Thực đơn Tết của mẹ 2 con vừa đẹp mắt lại tốt cho sức khỏe, bác sĩ dinh dưỡng khen "quá thông minh"

Google News

Gà luộc sau khi dâng hương, chị Hương thường đem xé nhỏ làm món nộm rau răm, hành tây... còn giò có thể kết hợp cùng các loại rau củ để trộn salad hay làm món cuốn.

Tết cả nhà cùng vào bếp để gắn kết yêu thương

Chị Vũ Thị Mai Hương (quê Ninh Bình), đang sinh sống tại Hà Đông (Hà Nội) được nhiều người yêu thích trên các nhóm yêu bếp, hội nấu ăn vì thường xuyên chia sẻ cách chế biến bữa cơm gia đình đẹp mắt và đủ đầy, cân bằng dinh dưỡng. Chị Hương cho biết, nấu ăn không chỉ là sở thích của riêng chị, mà còn là niềm đam mê của tất cả các thành viên trong gia đình.

Các bữa ăn, nhất là bữa tối và dịp cuối tuần, gia đình tôi luôn lên kế hoạch ăn gì để cả nhà cùng vào bếp. Riêng những dịp nghỉ lễ, nghỉ Tết dài ngày thì việc này lại càng được thực hiện thường xuyên hơn vì đây là lúc mọi người có nhiều thời gian bên nhau nhất”, chị Hương tâm sự.

Chị Hương chia sẻ rằng, các thành viên trong gia đình chị rất thích vào bếp và đây cũng là cách chị dạy con tự lập. 

Theo chị Hương, bữa cơm gia đình rất quan trọng, không những đảm bảo an toàn thực phẩm, có lợi cho sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí mà còn gắn kết được tình cảm gia đình. Đó là khoảng thời gian để cả nhà trò chuyện, chia sẻ niềm vui, sự lo lắng cho nhau để thấu hiểu, thông cảm, giúp giảm tải những áp lực trong cuộc sống, học tập.

Riêng với chuyện bếp núc, chị Hương luôn muốn các con biết nấu nướng, sớm tự lập để sau này khi xa vòng tay bố mẹ có thể tự chăm sóc cho bản thân. Vì thế, không chỉ năm nay mà Tết nhiều năm trước, hai con của chị Hương còn nhỏ đã cùng bố mẹ vào bếp. Việc trực tiếp chế biến các món ăn sẽ giúp tăng kích thích vị giác để các con ăn ngon miệng hơn. Đây cũng là cách để anh chị giáo dục các con về món ăn, mâm cỗ cổ truyền ngày Tết, cũng như cách để nấu một mâm cơm cân bằng dinh dưỡng.

Tết ăn sao cho đỡ ngán nhưng vẫn giữ được hương vị truyền thống và đủ dinh dưỡng

Tâm lý chung của nhiều gia đình khi Tết đến là dễ ngán vì những món lặp đi, lặp lặp lại. Để giải quyết bài toán này, gia đình chị Hương đã cùng nhau lên ý tưởng về những món ăn chống ngấy ngày Tết, nhưng vẫn giữ được giá trị truyền thống. “Với gia đình tôi, món ăn ngon là cả gia đình cùng ăn được và đều yêu thích, vì thế khi lên thực đơn cả nhà phải cùng đóng góp ý kiến”, chị nói. Với những mâm cỗ cúng, chị Hương tư vấn, sau khi dâng hương tổ tiên mọi người có thể chế biến lại để dễ ăn hơn, tránh thừa gây lãng phí nhưng vẫn cân bằng dinh dưỡng.

Mâm cơm ngày lễ, Tết của gia đình chị Hương không thiếu những món cổ truyền, nhưng màu của rau, củ quả luôn cân đối với các món giàu đạm. 

