Dưa hấu phù hợp với cả người trẻ và người già
Dưa hấu là loại quả được trồng nhiều ở nước ta, nhất là ở các tỉnh Nam Bộ. Cây thường cho trái quanh năm, nhưng nhiều nhất vào mùa hè.
Theo Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, trong Đông y, dưa hấu có vị ngọt nhạt, tính hàn, tác dụng thanh nhiệt giải khát, trị say nắng, say nóng hiệu quả. Vì vậy, đây là loại quả phù hợp với trẻ nhỏ, người già và người suy giảm miễn dịch.
Ăn dưa hấu giúp thanh nhiệt, giảm say nắng, say sóng. Ảnh minh họa.
Thành phần chủ yếu trong dưa hấu là nước (chiếm 91%) và carb (chiếm 7,5%). Mặt khác, dưa hấu hầu như không có protein hoặc chất béo, đặc biệt rất ít calo. Ngoài ra, nó còn có nhiều khoáng chất, vitamin, chất xơ, các chất chống oxy hóa khác. Vì vậy, dưa hấu được chứng minh có thể giúp giảm cân, cải thiện sức khỏe da và tóc, phòng ngừa ung thư, tim mạch…
Nhờ những điều trên, dưa hấu được hầu hết mọi người mua về ăn trực tiếp, ép nước uống, làm kem hay sử dụng để chế biến một số món ăn…
Quả dưa hấu sủi bọt là có hiện tượng gì?
Mới đây, Tiến sĩ Vũ Thị Tần, giảng viên các môn Vật liệu vô cơ tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã chia sẻ hình ảnh 1 quả dưa hấu bị sủi bọt lên trang cá nhân. Chị cho biết, vốn dĩ chia sẻ quả dưa như vậy là đã nhận được 1 câu hỏi của nhiều người rằng: “Quả dưa hấu mới mua về bị sủi bọt thì có phải đã bị “ngậm” hóa chất hay không”?
Các chuyên gia khẳng định, quả dưa hấu sủi bọt là hiện tượng tự nhiên. Ảnh: Vũ Tần.
Tiến sĩ Tần khẳng định, dưa hấu sủi bọt là hiện tượng tự nhiên, không đáng lo. “Dưa hấu khi chín sẽ có rất nhiều đường. Quá trình thu hái dưa đến khi bảo quản để đưa ra thị trường ở nhiệt độ thường, quả sẽ được chất đống rồi che bạt phủ kín. Việc làm này kết hợp với thời tiết nắng nóng như hiện nay sẽ khiến quả dưa bị lên men.
Quá trình đường lên men thành rượu, rồi thành axit sẽ sinh ra khí CO2 gây sủi bọt quả dưa khi bạn cắt ra. Đây là hiện tượng hoàn toàn tự nhiên ở quả dưa hấu. Với những quả có hiện tượng này là quả chín tự nhiên, vì vậy bạn nên yên tâm”, Tiến sĩ Tần chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cũng đồng tính với ý kiến của Tiến sĩ Tần. Theo Phó giáo sư Thịnh, bình thường dưa hấu có vỏ dày như một cái túi, nếu chứa khí thì ở trong môi trường nhất định sẽ nổ bung ruột.
Hơn nữa, dưa hấu có lượng đường cao, nhưng khi chín hết cỡ không sinh đường nữa mà tiến hành quá trình phân giải, xảy ra quá trình lên men rượu. Quá trình men rượu sẽ sinh ra khí và axit làm dưa hấu chua. Quá trình chuyển hóa đường – rượu – axit đều sinh ra khí CO2 tích tụ trong quả dưa hấu. Lúc này tế bào lên men, mất đường sẽ rỗng ra, chảy nước, vỏ dưa hấu thành cái túi và có khí trong đó. Chọc dao vào khí và chất nhớt có sẵn trong quả dưa hấu cùng lúc thoát ra, sinh bọt.
“Chẳng ai cho khí hay chất độc hại vào quả dưa hấu cả, chất độc hại cũng không xảy ra quá trình đó. Mà đơn giản là quá trình lên men tự nhiên: Đường – rượu – axit, sinh khí CO2 thôi, không có gì đáng lo ngại”, Phó giáo sư Thịnh khẳng định.
Cách chọn quả dưa hấu ngon, ngọt
Theo Lương y Bùi Đắc Sáng, phun thuốc trừ sâu cho rau củ quả là điều nằm trong giới hạn cho phép. Điều đáng lo ngại là, sau khi phun, người sản xuất không tuân thủ thời gian cách ly theo đúng quy định nên dẫn đến tồn dư. Đối với dưa hấu cũng không ngoại lệ. Vì vậy, để ăn dưa hấu an toàn bạn nên chọn quả dưa theo cách sau:
Dưa hấu là quả phù hợp với mọi người. Ảnh minh họa.
- Nên chọn quả còn tươi, nguyên vẹn, màu sắc tự nhiên, cảm giác quả phải nặng tay, chắc.
- Chọn quả dưa hấu có vỏ mịn, màu tươi sáng và không có dấu vết nát hoặc mục.
- Gõ nhẹ vào vỏ quả. Nếu quả tạo ra âm thanh trống thì đó là dấu hiệu của quả dưa hấu chín già.
Lương y Bùi Đắc Sáng cũng lưu ý rằng, dù dưa hấu có lượng đường thấp phù hợp với người bệnh tiểu đường nhưng tốt nhất người bệnh nên ăn một vài miếng nhỏ thay vì ép nước. Bởi vì, ép dưa hấu sẽ loại bỏ chất xơ, khiến cơ thể hấp thụ đường dễ dàng hơn. Uống nhiều nước ép dưa hấu dễ làm tăng đường trong máu.
Với những người bình thường thì chỉ nên ăn dưa hấu vừa đủ, không nên quá lạm dụng.