Ở Sài Gòn có một tiệm sửa xe kỳ lạ, khách muốn trả bao nhiêu cũng được, ông chủ mở cửa xuyên đêm, tự bơm miễn phí

Google News

Gần 10 năm qua, ông Võ Thanh Vinh tình nguyện bơm vá, sửa xe miễn phí cho học sinh, sinh viên, người khuyết tật và lao động nghèo. Công việc thầm lặng của ông Vinh đã trở thành hình ảnh đẹp trong lòng người dân Sài Gòn.

Gần một thập kỷ sửa xe miễn phí

Người dân sống xung quanh khu vực đường Âu Cơ (phường Tân Thành, quận Tân Phú) có lẽ đã quen thuộc với ông Vinh (60 tuổi), chủ tiệm sửa xe "có tiền cũng vá, không tiền cũng vá".  Mặc dù công việc lấy công làm lãi nhưng ông Vinh vẫn dành tấm lòng thảo thơm cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Tấm bảng "Tự bơm miễn phí. Không tiền cũng vá - Gọi đừng ngại" của ông khiến nhiều người nhìn thấy không khỏi xúc động.

Tiệm sửa xe của ông luôn sáng đèn 24/24 giờ để chờ khách.

Tiệm sửa xe của ông Vinh nhỏ, rộng đâu đó tầm 30 mét vuông, chất ngổn ngang phụ tùng, vỏ xe, ruột xe,… là điểm dừng chân “cứu cánh” của nhiều lữ khách giữa đường hỏng xe. Lo lắng khách ngại gọi sửa xe lúc đêm khuya, ông Vinh làm mấy tấm biển lớn phía trước tiệm, tấm nào cũng đề lên hai chữ “đừng ngại” để những người không có tiền mạnh dạn đẩy xe vào tiệm. 

“Lúc nào đi ngủ tôi cũng để điện sáng và mở hé cửa, đồ đạc hay phụ tùng gì cũng để nguyên, không dọn vào, để người ta có hư xe thì cứ vào gọi tôi dậy sửa”, ông Vinh hào sảng kể.

Chia sẻ về lí do sửa xe miễn phí cho những người khó khăn, ông Vinh cho biết, đoạn đường Âu Cơ đông người qua lại, không ít lần ông chứng kiến cảnh người lao động làm về khuya, xe hỏng mà quên mang theo tiền hoặc không có tiền phải dắt bộ. Chẳng đành lòng, ông Vinh quyết định dựng bảng "Tìm bạn không dính vào tiền. Cho vay mất bạn, cho nợ mất khách. Đòi suốt thì ngại, để lâu thì quên. Vui lòng không nợ, không tiền cũng vá. Đừng ngại!” để mọi người chủ động ghé vào tiệm.

Tấm biển ông Vinh treo khoảng 10 năm nay để mọi người thoải mái đẩy xe vào tiệm.

Xe hư nặng thì ông sửa, khách muốn trả bao nhiêu thì trả, không có tiền thì ông sửa miễn phí. Ông để sẵn chiếc máy bơm bên ngoài, khách nào cần bơm thì tự động đến bơm. Lâu dần, cứ hễ thấy ai hỏng xe trên đoạn đường này thì bà con lại chỉ đến tiệm ông Vinh.

Thú vị ở chỗ, tiệm sửa xe ngày và đêm của ông Vinh được nhiều người dân xung quanh gọi vui là "tiệm sửa xe không nghỉ", bởi vì tiệm mở cửa 24/24. Bất kể trời nắng hay trời mưa, dù là ngày hay đêm, ngày bình thường hay lễ, Tết, ông Vinh đều túc trực tại cửa tiệm, sẵn sàng giúp đỡ bất kỳ vị khách nào ghé tiệm, để họ không lỡ đường về nhà. 

Tiền bạc sao quý bằng tình người, thu phí bằng "nụ cười" cảm ơn 

Đi lên từ hai bàn tay trắng, thấm nỗi nhọc nhằn của cảnh nghèo nên ông Vinh càng muốn san sẻ với mọi người xung quanh. Do đó, dù chẳng kiếm được đồng nào nhưng ông vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng giúp đỡ khi có người tìm đến nhờ vả. Thậm chí, dù quãng đường từ nhà đến cửa tiệm chỉ vỏn vẹn trong 15 phút nhưng mỗi năm người đàn ông này cũng chỉ về thăm nhà ít ỏi, mỗi lần lại nhà cũng chẳng dám ở lâu vì sợ ở tiệm có người chờ.

Cũng vì lý do đơn giản đó, mà dù đã bước sang tuổi 60, ông Vinh chưa từng có ý định gỡ bỏ tấm biển sửa xe miễn phí hay đóng cửa tiệm, trở về nhà an hưởng tuổi già. “Khi nào tôi không thể đi đứng, không đủ sức để làm nữa thì tôi mới nghỉ. Chứ còn khỏe thì tôi vẫn làm, sức tôi có bao nhiêu thì tôi làm bấy nhiêu”, ông khẳng định.

Tiệm của ông Vinh là điểm sửa xe "ruột" của nhiều người giao hàng.

Cặm cụi bao năm trong tiệm sửa xe nhỏ, ông Vinh đã giúp biết bao người không may lỡ đường về nhà. Thế nhưng, khi có người ngỏ lời giúp đỡ mở rộng tiệm sửa xe hay gây quỹ để ông có thêm chi phí mua phụ tùng thì ông Vinh chỉ cười: “Tôi có làm gì nhiều đâu. Tôi có sẵn thì tôi giúp huống chi giúp được họ tôi cũng thấy vui, thấy nhẹ lòng. Tiền bạc thì cũng quý, nhưng chỉ lo kiếm đồng tiền mà không chia sẻ thì cũng chẳng có gì cả. Tiền bạc sao quý bằng tình người!”.

Với người đàn ông này, giúp đỡ mọi người là niềm vui, việc tốt xuất phát từ tâm, ông không kêu gọi từ thiện và cũng không muốn nhận sự giúp đỡ của ai. Bởi ông cho rằng, việc làm của mình chỉ đơn giản là một cách chia sẻ và lan tỏa yêu thương. Giúp đỡ người khó khăn cũng là cách để sống một cuộc đời ý nghĩa cùng  trọn vẹn. 

Ở Sài Gòn, một tiệm sửa xe nho nhỏ, nhưng bất kỳ ai ghé qua đều không thể quên. Không phải chỉ vì tay nghề, mà còn vì tấm lòng sẵn sàng giúp đỡ chẳng mong đền đáp của chủ tiệm. Một việc làm quá đỗi ý nghĩa đi qua một "cái dạ" tốt lại biến thành chuyện rất đỗi bình thường giữa những con người xa lạ với nhau. 

Khập khễnh với cái chân tật nguyền bẩm sinh, ông Vinh vừa làm việc nuôi thân vừa miệt mài giúp đời. Áo ông lúc nào cũng lấm lem dầu nhớt nhưng tấm lòng luôn sáng trong và nụ cười trên môi chưa bao giờ tắt.

AN THANH

Bình luận(0)