Cá chép là loài được nuôi phổ biến ở Việt Nam do đặc tính dễ thích nghi với đa dạng môi trường, cá chép lai đặc biệt được nuôi tại nhiều vùng chuyên canh thủy sản. Đây là một loài cá nước ngọt phổ biến, có nguồn gốc ở châu Âu và châu Á, được du nhập vào các môi trường khác nhau trên thế giới.
Cá chép lai có thân hình to lớn, độ dài tối đa khoảng 1,2 mét và nặng đến gần 40kg. Cá chép lai rất đa dạng và phong phú về giống loại như cá chép trắng, cá chép hồng, chép đỏ, chép lưng gù,…
Những con cá chép lai đạt trọng lượng lớn
Đây được xem là loài cá nuôi trong ao quen thuộc và lâu đời nhất của nước ta. Loài cá này còn được nuôi để diệt ấu trùng muỗi, đồng thời dùng làm cá cảnh trong công nghệ di truyền màu sắc. Do đó, chúng đã trở thành đối tượng được tập trung nghiên cứu rất nhiều nhằm tạo ra các giống lai có thể mang lại năng suất và giá trị kinh tế cao cho người nông dân.
Cá chép thương phẩm còn nổi tiếng với vị thịt dai, giòn, ngọt và giàu dinh dưỡng, là nguồn nguyên liệu được ưa chuộng trong nhiều món ăn Việt Nam. Nhờ nhu cầu tiêu thụ cá chép luôn cao và ổn định đã biến nó thành lựa chọn hàng đầu trong ngành thủy sản ở nhiều địa phương.
Anh Nguyễn Văn Hợp (Bảo Thắng, Lào Cai) từng là người có công việc ổn định ở thành phố, nhưng cảm thấy đồng lương đi làm thuê ít ỏi, anh đã quyết tâm khởi nghiệp với mô hình nuôi cá chép lai.
Anh Hợp thành công với mô hình nuôi cá chép lai
Anh Hợp từng có khoảng thời gian làm công nhân xây bể cá, đường ống dẫn nước cho một chủ nuôi cá lâu năm ở địa phương nên cũng học hỏi được chút ít kinh nghiệm. Sau khi được một vài người truyền dạy thêm bí quyết về cách ương cá giống, nuôi cá thương phẩm, anh Hợp đã vay vốn đầu tư nuôi cá.
Thời điểm mới bắt tay khởi nghiệp, do thiếu vốn nên anh chỉ xây 3 bể, mỗi bể khoảng 20m2 để nuôi 300 đôi cá bố, mẹ và ương cá bột giống. Đến nay, sau gần 10 năm ương cá bột giống cung cấp cho người dân nuôi, anh Hợp chuyển sang chuyên ương giống cá chép lai và nuôi cá chép lai thương phẩm.
Hiện nay, ao ương giống cá chép lai của gia đình anh Hợp có diện tích gần 2ha, trung bình mỗi năm cung cấp ra thị trường gần 100 nghìn con cá chép giống. Chỉ từ bán cá giống, trung bình mỗi năm gia đình anh thu về từ 200 – 500 triệu đồng, tuỳ thuộc từng thời điểm và nhu cầu thị trường.
Bên cạnh nuôi ương cá chép lai giống để bán cho người dân, cung cấp ra thị trường, anh Hợp còn nuôi cá chép lai, cá trắm, cá rô phi thương phẩm theo hình thức thâm canh gối vụ mỗi năm thu về 4 tỷ đồng.
Trong khi đó, anh Lê Văn Dũng (Hồng Ngự, Đồng Tháp) chính là người tiên phong làm mô hình nuôi cá chép đặc sản tại địa phương. Trong hơn 20 năm gắn bó với nghề nông, anh Dũng đã từng nuôi rất nhiều loại cá và thường xuyên chuyển đổi mô hình phù hợp với nhu cầu thị trường.
Các lứa cá nhà anh Dũng đều cho năng suất cao
Từ cá tra, cá diêu hồng, cá bống tượng, cá lăng nha, thác lác cườm,... rồi đến cá chép, anh Dũng liên tục thả nuôi nhiều loại thủy sản khác nhau để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Việc thay đổi nuôi các loại cá đặc sản đã giúp anh nông dân nhanh chóng thành công.
Năm 2012 trong một lần đi học hỏi kinh nghiệm tại tỉnh Hải Dương, anh Dũng về nuôi thử cá chép. Ban đầu anh đã thả nuôi thử nghiệm 5.000 con giống, có thời gian sinh trưởng khoảng 8 tháng. Sau 5 tháng nuôi, cá đã đạt trọng lượng khoảng 1kg/con sẽ bắt đầu cho ăn đậu tằm cho đến khi thu hoạch.
So với cá tra, diêu hồng, cá rô phi thương phẩm thì nuôi cá chép phục vụ thị trường nội địa có hiệu quả rất cao. Cá chép lai được thương lái xuống tận vùng nuôi của nông dân thu mua với giá từ 180.000 – 200.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí về giống, thức ăn, khâu chăm sóc và một số chi phí khác thì mỗi năm anh Dũng có thể thu lợi nhuận từ 2,5 - 3 tỷ đồng.
Từ cá chép thông thường, anh Lương Thanh Tiệp (Võ Nhai, Thái Nguyên) đã chuyển sang mô hình nuôi cá chép lai thương phẩm và bán ra thị trường với giá cao gấp 3 lần.
Các lứa cá chép giống của anh Tiệp đều phát triển tốt
Năm 2019, anh Tiệp quyết định chọn hướng chăn nuôi thủy sản với mô hình nuôi cá chép lai trong lồng bè. Với kiến thức tự học hỏi được và sự hỗ trợ của địa phương, đàn cá của anh Tiệp sinh trưởng và phát triển tốt. Sau 6 tháng, cá chép đạt trọng lượng khoảng 2kg/con. Lúc này, mặc dù đã có thể khai thác nhưng anh Tiệp quyết định nuôi thêm 6 tháng nữa để cá đạt trọng lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đến cuối năm 2020, lứa cá thương phẩm đầu tiên đã đem lại hiệu quả cao với lợi nhuận khá lớn cho anh Tiệp. Gần 1.000 con cá chép thương phẩm xuất bán, đạt tổng trọng lượng lên tới xấp xỉ 4 tấn. Với lứa cá này, anh Tiệp thu về trên 500 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, anh lãi gần 200 triệu đồng.
Nối tiếp thành công đó, anh Tiệp quyết tâm tái đầu tư nuôi cá chép và tiếp tục được địa phương hỗ trợ 1.000 con giống. Hiện nay, số cá này sinh trưởng khá tốt và dự kiến cho sản lượng, lợi nhuận tăng khoảng 5% hàng năm.
Dự kiến trong tương lai, anh Tiệp sẽ tiếp tục đầu tư nuôi cá chép và chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ bà con nông dân tại địa phương để cùng phát triển mô hình kinh tế hiệu quả này.