Cá nổi tiếng là một “siêu thực phẩm” nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt là protein, omega-3 cùng các vitamin cần thiết cho cơ thể. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc ăn cá thường xuyên có thể cải thiện sức khỏe tim mạch, tăng cường trí nhớ và giúp phát triển não bộ. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp với loại thực phẩm bổ dưỡng này. Với một số người, việc tiêu thụ cá không đúng cách có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ.
Mặc dù cá là thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhưng những người thuộc nhóm bệnh này cần thận trọng. (Ảnh minh họa).
1. Người bị rối loạn tiêu hóa
Cá nổi tiếng là thực phẩm giàu protein và chất béo, đặc biệt là cá hồi, cá thu, cá trích,... Đối với người có hệ tiêu hóa suy yếu, việc tiêu thụ các thành phần này có thể gây ra các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu hoặc đau dạ dày.
Ngoài ra, nếu cá không được bảo quản tốt hoặc không nấu chín kỹ có thể chứa vi khuẩn, ký sinh trùng như: Salmonella, Vibrio hoặc Anisakis, dễ gây ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy hoặc đau bụng, đặc biệt với người có hệ tiêu hóa kém.
Bên cạnh đó, các món cá chiên, xào với dầu mỡ hoặc tẩm gia vị cay nóng như: ớt, tỏi, tiêu, có thể kích thích niêm mạc dạ dày, làm tăng tình trạng ợ nóng, buồn nôn. Cá ướp muối hoặc cá đóng hộp có hàm lượng natri cao, không chỉ khó tiêu hóa mà còn dễ gây giữ nước và khó chịu cho dạ dày.
2. Người mắc bệnh thận
Thận đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ các chất thải như: ure, creatinine và kiểm soát cân bằng điện giải trong cơ thể. Khi thận bị suy giảm chức năng, việc tiêu thụ cá có thể gây thêm gánh nặng cho cơ quan này.
Cá chứa hàm lượng protein cao. Khi cơ thể chuyển hóa protein sản sinh ra ure và các chất cặn bã, yêu cầu thận phải làm việc nhiều hơn để lọc. Điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy thận và gây tích tụ chất độc trong máu.
Chưa kể, một số loại cá có hàm lượng phốt-pho và kali cao, chẳng hạn như: cá hồi, cá ngừ hay cá mòi. Ở người bị suy thận, khả năng loại bỏ phốt-pho, kali bị suy giảm, dẫn đến nguy cơ cao về tăng kali máu hoặc tăng phốt-pho máu. Hai tình trạng này có thể gây rối loạn nhịp tim, đau cơ hoặc tổn thương xương.
Bên cạnh đó, cá biển thường chứa muối (natri) cao, đặc biệt khi chế biến hoặc bảo quản dưới dạng đóng hộp, muối khô. Natri dư thừa làm tăng huyết áp và gây áp lực thêm cho thận.
Những người bị suy thận hoặc rối loạn chức năng thận cần hạn chế ăn cá. (Ảnh minh họa).
3. Người bị bệnh gan
Gan là cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa và giải độc các chất trong cơ thể. Tuy nhiên, khi gan bị tổn thương do bệnh lý như: viêm gan, xơ gan hoặc viêm gan nhiễm mỡ, khả năng xử lý các chất béo và các chất độc hại từ thực phẩm trở nên yếu đi, dẫn đến tích tụ amoniac trong máu, gây nhiễm độc hệ thần kinh trung ương, hay còn gọi là bệnh não gan.
Cá béo, đặc biệt là các loại cá chứa nhiều chất béo omega-3 như cá hồi, có thể làm tăng lượng mỡ trong cơ thể, từ đó làm tình trạng bệnh gan trở nên nghiêm trọng hơn. Mặt khác, chất béo này còn đòi hỏi gan phải sản xuất mật để tiêu hóa.
Nếu gan yếu, quá trình này sẽ không hiệu quả, dễ dẫn đến triệu chứng đầy bụng, khó tiêu và mệt mỏi. Ngoài ra, cá không tươi hoặc cá chế biến kém an toàn có thể chứa độc tố hoặc vi khuẩn, làm tăng nguy cơ nhiễm độc gan.
4. Người bị dị ứng hải sản
Người bị dị ứng hải sản cần đặc biệt cẩn trọng khi ăn cá, vì cá là một trong những loại thực phẩm dễ gây dị ứng nhất, đặc biệt ở những người có cơ địa nhạy cảm. Các triệu chứng có thể xuất hiện ngay sau khi ăn hoặc tiếp xúc bao gồm: nổi mề đay, ngứa ngáy, sưng môi, mắt hoặc cổ họng. Nặng hơn, một số người có thể gặp phải phản ứng sốc phản vệ, gây khó thở, tụt huyết áp và đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Một nguy cơ khác đối với người bị dị ứng hải sản là hiện tượng nhiễm độc histamin từ cá không tươi, thường gặp ở các loại cá như: cá ngừ, cá thu. Histamin tích tụ trong cá không được bảo quản đúng cách có thể gây các triệu chứng giống dị ứng như: đau đầu, đỏ mặt hoặc tiêu chảy,... làm tình trạng dị ứng thêm trầm trọng.
Người có cơ địa dị ứng có thể gặp các triệu chứng như: ngứa ngáy, nổi mề đay, đau bụng, thậm chí sốc phản vệ đe dọa tính mạng. (Ảnh minh họa).
5. Người mắc bệnh lao
Một số loại cá, đặc biệt là cá biển như: cá thu, cá ngừ hoặc cá mòi, có hàm lượng histamin cao. Histamin có thể tương tác với các loại thuốc điều trị lao như isoniazid, dẫn đến các phản ứng không mong muốn như: nổi mẩn, buồn nôn hoặc đau đầu. Do đó, người bệnh lao cần tránh những loại cá này để hạn chế tác dụng phụ.
Ngoài ra, cá chế biến không đảm bảo vệ sinh hoặc chưa nấu chín kỹ dễ chứa ký sinh trùng, vi khuẩn, có thể gây nhiễm trùng thứ phát. Điều này đặc biệt nguy hiểm với người bệnh lao vì hệ miễn dịch của họ đã bị suy yếu, khó chống lại các tác nhân gây bệnh khác.
Để đảm bảo an toàn, người mắc bệnh lao nên chọn các loại cá ít béo như: cá lóc, cá basa, cá rô phi và chế biến đơn giản như: hấp, luộc. Người bệnh cần tránh cá đóng hộp, cá ướp muối hoặc cá chiên rán nhiều dầu mỡ vì các thực phẩm này có thể làm tăng viêm nhiễm hoặc gây áp lực lên gan và hệ tiêu hóa.