Thu Quỳnh nôn nóng chờ đến 30 tuần để đi sắm đồ sơ sinh, vì sao mẹ bầu phải đợi qua 30 tuần mới mua đồ?

Google News

Một trong những điều bỡ ngỡ của Thu Quỳnh đó là không biết mua gì cho đủ, rồi đồ của nhãn nào tốt. Nữ diễn viên đang nôn nóng chờ đến khi thai nhi đạt mốc 30 tuần sẽ đi sắm đồ sơ sinh cho bé Tằm.

Tháng 11/2023, Thu Quỳnh thông báo mang thai con thứ hai và không công khai danh tính bố của em bé. Thu Quỳnh nhận tin vui mang thai lần thứ hai đúng dịp sinh nhật tuổi 35. Dự kiến, cô sinh vào tháng 5/2024. 

Được biết, nữ diễn viên phát hiện mang thai trong những ngày quay cuối của phim "Cuộc chiến không giới tuyến". Cô thấy may mắn vì những cảnh cuối đều nhẹ nhàng, không mấy vất vả. Sau khi phim đóng máy, cô chủ yếu ở nhà nghỉ ngơi. 

Chia sẻ về lần mang thai thứ 2, Thu Quỳnh cho biết: "Mang bầu lần 2 là một điều bất ngờ, không có sự tính toán trước. Lần thứ hai mang bầu, tôi ngơ ngác như lần đầu tiên cách đây 9 năm. Tôi quên hết kinh nghiệm cũ, bỡ ngỡ như 9 năm trước, cái gì cũng không biết và phải lên mạng, đọc sách tìm hiểu từ đầu".

Thu Quỳnh cho biết từ ngày có con gái, cô cứ mơ mơ thơ thơ. 

Một trong những điều bỡ ngỡ của Thu Quỳnh đó là không biết mua gì cho đủ, rồi đồ của nhãn nào tốt. Nữ diễn viên đang nôn nóng chờ đến khi thai nhi đạt mốc 30 tuần sẽ đi sắm đồ sơ sinh cho bé Tằm (tên gọi ở nhà của em bé). Cô thừa nhận mình như một tấm chiếu mới và chóng mặt trước danh sách các đồ cần mua để mẹ bầu chuẩn bị "nhảy ổ". 

Bà mẹ 2 con vẫn bỡ ngỡ không biết nên sắm gì cho đủ, mua đồ nào thì tốt. 

Tại sao mẹ bầu thường chờ thai đạt mốc 30 tuần mới sắm đồ sơ sinh?

Thông thường các mẹ bầu đợi đến khoảng tháng thứ 7 thì bắt đầu rục rịch đi mua đồ cho bé sơ sinh, đến khoảng tầm tháng thứ 8 là đã xong xuôi hết mọi thứ. 

Tuy nhiên cũng có một số mẹ đến tháng thứ 9 vẫn chưa chọn xong, lúc này bụng bầu đã trở nên lớn hơn khiến mẹ mệt mỏi. Những mẹ bắt đầu chuẩn bị muộn là do được rỉ tai về sự kiêng kị khi sắm sửa đồ sơ sinh cho bé. Rằng chuẩn bị đồ trước tháng thứ 7 thì thai dễ chết lưu hoặc bé sinh non. Thật ra suy nghĩ này được hình thành từ việc tháng thứ 7 là tháng bé dễ gặp bất trắc nhất, nhỡ thai bị lưu thì những thứ đã chuẩn bị cho bé sẽ không còn dùng được nữa. Từ đó bắt đầu hình thành suy nghĩ sắm sửa trước tháng thứ 7 thì thai dễ bị sẩy. 

Trước đây, y tế còn chưa phát triển, chuyên môn các bác sĩ còn hạn chế, điều kiện, cơ sở vật chất còn thiếu thốn đủ điều, sự kiêng kị của các mẹ bầu là điều dễ hiểu. Hiện nay với điều kiện y tế, khoa học đã phát triển vượt bậc, mọi sự biến chuyển của thai nhi đều có thể được quan sát và theo dõi sít sao nhất thông qua dụng cụ, máy móc tiên tiến. Vì vậy mà dần dần, nhiều mẹ bầu không còn quan niệm phải chờ qua 30 tuần mới đi sắm đồ sơ sinh nữa. 

Các mẹ bầu có thể đi sắm đồ sơ sinh thành nhiều đợt, hễ rảnh lúc nào thì đi mua lúc ấy, bằng cách này sẽ có nhiều thời gian lựa chọn và cũng bớt mệt mỏi hơn, miễn sao sức khỏe của mẹ cho phép và tốt nhất nên có người đi cùng.

Mẹ bầu nên lên 1 danh sách các đồ cần mua sắm để tránh bị thừa hoặc thiếu. (Ảnh minh họa)

Những món đồ quan trọng mẹ bầu không thể bỏ qua khi đi sắm đồ 

Mẹ bầu có thể lên một danh sách những đồ cần mua rồi mua cho đỡ thiếu sót. Các mẹ có thể sắm đồ theo nhu cầu của bản thân và gia đình cũng như các nuôi con mà mình định hướng. Dưới đây là gợi ý những vật dụng quan trọng mẹ không thể bỏ qua khi đi sắm đồ cho con:

- Bình sữa

Bình sữa là sản phẩm trẻ dùng trong thời gian dài từ khi mới sinh cho đến hơn hai tuổi. Do vậy, các bà mẹ cần lưu ý chọn lựa sản phẩm có núm mềm, thân bình được làm từ nhựa an toàn, không chứa chất độc hại cho trẻ như BPA, PVC, Phthalates.  

Trên thị trường có nhiều loại bình sữa nhái gây độc hại cho trẻ nếu sử dụng trong thời gian dài, do vậy, các bà mẹ nên lưu ý chọn mua bình sữa ở những nơi uy tín.  

- Đồ dùng vệ sinh bình sữa

Bình sữa là vật tiếp xúc thường xuyên với trẻ nên cần được vệ sinh kỹ càng. Nhiều bà mẹ có thói quen tráng bình sữa bằng nước sạch hoặc luộc bình sữa trước khi cho bé dùng, tuy nhiên, cách này vẫn không thể loại bỏ hoàn toàn chất bẩn bám vào bình sữa. Vi khuẩn và chất bẩn bám vào thành bình sữa, kẽ núm ti dễ gây bệnh tiêu hóa cho trẻ, khiến trẻ biếng ăn, chậm lớn.  

Trên thị trường có một số sản phẩm chuyên vệ sinh bình sữa mà các mẹ có thể tham khảo: nước rửa bình sữa, cọ rửa bình và núm ti, hộp khử trùng bình sữa bằng lò vi sóng...

- Kem chống hăm

Trẻ sơ sinh thường bị hăm do tác dụng phụ của việc đóng bỉm. Trẻ đóng bỉm càng nhiều thì càng dễ bị hăm. Vì vậy kem chống hăm là một trong những vật dụng mẹ không thể bỏ qua khi sắm đồ sơ sinh.

- Nhiệt kế điện tử

Trẻ sơ sinh bị sốt cao dễ gặp các biến chứng như co giật, động kinh... Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo mỗi gia đình nên có một chiếc cặp nhiệt độ cho trẻ để sử dụng mỗi khi bé bị nóng, sốt...

TRANG ANH

Bình luận(0)