Nuôi loài vật “đột biến”, hót cả ngày không biết mệt, anh nông dân miền Tây thu lãi 3 tỉ đồng/năm

Google News

Không tốn nhiều công chăm sóc, nguồn thức ăn dồi dào lại thỏa mãn đam mê về chim cảnh, mô hình nuôi chào mào đột biến hiện đang rất tiềm năng, cho người dân thu nhập lên tới hàng tỉ đồng mỗi năm.

Chim chào mào đột biến chủ yếu là giống bạch tạng, có vẻ ngoài rất đặc trưng với bộ lông màu trắng muốt bao trùm cơ thể, còn phần chân, mắt, mỏ có màu hồng nhạt. Những đặc điểm này giúp chim bạch tạng có một vẻ đẹp bắt mắt, sang trọng và đầy thu hút. Đây thực chất là kết quả của đột biến nhiễm sắc thể khiến loài chào mào này có màu trắng toàn thân. Ngoài ra, chúng còn có nhiều màu sắc trong quá trình lai tạo như xám, trắng xám, xám nhạt,...

Chào mào bạch tạng có ngoại hình cực đẹp.

Về tính cách, chim chào mào đột biến khá mạnh mẽ, hoạt bát và có thể hót cả ngày mà không biết mệt. Thuần chim chào mào đột biến cũng giống như nhiều loài chim khác, cần phải trải qua một quá trình dài và đòi hỏi người nuôi phải có sự kiên nhẫn. 

Cách nuôi chim chào mào đột biến tốt không thể nào bỏ qua chế độ dinh dưỡng, sẽ giúp chim khỏe mạnh, linh hoạt, hót hay và siêng hót. Nguồn thức ăn của loài vật này khá phong phú, từ các loại trái cây đến mồi tươi và cám, rất dễ tìm trong tự nhiên. 

Hiện nay, tỷ lệ đột biến nhiễm sắc thể ở loài chim chào mào rất ít, do đó số lượng của chim đột biến là hiếm có khó tìm. Cũng chính vì vậy mà giá trị của chúng rất cao, những con chim chào mào đột biến thường có giá bán từ vài chục triệu cho tới hàng trăm triệu đồng/con. Đây là thú cưng được nhiều đại gia và những người chơi chim chuyên nghiệp yêu thích, có thể nuôi để làm cảnh, giải trí hay đi thi đấu giọng hót. 

Mô hình nuôi chào mào bạch tạng đang phổ biến.

Nhận thấy việc nuôi chim chào mào đột biến không quá khó, lại cho doanh thu cao, nhiều người nông dân đã áp dụng mô hình kinh doanh này để làm giàu, cũng là thỏa mãn niềm đam mê với chim cảnh, đặc biệt là giống chào mào quý hiếm. 

Anh Trần Hữu Vinh (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) vốn là kỹ sư xây dựng có công việc ổn định với mức lương cao ở TP.HCM, nhưng lại quyết định về quê trở thành nông dân, nuôi chim cảnh vừa để thỏa mãn đam mê vừa phát triển kinh tế. 

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2019, khi anh Vinh tình cờ tiếp xúc với chim chào mào đột biến. Bị mê đắm bởi vẻ đẹp và tiếng hót của con vật này, anh Vinh đã dồn hết 600 triệu đồng tiết kiệm để mua 20 con chim giống về nuôi. 

Anh Vinh đã thành công với mô hình nuôi chào mào đột biến.

Sau 3 năm, nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, anh Vinh đã lai tạo giống thành công. Hiện nay, anh Vinh sở hữu hàng trăm chú chim chào mào đột biến thuộc nhiều loài khác nhau như chào mào bạch tạng, xám trắng, xám nhạt, chào mào Indo, Indo lai bạch tạng,… tất cả đều thuộc hàng quý hiếm. Tổng giá trị trại chim của anh được định giá hơn 7 tỉ đồng.

