Ngày ông Công ông Táo (23 tháng Chạp) năm nay đúng vào dịp cuối tuần, vì thế người đi thả cá cũng đông hơn. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, có những địa điểm người dân có ý thức rất cao khi thả cá, nhưng ở một số nơi, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra khiến cho cá vừa thả đã chết ngay tại chỗ.
Cá chép được hỗ trợ "thang máy" để xuống sông
Từ tờ mờ sáng ngày 14/1 (tức 23 tháng Chạp năm 2022), tại khu vực cầu Long Biên, rất đông các bạn tình nguyện viên đã chuẩn bị đồ đạc, băng rôn để tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường khi đi thả cá, hóa vàng ngày ông Công, ông Táo.
Nhóm tình nguyện viên tuyên truyền người dân khi đi thả cá cần phải bảo vệ môi trường.
Theo đó, ngoài cắt cử người đứng dọc hai bên cầu, nhóm tình nguyện viên này còn thu nhận tro hóa vàng của người dân để chuyển xuống chân cầu, tại đây có một nhóm sẽ làm nhiệm vụ thả tro theo dòng nước. “Chúng em phân công làm như vậy để tránh hai trường hợp xảy ra, đó là người dân vứt tro bay mù mịt, ảnh hưởng đến người đi đường. Thứ hai, tránh người dân vứt luôn cả túi nilon xuống dòng sông”, Hùng – một tình nguyên viên chia sẻ.
Các tình nguyện viên nhận tro của người dân, sau đó sẽ đưa xuống bờ sông để thả chứ không ném từ trên cao xuống.
Ngoài thu gom tro hóa vàng, đội tình nguyện viên này còn chuẩn bị dây thừng, xô nhựa để hỗ trợ người dân thả cá, tránh việc cá bị thả từ trên cao xuống, tỉ lệ sống không cao. Theo chia sẻ, cách làm này giống như việc đưa Táo Quân đi thang máy để xuống nước an toàn, sau đó mới lên “chầu trời” được. “Chúng em làm như vậy dù hơi tốn công nhưng đảm bảo cá được sống ở mức độ cao nhất. Rất may mắn là được người dân ủng hộ”, một bạn tình nguyện viên chia sẻ.
Cận cảnh quy trình cá chép đi "thang máy" an toàn để xuống sông Hồng:
Các tình nguyên viên nhận cá của người dân
Cá được thả vào xô nhựa
Tình nguyên viên từ từ thả dây
Chiếc "thang máy chạy bằng cơm" với độ cao đến hơn chục mét được đưa xuống
Khi gần tới mặt nước cá trong xô sẽ được đổ ra, như vậy sẽ bảo đảm an toàn nhất cho cá.
Anh Hoàng – một người dân đi thả cá cho biết, anh rất cảm ơn những bạn tình nguyện viên vì làm như vậy vừa an toàn cho cá, vừa tránh ô nhiễm môi trường và tránh tắc đường vì đường trên cầu rất hẹp. Người đàn ông này hy vọng, những người dân muốn lên cầu Long Biên thả cá thì nên để các bạn tình nguyện viên hỗ trợ, bởi việc tự ý thả cá từ trên cao xuống gần như cá không thể sống được.
Ở các hồ, cá chưa kịp bơi đã sặc tro chết tại chỗ
Ghi nhận tại một số hồ trong khu vực cho thấy, rất nhiều người dân mang cá chép ra thả, trong đó có cả những con cá lớn. Điều đáng buồn là sức cá yếu, cộng với việc nhiều người đổ tro ra mặt hồ khiến nước đục ngầu, cá chưa kịp bơi đã nổi trắng bụng.
Rất nhiều người dân đến Hồ Tây khu vực đường Thanh Niên để thả cá với nhiều loại và kích cỡ khác nhau.
Tại Hồ Tây khu vực đường Thanh Niên, sáng 14/1, có rất nhiều người đến đây thả cá. So với mọi năm, việc bảo vệ môi trường, để túi nilon đúng chỗ đã được người dân thực hiện nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, từ sáng sớm đã có quá nhiều người đổ tro xuống khu vực này khiến màu nước đục và cá chết rất nhiều.
Nhà sư Thích Tịnh Giác (hay còn gọi là Táo Nilon), ở chùa Phúc Sơn (thôn Kim Sơn, xã Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội) người có hàng chục năm nhặt rác, dọn bát hương ở khu vực này mỗi dịp ông Công, ông Táo chia sẻ: “Chưa năm nào tôi thấy cá chết nhiều như năm nay”.
Nhà sư Thích Tịnh Giác đã dọn rác chục năm ở khu vực này và cho biết chưa năm nào cá chết nhiều như năm nay.
Theo nhà sư này, việc người dân đổ tro quá nhiều xuống nước, cộng việc việc thả cá cho xong là một trong số nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt. Ngoài ra, có thể do cả yếu tố môi trường thay đổi cũng khiến cá bị ốm yếu và chết nhiều. “Tôi nhận thấy nhiều người mang cá ra thả cá tróc hết vảy, còn thở thoi thóp. Không ít người thả xuống cho xong, rồi đi luôn không cần biết cá mình thả có bơi được ra xa hay không, như vậy là chưa thành tâm với việc mình làm”, nhà sư Thích Tịnh Giác chia sẻ.
Chị Hưng mang theo 2 túi cá lớn ra Hồ Tây thả nhưng nguồn nước quá ô nhiễm, đặc quánh toàn tro.
Chị Hưng (ở Nghĩa Dũng, Ba Đình) mang hai túi cá lớn ra địa điểm này thả cá và chị rất buồn khi thấy nước quá đục. Chị cho rằng, trong số cá chị thả dù cố gắng đẩy cá bơi ra xa nhưng có thể có con không sống được. Chị mong rằng người dân nên có ý thức trong việc thả tro, nhang hương xuống hồ vì làm như vậy chỉ khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm.
Tình trạng thả tro, hương xuống hồ diễn ra ở đa số các hồ khác tại Hà Nội, điển hình như hồ Hoàng Cầu, trên mặt nước, rất nhiều tro nổi lềnh bềnh, khiến cá vừa thả đã mắc tro chết ngay tại chỗ hoặc không thể bơi được ra xa. Một số người dân cho biết, việc thả tro trong hồ nước tù là sai lầm, nên thả ở nơi nước chảy như sông hoặc suối. Nếu không có thể sau khi hóa dùng tro đó để bón cây, hoa tốt hơn là thả ra các hồ nước tù hoặc bỏ thùng rác.
Tại khu vực hồ Hoàng Cầu, rất nhiều người mang tro, chân hương ra đổ tại đây khiến cá chết nhiều và không thể bơi được ra xa.