Với món gà luộc, gia đình tôi có thể xé nhỏ ra làm món nộm rau răm, hành tây... Giò có thể làm món salat trộn rau củ và hành cuốn (thay thịt ba chỉ bằng giò). Chính việc biến tấu món ăn như vậy nên mỗi dịp Tết xong gia đình không bị thừa nhiều thực phẩm, mà rất dễ ăn, không bị cảm giác ngấy”, chị Hương tư vấn.

Ngoài biến tấu các món ăn cổ truyền, Tết năm nay gia đình chị Hương sẽ chuẩn bị để làm thêm món bê tái chanh với nguyên liệu chính là thịt bê, xoài xanh, rau thơm và các loại gia vị khác. Đây là món ăn ít chất mỡ, dễ ăn, gói kèm rau nên không bị ngán.

Chị Hương khuyên mọi người nên ăn nhiều các món rau trong ngày Tết, để ngon miệng có thể trang trí bắt mắt, giúp kích thích vị giác, thèm rau hơn. 

Ngoài ra, để cân bằng thực phẩm trong bữa ăn ngày Tết, bổ sung nguồn chất xơ và vitamin, chị Hương còn lên kế hoạch làm các món như:

- Hành cuốn: Với nguyên liệu từ rau xà lách, rau mùi, rau dăm, hành củ tươi, trứng rán, tôm rang, giò/thịt ba chỉ.

- Salad: Bao gồm các nguyên liệu từ rau, củ, nước sốt, gia vị và có thể cho thêm tôm…

Các món trên đã có khá nhiều rau, nhưng một bữa ăn dù ngày Tết hay ngày thường, gia đình chị Hương không thể thiếu món rau luộc từ các loại rau lá, hoặc củ quả để giúp cả nhà đỡ ngán và cung cấp vitamin, khoáng chất cho cơ thể.

Cuối cùng, trong ngày Tết, thay vì dùng nhiều bánh kẹo, gia đình chị Hương sử dụng các loại quả chín để tiếp khách hoặc ăn hàng ngày vì đây là nguồn cung cấp nhiều nước, chất xơ tốt cho tiêu hóa sau khi ăn nhiều đạm. "Nhìn chung ngày Tết gia đình tôi cũng không quá cầu kỳ trong các món ăn, mà chỉ ưu tiên đủ và cân đối các chất, đảm bảo an toàn thực phẩm cho mọi người, để sau những bữa cơm ấm cúng, cả gia đình lại cùng đi du Xuân, chúc Tết mà không lo đói hay ám ảnh chuyện tăng cân sau Tết", chị Hương tâm sự. 

Với cách ăn uống khoa học, gia đình chị Hương không lo chuyện bị đói khi đi du Xuân, chúc Tết hay ám ảnh chuyện tăng cân sau mỗi dịp Tết.

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, đúng là vào dịp Tết, rất khó để "xóa sổ" các món cổ truyền giàu đạm trên mâm cơm vì đó là nét văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, cách biến tấu như gia đình chị Hương - kết hợp các đồ sau khi dâng hương với nhiều thực phẩm khác, tạo nên món mới sẽ giúp món ăn ngon hơn, đặc biệt là có sự cân đối hơn về mặt dinh dưỡng.

Ngoài ra, người mẹ này cũng quá thông minh khi đưa các món ăn nhiều rau vào mâm cơm ngày Tết - đây là vấn đề nhiều người hay quên. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý nhỏ là các món ăn được chế biến hấp dẫn, bắt mắt nhưng vẫn cần kiểm soát số lượng ăn vào.

Ví dụ như cùng một con gà luộc, nếu chặt ra thành 2 đĩa có thể sẽ không ăn hết, nhưng xé phay bóp với rau, gia vị sẽ dễ "xử lý" hết cả con gà. Nếu sau đó cả gia đình ăn nhiều món ngon miệng khác có thể khiến tổng năng lượng nạp vào nhiều và vẫn bị tăng cân.

LÊ PHƯƠNG.

Bình luận(0)