Phụ nữ lần đầu tiên quan hệ có thể sẽ chảy một ít máu do màng trinh bị rách. Tuy nhiên nếu tình trạng chảy máu vẫn liên tục xảy ra trong những lần ân ái sau đó thì chị em nên cảnh giác.
Cách đây không lâu, Zhou Zhou, 23 tuổi tới phòng khám của bác sĩ Lu Wen, trưởng Khoa phụ sản của Bệnh viện Tongde tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) hỏi với giọng đầy bất an: "Bác sĩ, tôi đã chảy máu rất nhiều kể từ khi làm "chuyện ấy". Theo những gì tôi đọc được trên mạng, đó có phải là do ung thư cổ tử cung không?".
Sau khi cẩn thận hỏi thăm bệnh sử, bác sĩ Lu Wen biết được cha mẹ Zhou Zhou đã ly hôn khi cô còn rất nhỏ. Việc thiếu sự quan tâm của gia đình trong thời gian dài đã hình thành nên tính cách nổi loạn của cô. Khi còn là thiếu niên, cô bỏ nhà đi và có người bạn trai đầu tiên. Những năm tiếp theo, Zhou Zhou liên tục đổi bạn trai, số người yêu của cô đã lên đến hai chữ số.
"Dù sao tôi vẫn còn trẻ, khi kết bạn, nếu hợp nhau thì chúng tôi sẽ tiến tới thân mật, nếu không sẽ chia tay", Zhou Zhou nói.
Cô gái ra máu "vùng kín" suốt nửa năm sau khi quan hệ với bạn trai. (Ảnh minh họa)
Người bạn trai mới nhất mà Zhou Zhou quen là cách đây nửa năm, hai người cũng đã mau chóng đi tới giai đoạn tìm hiểu sâu hơn. Nhưng ngay sau lần đầu quan hệ với người yêu mới, Zhou Zhou đã bị chảy máu. Cô không hiểu tại sao vì đây không phải là lần đầu tiên, nhưng cô không để tâm đến điều đó.
Trong 6 tháng tiếp theo, Zhou Zhou bị chảy máu không liên tục. Lúc này, cô mới hoang mang tìm kiếm thông tin trên mạng và thấy đó có thể là dấu hiệu ung thư. Lo lắng bản thân đã mắc bệnh nan y, cô vội vàng tới bệnh viện khám.
Trước những chia sẻ của Zhou Zhou, bác sĩ Lu Wen khuyên cô nên bình tĩnh kiểm tra trước mới có thể đưa ra chẩn đoán chính xác. Sau 1 tuần, bác sĩ thông báo cô gái trẻ dương tính với HPV chủng 16 - chủng HPV có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung.
Tuy nhiên, bác sĩ Lu Wen giải thích không phải cứ mắc chủng HPV 16 sẽ bị ung thư, cần tiến hành soi cổ tử cung để biết rõ thêm. Kết quả nội soi cho thấy có nhiều khối u tân sinh trong biểu mô cổ tử cung ( tình trạng bất thường của tế bào bao phủ cổ tử cung thường gọi là tổn thương tiền ung thư).
Phân tích tình trạng của Zhou Zhou, bác sĩ Lu Wen cho biết cô bị nhiễm HPV và đã phát triển tổn thương cổ tử cung ít nhất 5 năm. Tuy nhiên, cô khá may mắn khi đã đến bệnh viện sớm vì chỉ thêm một thời gian nữa rất có thể sẽ tiến triển thành ung thư. Sau đó, bác sĩ khuyên cô nên khám phụ khoa lại sau 3 tháng phẫu thuật.
"Virus HPV có thể vẫn tồn tại sau phẫu thuật, phụ nữ có sức đề kháng tốt có thể tự động loại bỏ virus. Tuy nhiên, nếu HPV nguy cơ cao dương tính trong thời gian dài có thể gây tổn thương cổ tử cung trở lại, do đó cần phải tăng cường sức đề kháng. Nên sàng lọc định kỳ trong 6-12 tháng", bác sĩ Lu Wen nhắc nhở.
Những triệu chứng của ung thư cổ tử cung?
Bác sĩ Lu Wen cho biết, nhìn chung, tổn thương nội biểu mô cổ tử cung và ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu thường không có triệu chứng và dấu hiệu rõ ràng, khi tổn thương dần phát triển, các biểu hiện sau có thể xuất hiện, bạn phải cảnh giác.
1. Chảy máu âm đạo: Thường biểu hiện dưới dạng chảy máu tiếp xúc, tức là chảy máu sau khi quan hệ hoặc khám phụ khoa. Nó cũng có thể biểu hiện như chảy máu bất thường, kinh nguyệt kéo dài hoặc lượng kinh nguyệt tăng lên. Bệnh nhân cao tuổi thường bị chảy máu bất thường sau khi mãn kinh.
2. Dịch tiết âm đạo: Hầu hết bệnh nhân đều có dịch tiết màu trắng hoặc có máu, loãng như nước hoặc nước gạo, có mùi tanh. Bệnh nhân ở giai đoạn muộn có thể ra nhiều khí hư như hạt gạo hoặc có mùi hôi mủ do mô ung thư hoại tử và nhiễm trùng.
3. Triệu chứng muộn: Các triệu chứng thay đổi tùy theo mức độ của bệnh ung thư. Chẳng hạn như ban đầu có thể đi tiểu thường xuyên, tiểu gấp, táo bón, sưng đau chi dưới…; khi ung thư chèn ép hoặc xâm lấn vào niệu quản có thể gây tắc nghẽn niệu quản, thận ứ nước, tăng ure máu; giai đoạn muộn có thể xuất hiện các triệu chứng suy yếu toàn thân như thiếu máu và suy nhược.
Những yếu tố nguy cơ gây gây tổn thương cổ tử cung
Bác sĩ Lu Wen cho biết, ung thư cổ tử cung là một loại u ác tính phụ khoa thường gặp, có nguồn gốc từ tổn thương nội biểu mô cổ tử cung, cả hai đều do nhiễm HPV nguy cơ cao. Độ tuổi mắc cao nhất là 50-55 tuổi và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Do việc phổ biến sàng lọc ung thư, tỷ lệ mắc và tử vong của nó đã giảm đáng kể.
"Tổn thương nội mô cổ tử cung và ung thư cổ tử cung có liên quan đến nhiễm vi rút u nhú ở người, nhiều bạn tình, hút thuốc, quan hệ tình dục sớm (<16 tuổi), các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tình trạng kinh tế thấp, thuốc tránh thai và ức chế miễn dịch", bác sĩ Lu Wen cho biết.
Mặc dù đây là căn bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin ngừa HPV.