Bình giữ nhiệt là vật dụng quen thuộc giúp chúng ta giữ nhiệt cho đồ uống hoặc thực phẩm khi di chuyển, làm việc hay tham gia các hoạt động ngoài trời. Tuy nhiên, không phải lúc nào bình giữ nhiệt cũng duy trì được hiệu quả sử dụng lâu dài. Sau một thời gian, các dấu hiệu hư hỏng dần xuất hiện cho thấy nó cần được thay mới ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bạn và gia đình.
Bình giữ nhiệt bị hỏng có thể gây ngộ độc thực phẩm khi sử dụng vì những lý do liên quan đến cấu trúc và vật liệu. (Ảnh minh họa).
1. Lõi cách nhiệt bị hỏng
Bình giữ nhiệt hoạt động dựa trên cấu trúc hai lớp vỏ, giữa hai lớp này là chân không để cách nhiệt. Khi lõi cách nhiệt bị hỏng, khả năng giữ nhiệt của bình sẽ giảm đáng kể, khiến đồ uống hoặc thức ăn bên trong dễ bị biến chất do không duy trì được nhiệt độ ổn định.
Thêm vào đó, các vật liệu cách nhiệt thường được làm bằng thủy tinh hoặc kim loại đặc biệt, nhưng sau thời gian dài sử dụng hoặc va đập mạnh, chúng có thể bị nứt vỡ. Khi lõi cách nhiệt bị hỏng, các vi khuẩn, nấm mốc dễ dàng xâm nhập và phát triển, đặc biệt là khi bình không được vệ sinh bình thường xuyên. Điều này sẽ tạo ra một môi trường lý tưởng cho các vi khuẩn gây bệnh, khiến người sử dụng có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng.
2. Xuất hiện mùi hôi hoặc vết bẩn khó làm sạch
Mùi hôi hay vết bẩn bám chặt là dấu hiệu rõ ràng cho thấy bình giữ nhiệt của bạn không còn sạch sẽ và an toàn để sử dụng. Điều này thường xảy ra khi bình không được vệ sinh kỹ sau mỗi lần dùng hoặc bảo quản thực phẩm có mùi mạnh trong thời gian dài.
Những mùi hôi này thường do vi khuẩn, nấm mốc phát triển trong môi trường ẩm ướt hoặc từ cặn bã thực phẩm tích tụ.Không chỉ gây khó chịu, những vi khuẩn, nấm mốc này còn là nguyên nhân làm hư hỏng đồ ăn được đựng bên trong, dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm, gây đau bụng, tiêu chảy hoặc các vấn đề nghiêm trọng hơn. Tốt nhất, nếu bình giữ nhiệt xuất hiện mùi khó chịu hoặc vết bẩn không thể làm sạch thì hãy thay mới để đảm bảo sức khỏe.
3. Bình có hiện tượng rỉ sét
Rỉ sét là dấu hiệu của sự ăn mòn, thường xuất hiện trên các bình giữ nhiệt kém chất lượng hoặc đã sử dụng trong thời gian dài mà không được bảo quản đúng cách. Bề mặt rỉ sét không chỉ làm giảm tính thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thực phẩm chứa bên trong.
Rỉ sét có thể chứa các hợp chất kim loại độc hại, dễ hòa tan vào thực phẩm khi tiếp xúc với nước hoặc đồ uống có tính axit như: chanh, cà phê. Khi sử dụng bình bị rỉ sét, bạn đang đối mặt với nguy cơ nạp vào cơ thể những chất độc hại, gây tổn thương cho gan, thận và hệ tiêu hóa.
Những mảng rỉ sét có thể khiến nước trong bình bị nhiễm độc. (Ảnh minh họa).
4. Bình bị móp méo
Khi bình bị móp, các khớp nối và phần nắp có thể không còn kín, tạo điều kiện cho vi khuẩn cũng như tạp chất xâm nhập vào trong bình. Nếu thức ăn hoặc đồ uống được lưu trữ trong bình lâu, vi khuẩn có thể phát triển trong môi trường ấm, đặc biệt khi bình không giữ nhiệt tốt như ban đầu.
Bên cạnh đó, việc móp méo có thể làm hư hỏng lớp cách nhiệt bên trong bình, khiến nhiệt độ bên trong không ổn định. Thức ăn hoặc đồ uống có thể bị nóng quá mức hoặc quá lạnh, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và gây ngộ độc thực phẩm.
Hơn nữa, nếu bình có lớp tráng phủ bảo vệ, khi bị móp méo, lớp này có thể bị bong tróc, khiến vật liệu bên trong tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Nếu bình được làm từ kim loại kém chất lượng, các chất độc hại có thể rò rỉ vào đồ uống, gây nguy hiểm cho sức khỏe.
5. Nắp bình bị hỏng
Nắp bình giữ nhiệt đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nhiệt độ và bảo vệ thực phẩm khỏi các tác nhân bên ngoài. Khi nắp bị nứt, hở hoặc không khít, nhiệt độ bên trong bình dễ dàng bị ảnh hưởng bởi môi trường, làm giảm hiệu quả giữ nhiệt. Đồng thời, các khe hở này có thể trở thành nơi tích tụ bụi bẩn và vi khuẩn, dễ dàng xâm nhập vào thực phẩm.
Một nắp bình hỏng không chỉ làm giảm hiệu quả của bình giữ nhiệt mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, gây ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, nếu nắp bình có dấu hiệu hỏng, đừng tiết kiệm mà hãy thay thế hoặc sử dụng bình khác để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Nắp bình bị hỏng có thể làm giảm hiệu quả của bình giữ nhiệt. (Ảnh minh họa).
6. Bình dùng trong khoảng thời gian dài
Tuổi thọ của bình giữ nhiệt, ngay cả với những sản phẩm chất lượng cao, thường chỉ từ 1-3 năm tùy vào mức độ sử dụng và cách bảo quản. Khi sử dụng bình trong thời gian quá dài, các vật liệu bên trong bình có thể bị xuống cấp, tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ và phát triển. Hơn nữa, việc tiếp xúc lâu dài với nước nóng hoặc đồ uống có tính axit có thể làm bong tróc lớp chống gỉ bên trong, giải phóng các chất độc hại.
Do đó, sử dụng bình giữ nhiệt cũ trong thời gian dài có thể gây ra nguy cơ ngộ độc thực phẩm, thậm chí dẫn đến các bệnh nghiêm trọng như ung thư, nếu bình được làm bằng vật liệu chứa chất độc hại như BPA hay phthalates.