Theo anh Vinh, chim chào mào đột biến tại trang trại của anh hiện có giá từ 15 - 200 triệu đồng/con. Từ việc bán chim giống, chim con, anh có doanh thu trên 3 tỉ đồng/năm. Sắp tới, anh Vinh sẽ mở rộng quy mô, liên kết mở các trại nhỏ khắp cả nước để nuôi và cung cấp chim chào mào đột biến chất lượng cao.

Bên cạnh đó, còn có anh Trần Thanh Tùng (xã Thăng Long, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) cũng quyết định trở về quê hương sau khi tốt nghiệp cao đẳng ở thành phố để gắn bó với nghề nuôi chim chào mào đột biến.

Năm 2018, khi mới là sinh viên năm thứ hai, ý tưởng về một trang trại chuyên nuôi chim đã hình thành trong đầu anh Tùng bởi niềm đam mê chim cảnh. Từ năm 2020, anh Tùng bắt đầu thực hiện nuôi chim chào mào đột biến và cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn. 

Vừa mua bán chim bố mẹ, anh Tùng vừa tập trung nuôi chim sinh sản.

Thời gian đầu bắt tay vào làm do chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế trong việc nuôi chim sinh sản cùng với áp lực từ gia đình, nên anh liên tục thất bại. Các lứa chim không được nhân giống, số tiền thiệt hại lên tới 500 triệu đồng.

Tuy nhiên, anh Tùng không nản chí mà quyết tâm theo đuổi đam mê và lấy lại số tiền đã mất. Anh vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm của những người cùng sở thích và thật may mắn, anh đã nhân giống thành công loài chim chào mào quý hiếm. 

Hiện nay, anh Tùng đã có trại nuôi chào mào với diện tích 100m2, xây dựng 45 lồng lớn nuôi chim sinh sản. Thanh Tùng cho biết, trong trại chim, chào mào bạch tạng có chân chì, mỏ chì là giống chim giá thành cao nhất, khoảng 350 - 400 triệu đồng/cặp trưởng thành.

Đến nay, anh đã bán được khoảng 200 cặp chim sinh sản, thu về hơn 4 tỷ đồng. Với số lượng chim bố mẹ đang có, mỗi năm anh có thể xuất bán trên 500 con chim 10 ngày tuổi cho khách ở khắp các tỉnh, thành phố. Trại nuôi chào mào đột biến của anh Tùng đã đem lại nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm. 

Trong khi đó, anh Nguyễn Việt Hùng (thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) đã đam mê chơi chim, đặc biệt là chim chào mào từ khi còn học lớp 6. Thời sinh viên, anh đã kiếm thêm thu nhập bằng cách nuôi chim cảnh để trang trải sinh hoạt phí. 

Anh Hùng có thu nhập tốt nhờ nuôi chào mào đột biến.

Năm 2021, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Hùng quyết định trở về địa phương lập nghiệp bằng mô hình nuôi chim chào mào đột biến. Anh xây dựng một khu nuôi chim cảnh để tiếp tục theo đuổi đam mê dựa trên kinh nghiệm và những mối làm ăn từ thời sinh viên. 

Hiện nay, anh đang nuôi hơn 10 con chim chào mào đột biến, trung bình mỗi con có giá từ 35 - 120 triệu đồng. Những lứa chim này sẽ được lai tạo, sinh sản ra đàn chim con, nuôi lớn và đem bán hoặc để nhân giống tiếp.

Theo anh Hùng, mỗi tháng anh bán cả chim con và chim trưởng thành, cho thu nhập tới 400 triệu đồng, trừ hết chi phí, anh lãi gần 300 triệu đồng. Khách hàng của anh Hùng ở khắp cả nước, chủ yếu xem, tìm hiểu qua mạng xã hội rồi đến mua.

Có thể thấy, nuôi chim chào mào đột biến là mô hình kinh doanh rất có tiềm năng. Tuy nhiên, để đạt được thành quả, người nuôi phải có niềm đam mê, kiến thức, chịu khó đầu tư và học hỏi kinh nghiệm, như vậy sẽ cho doanh thu lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm. 

THẢO ANH

Bình luận(0)