Cách đó vài bước chân, Thành ngờ nghệch tập các động tác thể dục, chốc chốc lại nhìn mẹ Oanh, cười nũng nịu.
Ở cái tuổi 16, Thành chẳng khác gì đứa trẻ lên 3 khi đang dần học và làm quen với tất cả mọi thứ. Mỗi ngày của 2 mẹ con là một cuộc chiến mới, đầy vất vả nhưng luôn tràn ngập yêu thương.
Thành của mẹ nay đã lớn, biết nghe lời và chẳng còn quậy phá…
Tăng Khải Thành là cái tên mà vợ chồng chị Quách Mỹ Oanh dành cho đứa con trai đầu lòng. Như bao đứa trẻ khác, Thành chào đời với một cơ thể khỏe mạnh, trắng trẻo, trong lúc học mầm non, cô giáo phát hiện Thành có những biểu hiện bất thường ở lớp, chị Oanh đưa con đi khám thì mới biết con mình bị chứng rối loạn ngôn ngữ, tăng động và kém tập trung.
“Nghe một câu nói khiến chị rơi vào tuyệt vọng, tự kỷ là bệnh suốt đời, có điều trị cỡ nào cũng không khỏi được. Giai đoạn đầu chị bị ám ảnh tâm lý, suy nghĩ tiêu cực nhiều lắm. Vừa sinh em bé xong là chị bỏ hết để đi chữa trị cho Thành. Ai chỉ đâu chị cũng đi, chỉ mong sao Thành tốt lên.
Nhiều khi chị nói Thành không hiểu lại nằm lăn ra cửa, đập phá đồ đạc rồi lại đánh bản thân. Cứ đến tối Thành lại la hét, ngủ được một lúc đến 2h sáng lại bật dậy chơi, chị cũng phải thức cùng con. Những ngày đó chị như tập lại từ đầu, học làm mẹ một lần nữa, làm mẹ của một đứa con tự kỷ…”, chị Oanh xúc động.
Mặc dù luôn túc trực bên cạnh Thành nhưng không ít lần chị Oanh rơi vào tình huống khó xử. “Có lần Thành ra đường, thấy mấy bạn ăn thì chạy lại giật đại, Thành không có ý thức được việc làm đó, cứ thấy thích là giành lấy. Chị phải đi xin lỗi, năn nỉ phụ huynh, người nào thông cảm thì họ bỏ qua, nhưng cũng có người họ xót con, chửi mắng nhiều lắm. Vì con mình có lỗi mà, nhưng chửi mắng chị thôi, đừng gây tổn thương lên Thành, nó có biết gì đâu…”, chị Oanh nhớ lại.
Trải qua những tháng ngày vô cùng có khăn, có lúc mệt mỏi, áp lực cơm áo gạo tiền đè nặng, rồi cả những lời bàn tán mỉa mai, khi về nhà lại thấy con mình quấy khóc, nói không nghe khiến chị Oanh muốn buông xuôi. Thậm chí, chị Oanh đã nghĩ đến cái chết, cùng con kết thúc tất cả. Nhưng rồi nhìn vẻ mặt ngây ngô của Thành, chị Oanh thấy thương con nhiều hơn, tình mẫu tử nó đã níu chị lại để chị đi tiếp cùng con.
“Chị biết Thành không muốn làm mẹ buồn, mẹ giận đâu nhưng vì bạn ấy không nói được để mình hiểu. Giờ thì Thành của mẹ lớn rồi, biết nghe lời và chẳng còn quậy phá nữa”, nói đoạn, chị Oanh quay sang nhìn Thành, cười hạnh phúc.
Nhìn thấy mẹ cười động viên, Thành ngô nghê chạy lại ôm chầm lấy chị Oanh, cố diễn đạt bằng lời nói. Tuy có chút khó khăn, ngọng nghịu nhưng nhìn thấy Thành đang dần một tốt hơn, chị Oanh vô cùng xúc động.
“Tới 9 tuổi chị mới nghe con nói được 2 từ “má má”, chị mừng lắm, chị phải chờ đợi 9 năm, đánh đổi nhiều thứ để được nghe con cất tiếng gọi thay vì ú ớ không thành lời.
3 năm trước, Thành mập lắm, bạn cũng thụ động, chậm chạp, chị mới thay đổi cách tiếp cận để giúp con, ở nhà cùng con tập luyện, học cùng con. Chị cũng không nhớ mình phải theo con đi học bao nhiêu lớp, đọc tìm hiểu bao nhiêu tài liệu, sách vở để có thể hỗ trợ cho con. Giờ thì Thành nhận thức tốt hơn rồi, có nhiều khoảnh khắc chị thấy con mình đáng yêu lắm, làm mẹ bất ngờ. Dù việc đó chị không kêu bạn làm nhưng bạn tự thực hiện như ai đã dặn dò trước, bạn đã biết quan sát, làm được rất nhiều việc...”, chị Oanh nói đầy tự hào.
