ có mưa lớn.

Theo dõi diễn biến bão, chủ động xử lý tình huống

Từ thực tế đó, ông Luận rất mong cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục thông tin rộng rãi đến các địa phương để kịp thời nắm bắt, triển khai. Thực hiện nghiêm túc ba công điện của Thủ tướng, tiếp tục theo dõi diễn biến của bão và mưa lũ để chủ động xử lý các tình huống sát với thực tiễn.

Đối với tuyến biển, đảo, duy trì nghiêm lệnh cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi. "Với cấp bão này thì vùng ảnh hưởng rất lớn, tâm bão ở Quảng Ninh nhưng gió bão ở Hà Nội có thể cảm nhận được rất mạnh. Nếu như không cấm, tiếp tục ra khơi thì nguy cơ chìm đắm cao" - ông Luận đánh giá.

Ông cũng yêu cầu các địa phương kiên quyết không để người dân quay trở lại tàu cá, các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ. Đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn cho khu sơ tán dân, cũng như nơi neo đậu tàu thuyền, lồng bè.

Đối với vùng đồng bằng, ven biển, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra đối với các tuyến đê, nhất là 31 trọng điểm xung yếu trên các tuyến đê biển, đê cửa sông xung yếu hoặc đang thi công từ Quảng Ninh đến Ninh Bình.

Cùng đó là đảm bảo hậu cần, nhu yếu phẩm và các điều kiện lưu trú cho người dân tại nơi sơ tán; cung cấp thức ăn, nước uống để người dân yên tâm không quay trở về nhà yếu khi bão chưa tan.

Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó với sự cố mất an toàn hồ đập đối với các hồ đập xung yếu hoặc đang thi công. Sẵn sàng vận hành tiêu úng, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp; lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục ngay sự cố hệ thống lưới điện, thông tin.

"Đến nay ở Quảng Ninh có hai huyện mất điện trên diện rộng vì sự cố trạm biến áp. Ngoài ra, các hệ thống cột điện bị gãy đổ. Những vấn đề này phải chuẩn bị sẵn sàng để khi bão ngớt sẽ khắc phục kịp thời, cấp điện sớm trở lại phục vụ sinh hoạt của người dân" - ông Luận thông tin.

Ngoài ra, ông Luận lưu ý người dân không nên ra đường khi bão đổ bộ, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. Đặc biệt, người dân Hà Nội từ nay đến 20 giờ không nên ra đường.

Còn đối với miền núi phía Bắc, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông.

Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ chứa xung yếu, đã đầy nước.

Cuối cùng, ông Phạm Đức Luận yêu cầu triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản, nhất là tại tỉnh Quảng Ninh.

Hải Phòng: 1 người chết, 20 người nhập viện do tôn bay, cây đổ trong bão số 3

Chiều 7-9, tại Sở chỉ huy tiền phương phòng, chống bão số 3, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã báo cáo về tình hình chống bão tại Hải Phòng.

Một ngôi nhà ở Hải Phòng bị tốc mái

Báo cáo về thiệt hại, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Cứu nạn cứu hộ - Phòng thủ dân sự thành phố, cho biết đã có 1 trường hợp tử vong do tôn bay vào người, 20 trường hợp phải cấp cứu tại bệnh viện khi bị cây, cành gãy rơi, đổ vào người.

Tình trạng mất điện toàn diện tại TP Hải Phòng, hệ thống liên lạc viễn thông bị ảnh hưởng, nhiều nơi bị tê liệt.

Nhiều bảng biển bị đổ gãy

Cũng theo báo cáo từ Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Cứu nạn cứu hộ - Phòng thủ dân sự thành phố, tại huyện Bạch Long Vỹ, một cơ quan, đơn vị bị tốc mái tôn, đổ tường bao, đổ cổng. Nhiều cây cối tại các tuyến đường và trong các cơ quan, đơn vị bị đổ gãy.

Các hộ dân ở chung cư xuống cấp được di dời đến nơi an toàn

Trước đó, từ sau 12 giờ ngày 7-9, bão số 3 đổ bộ vào Hải Phòng. Trong khu vực đất liền, gió đang duy trì cường độ cao, tại đảo Cát Hải và đảo Bạch Long Vỹ mức gió giảm. 

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nhận định tâm bão có thể ở thị trấn Cát Hải (huyện Cát Hải). Mức gió đã giảm nhưng rất có thể sẽ mạnh trở lại trong thời gian tới nên lãnh đạo TP Hải Phòng huyến cáo người dân và các đơn vị không được chủ quan khi bão chưa tan.

Tuyến đường dẫn lên cầu Bính được lực lượng chức năng cấm người dân lưu thông đi lại

Nhiều cây xanh ở Hải Phòng bị đổ gãy

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Cứu nạn cứu hộ - Phòng thủ dân sự thành phố yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà trước 20 giờ ngày 7-9, trừ các lực lượng phòng chống thiên tai, lực lượng khác thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Trưởng ban chỉ huy cùng cấp.

BẢO BẢO

Bình luận(0)