Thứ bốc mùi thối nay thành đặc sản nổi tiếng ở Gia Lai, được ưa chuộng vì có hương vị lạ, đứng xa cả mét vẫn ngửi thấy

Google News

Nghe tên món ăn này, chắc hẳn nhiều người sẽ thấy e ngại. Đây là một món đặc sản nổi tiếng ở Gia Lai mà bạn nên thưởng thức nếu có cơ hội tới đây.

Ẩm thực Việt Nam rất phong phú, đa dạng, lại có nhiều món ăn độc đáo, thậm chí bốc mùi thối khiến ai ngửi thấy cũng muốn chạy xa cả chục mét nhưng thực tế lại vô cùng hấp dẫn. Trong số này phải kể tới món bún cua thối ở Gia Lai.

Đúng như tên gọi, thứ đặc sản này bốc mùi thối nhưng mang lại trải nghiệm mới mẻ, khó quên với những ai có cơ hội được thưởng thức. Từ một món ăn dân dã của người dân ở phố núi Pleiku, giờ đây bún cua thối dần trở thành một nét đặc sắc mỗi khi nhắc đến ẩm thực Gia Lai.

Bún cua thối là nét ẩm thực đặc sản của Gia Lai, ai đặt chân tới vùng đất này cũng muốn một lần được ăn thử

Theo tìm hiểu, bún cua thối còn có tên gọi khác là bún mắm cua, bún thối. Cách gọi bún cua thối của người dân địa phương giúp phân biệt với bún riêu cua hay các món cua khác, diễn tả thứ mùi khó ngửi đặc trưng của nước dùng chan bún được làm theo cách đặc biệt.

Người dân địa phương cho biết quá trình chế biến món này cũng không kém phần kỳ công. Sau khi mua về, cua được rửa sạch rồi bỏ phần mai, lấy phần thân đem giã nhuyễn để lọc lấy nước. Nước cua tươi được ủ khoảng một ngày đêm để lên men cho đến khi chuyển màu đen và bốc ra mùi nồng, hơi thum thủm thì đem ra chế biến.

Trong quá trình ủ nước cua phải đảm bảo căn đúng và đủ thời gian thì chúng mới dậy mùi. Nếu nước cua không đạt sẽ khiến món ăn thất bại, bởi nước cua nặng mùi quá hoặc ít mùi thì khi nấu bún cũng không ngon. Phần nước cua đã lên men tiếp tục được đun sôi liu riu trên bếp lửa rồi cho thêm măng tươi thái mỏng. Đun càng lâu, măng càng tiết ra vị ngọt khiến nồi nước dùng càng đậm đà. 

Nồi nước dùng đặc sánh, đen sì, lại còn bốc mùi thum thủm khiến ai ngửi thấy cũng tỏ ra e dè, không dám ăn thử

Tuỳ người nấu mà thành phần món ăn có thể biến đối, có thể ăn chung với trứng vịt hoặc thịt ba chỉ, nhưng đúng điệu nhất là ăn chung với chả ram. Một tô bún cua thối ở Pleiku gồm có bún, ít măng le cùng da heo chiên giòn, rắc thêm chút hành phi, đậu phộng giã nhỏ rồi chan nước dùng. 

Tại các nhà hàng, quán ăn ở Pleiku, bún cua thối luôn được khách du lịch gần xa ưu tiên lựa chọn. "Lần đầu tới Gia Lai, chỉ đứng ở bên ngoài quán mình đã thấy một mùi khó chịu toả ra. Tiến lại gần, mình thấy nồi nước dùng đen sì, mùi thum thủm càng nồng nặc. Lúc đó mình đã nghĩ sẽ không dám thử, nhưng vì bạn bè thuyết phục nên mình lấy hết can đảm để ăn. Mình thấy hương vị của nó khá thú vị, giống như ăn thắng cố hay đậu hũ thối, ai không ăn được sẽ thấy khó chịu, ai ăn được sẽ nghiện nặng. Vị bún mặn đậm đà, vị nước dùng hăng nồng quyện với chút chua cay của măng, giòn sần sật của da heo và bùi thơm của chả ram ăn rất lạ miệng, tưởng như khó nuốt mà hoá ra lại vô cùng gây nghiện", bạn Hoàng Giang (ở Đà Nẵng) chia sẻ. 

Ở Gia Lai, bún cua thối có giá khá rẻ, một bát chỉ 15.000-20.000 đồng.

H.A

Bình luận(0)