Chị không dám nghĩ xa, chỉ cần con mình hôm nay tốt hơn hôm qua là được…
Để có thể hỗ trợ tốt nhất cho Thành, chị Oanh chấp nhận từ bỏ công việc HLV thể dục thẩm mỹ, dành gần như toàn bộ thời gian để chăm sóc cho Thành.
Ban ngày Thành đi học ở trường chuyên biệt, tối đến chị Oanh cùng con tham gia các lớp học kỹ năng như điền kinh, aerobic, luyện võ, bơi lội… 16 năm ròng rã cùng con, thay vì đặt kỳ vọng để tự gây áp lực cho cả 2 mẹ con, Thành thích cái gì chị Oanh sẽ hướng con tới đó. Bởi điều mà chị Oanh mong muốn nhất là được thấy con trai vui vẻ, hạnh phúc mỗi ngày.
“Thành rất thích được ôm động viên, mỗi lần Thành căng thẳng, chỉ cần ôm bạn thì bạn sẽ dịu lại. Chị học làm bạn với con, bạn học mình học, bạn chơi mình chơi. Thành trí nhớ kém, học chữ rất khó nhưng các kỹ năng sống như quét nhà, giặt quần áo, rửa chén, dọn dẹp, nấu ăn… bạn đều làm được. Thấy con có sự phát triển như vậy, chị vui lắm, ghi lại những khoảnh khắc đáng yêu của con.
Chị chỉ mong Thành phát triển về mặt ngôn ngữ nhiều hơn, con còn bị hạn chế về việc nói chuyện, chưa diễn đạt được từ ngữ để mọi người xung quanh hiểu, hiện chỉ có mẹ là hiểu Thành thôi”, vừa nói, chị Oanh xoa đầu Thành, khích lệ.
“Nhưng với mẹ, Thành như vậy là đã giỏi lắm rồi”.
Nghe mẹ khen mình, Thành cười tít mắt, cố “múa” đôi tay thể hiện sự vui mừng, giọng ngọng nghịu. Hơn ai hết, chị Oanh cảm nhận được tất cả tình cảm mà đứa con trai đặc biệt dành cho mình, Thành là đứa trẻ ngoan, đầy tình cảm, dù hiện tại bản thân Thành vẫn còn rất nhiều khiếm khuyết nhưng ở Thành, luôn có sự cố gắng để vươn lên. Vì bên cạnh Thành luôn có một người mẹ tuyệt vời.
“Chị không có kỳ vọng sau này Thành sẽ làm này làm nọ, mỗi ngày Thành chỉ cần tiến bộ hơn một chút. Chị không dám nghĩ đến một ngày mình già đi, Thành sẽ ra sao. Thôi mình cứ vui với con được ngày nào thì mình vui ngày đó, giúp con, đồng hành để con ngày mai tốt hơn ngày hôm nay là được”, chị Oanh trải lòng.
Để có thể làm mẹ của một đứa trẻ tự kỷ là điều không hề dễ dàng. Ngoài gánh nặng về cơm áo gạo tiền, áp lực về tâm lý là vấn đề chị Oanh thường phải đối mặt. Đôi lúc không kiềm chế được bản thân, chị Oanh đã đánh mắng Thành. Nhớ lại những lần có lỗi với con, chị Oanh bật khóc.
“Có lúc chị stress khủng khiếp, ra đường thì bao nhiêu áp lực dồn nén, về đến nhà thì con quấy khóc, chị tức quá nên đánh mông con. Nhưng rồi sau đó lại ân hận, xót con, lấy dầu xoa, ôm con vào lòng mà khóc cùng con… Giờ thì trước mặt con, lúc nào chị cũng nở nụ cười, vì thấy mẹ cười Thành mới có tinh thần, mới hợp tác”.
Có lẽ 16 năm qua, điều mà chị Oanh hạnh phúc nhất là được làm mẹ của Thành. Dù Thành là đứa trẻ khác biệt với bạn bè đồng trang lứa, nhưng với chị Oanh, Thành luôn đặc biệt theo một cách nào đó.
“Thành là động lực sống của chị, chỉ cần mình nhẫn nại, kiên trì với con thì con có thể làm được mọi thứ, có điều nó sẽ chậm hơn thôi. Chị cũng mong là các bậc phụ huynh có con tự kỷ hãy mở lòng hơn, không nên cảm thấy mặc cảm mà giấu con mình ở nhà. Hãy để con được ra bên ngoài, tiếp xúc với mọi người để con được hòa nhập hơn.
Chị biết để nuôi một đứa con tự kỷ không hề đơn giản, áp lực lắm, như bản thân chị cũng đã có lúc điêu đứng vì con. Nếu không có điều kiện cho con theo học các trường chuyên biệt thì phụ huynh hãy trở thành người bạn, người thầy của con ở nhà, hãy chấp nhận các con vì các con là những đứa trẻ vô tội”, chị Oanh nói đầy hi vọng.