Quan hệ tốt đến mấy cũng đừng bao giờ tiết lộ 4 bí mật này cho nhau

Google News

Nhiều khi rắc rối không từ trên trời rơi xuống mà do chính chúng ta vô tình gây ra. Học cách giữ im lặng và không dễ dàng tiết lộ 4 điều này có thể giúp bạn bảo vệ cuộc sống của mình tốt hơn và tránh được nhiều rắc rối.

Những sai lầm bản thân đã mắc phải

Ai trong đời cũng có lúc phạm phải sai lầm và khi nghĩ lại có thể thể muốn nói chuyện với người khác để tìm kiếm sự đồng cảm, an ủi và động viên. Trên thực tế, đây là một hành vi tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Dù có tin tưởng đối phương đến đâu, bạn cũng không nên dễ dàng bộc lộ điểm yếu của mình. Suy cho cùng, lòng người khó đoán và người hôm nay bạn dốc lòng tâm sự ngày mai có thể không nhìn mặt bạn vì vài chuyện mâu thuẫn cá nhân.

Trong quá trình tương tác với mọi người, hãy trao đi sự chân thành và không quên có ý thức tự bảo vệ, vạch ra điểm mấu chốt rõ ràng cho bản thân. Những chuyện đã xảy ra đều là quá khứ, dù bạn có chia sẻ, nhắc lại bao nhiêu lần cũng không thể thay đổi sai lầm chúng ta đã mắc phải.

Thay vì để nhiều người biết rằng chúng ta đã từng trải qua trải nghiệm như vậy, người khôn ngoan chọn cách giữ trong lòng, lấy đó làm bài học để không phạm phải lần sau. Họ hiểu rằng, dễ dàng nói với người khác những điều khiến bản thân tổn thương chắc chắn tiềm ẩn những mối nguy hiểm cho sự phát triển trong tương lai sau này. Một khi mối quan hệ của bạn với người kia thay đổi, hoặc bạn vô tình làm điều gì đó gây tổn thương, xúc phạm đến đối phương, những bí mật này sẽ trở thành công cụ để người kia chống lại bạn.

Hơn nữa, không phải ai cũng có trải nghiệm tương tự bạn. Ngay cả khi bạn dốc lòng tâm sự, bày tỏ nỗi đau bấy lâu giấu kín trong lòng, đối phương hoàn toàn có thể không cư xử theo cách bạn muốn. Gặp phải người có trí tuệ cảm xúc thấp hoặc ghen tị, họ có thể ngay lập tức cười nhạo sự kém cỏi và ngu ngốc của bạn, khiến bạn càng tổn thương hơn.

Kế hoạch trong tương lai

Không phải ai cũng có khả năng lập kế hoạch cho cuộc sống của mình. Nhiều người có cuộc sống tốt hơn người khác đơn giản là bởi họ có nhiều kênh tiếp nhận thông tin hơn. Việc dễ dàng chia sẻ cho người khác biết những thông tin và kế hoạch tương lai mà bạn đã dày công thu thập thực chất là đang tạo ra đối thủ cạnh tranh với chính bạn trong tương lai.

Hơn nữa, việc lập kế hoạch cuộc đời là một vấn đề khá cá nhân, không phải chuyện nên đem ra mổ xẻ. Hoàn cảnh gia đình và khả năng của mỗi người là khác nhau, thành công của người này không thể được sao chép hoàn toàn cho người khác. Thay vì chủ động chia sẻ những kế hoạch, mục tiêu tiếp theo của bạn với người khác, tốt hơn bạn nên tự học hỏi, tìm và thử những phương pháp phù hợp với mình hơn.

Những tham vọng lớn lao có thể truyền cảm hứng cho chúng ta ở một mức độ nhất định và khiến chúng ta làm việc chăm chỉ hơn để hướng tới cuộc sống lý tưởng của mình. Trước khi bạn đạt được thành công, việc nói trước cho người khác biết mục tiêu cuối cùng có thể giúp cải thiện hình ảnh của bạn trong tâm trí người khác. Tuy nhiên, khi có việc phát sinh trong quá trình thực hiện, chúng ta có thể rơi vào trạng thái không muốn mất thể diện nên “cố đấm ăn xôi”. Đặc biệt những người hay làm việc theo hứng, nếu bạn thường xuyên chia sẻ về kế hoạch của mình nhưng không thực hiện được, đối phương có thể nghi ngờ bạn là người không đáng tin cậy, ấn tượng xấu.

Việc học cách giữ những kế hoạch trong lòng và đợi cho đến khi thành công mới để người khác biết là điều khôn ngoan. Cho dù lúc đó chúng ta không thực hiện được mong muốn của mình thì điều đó cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống.

Mức thu nhập thực tế

Tiền bạc là một chủ đề khá nhạy cảm nhưng nhiều người lại thích đem ra để bàn tán. Nhớ rằng, trong quá trình giao tiếp, mối quan hệ dù thân đến mấy bạn cũng không nên dễ dàng tiết lộ mức thu nhập thực sự của mình.

Không phải ai cũng muốn bạn khá hơn họ. Thường thì những người bạn gặp và kết thân có xu hướng có xuất phát điểm tương đồng với bạn. Khi nhìn thấy những người cùng vạch xuất phát đang làm tốt hơn mình, chắc chắn ai đó có thể cảm thấy thất vọng mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, việc để cho người khác biết quá rõ tình hình tài chính của mình cũng khiến bạn dễ gặp rắc rối với tiền bạc hơn. Khi bạn đã kế hoạch tiết kiệm cụ thể cho một mục tiêu lớn nào đó như mua nhà, ô tô thì một người bạn bất ngờ hỏi vay tiền, mọi việc sẽ trở nên khó xử. Nếu cho bên kia vay quá nhiều, bạn sẽ rơi vào trạng thái lo lắng không biết liệu số tiền đó có quay trở lại và đúng hẹn không. Nếu bạn cho vay quá ít hoặc không cho vay, đối phương có thể trách bạn không coi trọng mối quan hệ giữa hai người trong nhiều năm.

Khúc mắc trong gia đình

Cuộc sống trong xã hội hiện đại này vốn không hề dễ dàng. Mỗi người đều có những gánh nặng của riêng mình, thực sự không còn nhiều sức lực để quan tâm đến hoàn cảnh gia đình của người khác. Những người luôn tò mò đến cuộc sống riêng tư của bạn có thể chỉ là muốn tham gia vào cuộc vui, cố gắng nghe những chuyện không hay từ bạn.

Việc kể cho người khác nghe về những khúc mắc trong gia đình mình sẽ khiến hình ảnh và vị trí của bạn trong mắt người khác bị hạ thấp. Sự thật là không nhiều người có thể đảm bảo giữ bí mật hoàn toàn. Không lâu nữa, nỗi đau của bạn có thể trở thành nguồn vui cho người khác, câu chuyện họ đem ra mổ xẻ trong giờ giải lao.

BẢO ANH.

Bình luận(0)