Người phụ nữ giàu thứ 2 thiên hạ được ví như "Phú gia địch quốc"
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam có nhiều người giàu có nổi tiếng với khối tài sản khổng lồ. Trong đó, người giàu thứ 2 được ví như “Phú gia địch quốc” được nhắc đến trong những câu thơ: “Thứ nhất cô Đỏ Thanh Hoa/Thứ nhì Bổi Lạng/Thứ ba Thạch Sùng", đó chính là nữ doanh nhân Bổi Lạng.
Theo dấu tích được ghi lại, bà Bổi Lạng sinh giữa thế kỷ XVII, tại làng Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng (nay là xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương). Thuở nhỏ bà có tên là Thuyết, khi trưởng thành đổi tên là Trị. Xuất thân trong gia đình nghèo khó, bố mất sớm nhưng bà là người chịu thương, chịu khó. Ngoài 20 tuổi, bà kết hôn với ông Sái Đắc Lộc, quê ở Hà Tĩnh.
Bà được chúa Trịnh phong là “Phú gia địch quốc” (Ảnh minh họa)
Xung quanh cuộc đời của bà có nhiều câu chuyện ly kỳ được lưu truyền trong dân gian. Riêng chuyện bà trở nên giàu có đã có nhiều dị bản. Theo đó, thuở hàn vi, bà thường ra sông mò hến bán. Một buổi chiều, trong lúc mò hến, bà tìm được rất nhiều vàng bạc, châu báu. Bà mang về nhà lấy vốn làm ăn. Nhiều người lý giải, vào cuối thế kỷ XVI, quân Lê - Trịnh và nhà Mạc đã có trận chiến ở khúc sông xã Bình Lãng. Thuyền chở vàng bạc của quân nhà Lê - Trịnh bị đắm rơi hết xuống sông.
Năm Quý Mùi (1703), thóc như ngọc quý, bà lấy của tích lũy được mua ruộng ở các nơi. Có ruộng, bà còn chăn nuôi gia súc. Với sự cần cù, chăm chỉ và kinh doanh giỏi, bà Bổi Lạng nhanh chóng trở nên giàu có. Bà sở hữu hàng nghìn mẫu ruộng, hàng vạn xâu tiền, thóc lúa và gia súc nhiều vô kể.
Không chỉ giàu có, bà còn nổi tiếng giàu lòng nhân đức. Phía trước nhà bà có nhánh sông, muốn giúp đỡ kẻ khó, bà bảo họ ra đó mò cua, bắt hến bán cho bà. Khi ốc hến cạn kiệt, họ mò cả sỏi về bán song bà vẫn mua. Người ta đồn bà Bổi nhìn sỏi ra vàng. Từ đó khúc sông được gọi là sông Vàng.
Một lần qua bến Vạn thuộc làng La Tỉnh, thấy cây cầu đã đổ nát, người qua sông phải lội, bà liền cho đóng 2 con thuyền, lại sai Phạm Cân và Đỗ Văn Ha là người bản xã lái đò miễn phí cho dân. Bà còn cho mỗi người 5 mẫu ruộng để lấy lộc điền sinh sống. Bà còn bỏ tiền công đức bắc trên 30 cây cầu đá cho dân trong huyện Tứ Kỳ.
Sự giàu có và những việc thiện của doanh nhân Bổi Lạng nhanh chóng truyền đã đến tai chúa Trịnh Sâm. Để tìm hiểu thực hư, chúa đã dẫn quan quân đi đường thủy về Bình Lãng. Đến đoạn sông quê bà, thấy bụi bay mù mịt, vua sai người đi tìm hiểu thì được biết bụi bay là do người làm trong nhà bà Bổi Lạng xay giã gạo.
Bà Bổi Lạng thấy mình phận nhỏ ở chốn thôn quê mà lại được chúa đến thăm bèn xin phép khao quân 3 ngày để tỏ lòng biết ơn. Được chúa đồng ý, bà liền sai gia nhân làm trên trăm mâm cỗ thịnh soạn và dặn trước, quan quân ăn xong không phải rửa bát đĩa, có thể đập mua vui. Suốt 3 ngày tiệc tùng linh đình như thế, nhà chúa bái phục nên phong cho bà “Phú gia địch quốc” (người giàu có nhất thiên hạ) hay “Thạc nhân” (người đàn bà vĩ đại).
Chứng tích còn theo năm tháng
Bà Bổi Lạng mất ngày 27/9/1721, năm Tân Sửu. Lăng mộ của bà ở cánh đồng Vông, thôn Đông Phong (xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương). Khu lăng mộ nằm trên một gò đất khá bằng phẳng rộng gần một sào ở cánh đồng thôn Đông, 2 bên có 2 cây bàng.
Phía trước lăng mộ là đôi nghê đá ngồi chầu được chạm khắc tinh xảo. Phía sau là một sập đá lớn. Sau sập đá là lăng đá 2 tầng 8 mái được ghép bằng các phiến đá xanh lớn. Phần lăng được tạo tác công phu, chạm các ô hộc, chữ Vạn, tản vân. Bên trên tầng 2 là mái úp chạm hoa sen.
Khu lăng mộ bà Bổi Lạng có diện tích nhỏ hẹp ở cánh đồng Vông (Ảnh: Báo Hải Dương)
Công trình toát lên sự cổ kính, độc đáo và gần như còn nguyên vẹn hình dáng nguyên sơ ngoại trừ một vài phần bị hư hại. Bên trái lăng là bia đá hình tứ trụ có niên đại Vĩnh Thịnh thập lục niên (1720) có ghi chữ Nho ghi về cuộc đời của nữ doanh nhân Bổi Lạng, bản phân chia tài sản cho các con nuôi, công đức ruộng cho các làng, xã để lo việc thờ cúng cho gia đình mình.
Cùng với khu lăng mộ, ở Tứ Kỳ còn rất nhiều cây cầu đá mà ngày nay người dân vẫn gọi là cầu đá bà Bổi. Theo đó, trong cuộc đời bà Bổi Lạng đã công đức xây dựng cho nhân dân trong vùng 36 cây cầu đá. Trên mỗi cây cầu này đều có chạm một bàn chân.
Cận cảnh phần mái lăng mộ
Theo thống kê, hiện nay huyện Tứ Kỳ còn lại 18 cầu đá, bia ký bắc cầu đã thất lạc chỉ còn lại những câu chuyện lưu truyền trong dân gian. Trong đó có cầu đá Mốt tại thôn Mũ, xã Phượng Kỳ, bắc trên đồng làng ra chùa Khánh Linh được nhân dân gọi là cầu bà Bổi. Cùng với hệ thống cầu đá, hiện nay bến đò Vạn, nơi bà đóng đò chở miễn phí cho dân qua lại vẫn là nơi thuyền bè neo đậu.