Sự tỉnh táo lớn nhất của người lớn nằm ở 2 việc này

Google News

Sự tỉnh táo lớn nhất của người lớn là biết chăm sóc bản thân và không can thiệp quá sâu vào chuyện người khác.

Hãy kiềm chế mong muốn sửa sai người khác, sự thôi thúc trở thành giáo viên của họ. Trong nhiều việc, ngay cả khi bạn đúng, bạn cũng không cần phải chứng minh người khác sai.

Đừng ép buộc người khác phải thay đổi ý định, ngay cả khi người đó là cha mẹ, người yêu hay con cái của bạn. Nếu đối phương sẵn sàng thay đổi thì bạn không cần phải giải thích. Nếu đối phương không sẵn sàng thay đổi thì dù bạn có cố gắng nói cũng chỉ lãng phí thời gian, tốt hơn là giữ im lặng.

Có người nói rằng: "Mọi thứ đều có vật chất và có trường năng lượng riêng. Đừng tùy tiện làm phiền từ trường của người khác."

Cố gắng quan tâm đến người khác sẽ làm phiền tâm trí của chính bạn. Đừng can thiệp vào những vấn đề không liên quan đến mình và đừng ép bản thân phải nói nếu chúng không mang lại ý nghĩa.

Khi đến thế giới này, mỗi người đều có những khổ nạn phải vượt qua, những trở ngại phải gặp, những bài học để rèn luyện và cuộc sống để trải nghiệm. Bạn không thể đánh thức người khác, bạn chỉ có thể đánh thức chính mình.

Đừng can thiệp vào nhân quả của người khác, đừng gánh lấy số phận của ai kia. Chỉ khi đó, bạn mới có thể sống một cuộc sống tự do và dễ dàng. Dù có ý định tốt, bạn không thể đánh thức được người đang giả vờ ngủ.

Sinh ra là một con người, không vội vàng đánh giá, không tùy tiện đổ lỗi, không can thiệp quá sâu là mức độ cao nhất của trí tuệ cảm xúc.

Chỉ bạn mới biết đôi giày có vừa chân mình hay không và con đường kia ra sao bạn chỉ có thể hiểu bằng cách tự mình đi trên đó. Hãy thành thật với trái tim mình, suy ngẫm về những sai lầm của chính mình, trải nghiệm những điều kiện khác nhau của thế giới, ngắm nhìn những cảnh đẹp, thưởng thức hoa xuân và trăng thu.

Với những người đã lạc lối trong thế giới cảm xúc, dù bạn có cố giúp đỡ đối phương bao nhiêu, mắng mỏ người phản bội thế nào thì khi mặt trời mọc vào ngày hôm sau, họ vẫn sẽ mắc lại sai lầm tương tự.

Với những người chỉ muốn sử dụng mưu mô trong các mối quan hệ cá nhân mà không sẵn sàng đầu tư vào nghề nghiệp của mình thì dù bạn có giúp đỡ bao nhiêu, kết quả vẫn là đối phương không đánh giá cao bạn, thậm chí còn buông lời trách móc, phàn nàn.

Nhà văn Dương Giáng từng nói: "Đời này, ít can thiệp, ít nói thì có phúc. Xen vào chuyện của người khác sẽ không được khen thưởng, ôm chuyện phiếm chỉ rước lấy phiền phức. Hãy lo việc của mình, đừng gây phiền phức cho người khác, cũng đừng gây rắc rối cho chính mình."

Khi bạn cố gắng cứu ai đó với ý định tốt, đối phương có thể không đánh giá cao điều đó. Với họ, cách sống của riêng mình là tốt nhất. Sự nhiệt tình hay nỗi lo lắng của bạn đều là lãng phí. Không can thiệp lẫn nhau mới là cách để mọi người cùng vui vẻ.

Trong cuộc đời này, mỗi người đều có bước đi và hướng đi cho riêng mình. Không nói về đúng sai của người khác, quản lý lời nói và hành động của chính mình là điều đáng để học tập suốt đời.

Giúp đỡ vừa phải là từ bi, can thiệp quá mức là tai họa.

Mỗi người đều có số phận riêng, vui buồn đều phải do chính mình giải quyết và vượt qua. Sự can thiệp của một bên có thể không giúp bên kia giải quyết được vấn đề mà có thể khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn.

Với những hoàn cảnh và kinh nghiệm khác nhau, quan điểm và phương pháp của bạn có thể phù hợp với bạn nhưng không phù hợp với người khác. Bạn có thể cho ai đó lời khuyên nhưng bạn không thể chịu trách nhiệm về lỗi lầm của họ.

Trải nghiệm mà bạn coi là kho báu, khi bạn chia sẻ nó cho người khác, họ có thể chế nhạo. Nỗ lực thuyết phục và những đề xuất bạn đưa ra với sự thiện chí có thể không tác dụng gì đối với ai kia.

Một người muốn trưởng thành phải học cách chịu đựng khó khăn và đau khổ, chứng minh đúng sai của mình bằng sự thật và lấp đầy cuộc sống của mình bằng những trải nghiệm, những người khác có thể âm thầm ở bên chúc phúc.

Nhớ rằng, trong nhiều trường hợp, ít lời hơn sẽ có giá trị hơn; nhận thức khác nhau thì không cần tranh cãi; tam quan không nhất quán thì sẽ lãng phí thời gian và sức lực. Hãy im lặng khi ở trong một nhóm, giữ trái tim cho riêng mình. Trước tiên hãy là vị cứu tinh của chính bạn, sau đó mới là che ô cho người khác.

Khi mọi người hòa hợp với nhau, sự thoải mái là điều quan trọng nhất, quan tâm cũng cần có chừng mực. Hãy giữ ý thức về ranh giới, chăm sóc bản thân thay vì cố gắng thay đổi người khác, đối mặt với cuộc sống bằng tâm trí cởi mở và có thái độ lạc quan trong suốt quãng đời còn lại. Làm được như vậy, bạn có thể tránh phần nhiều những rắc rối trong cuộc sống này.

BẢO ANH.

Bình luận(0)