Nữ bác sĩ sống sót trong vụ cháy chung cư mini vẫn ám ảnh về vụ hỏa hoạn kinh hoàng

Google News

Hiện bác sĩ Vũ Thị Nhung đã đi làm trở lại, sức khỏe cũng bình thường nhưng chị không thể nào quên đêm xảy ra vụ cháy kinh hoàng ở chung cư mini Khương Hạ hơn 9 tháng trước.

Bác sĩ có kiến thức về phòng cháy, chữa cháy vẫn bị ngạt khói

Bác sĩ Vũ Thị Nhung (40 tuổi), hiện công tác tại Trung tâm Giải phẫu bệnh - Tế bào học, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Trước đó, gia đình chị ở tại chung cư mini Khương Hạ. Chung cư này từng xảy ra vụ cháy nghiêm trọng vào đêm 12/9/2023, khiến nhiều người chết và bị thương. Bác sĩ Nhung là một trong những nạn nhân rất nặng của vụ cháy này. 

Ngày 25/5, trao đổi với Báo VietNamNet, bác sĩ Nhung cho biết, hiện sức khỏe của chị đã bình thường và chị đã đi làm việc trở lại tại bệnh viện. Vợ chồng chị gửi con ở quê và thuê căn nhà nhỏ trên phố Chùa Bộc (Đống Đa) để ở.

Bác sĩ Vũ Thị Nhung đang làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BSCC.

Đến hôm nay, bác sĩ Nhung vẫn không thể quên được vụ hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra tại khu chung cư mini ngõ 59 Khương Hạ. Bác sĩ Nhung kể, 11 giờ đêm xảy ra vụ cháy, hai vợ chồng chị định đi ngủ thì thấy tiếng nói ầm ầm dưới nhà. Khi mở cửa ra xem, khói bốc lên nghi ngút, khiến chị và chồng hoảng hồn.

“Hai vợ chồng vội lấy khăn ướt bịt mũi, dùng khẩu trang thấm nước đeo vào rồi giục em gái để cả nhà đi lên phía sân thượng. Nhưng vừa ra đến cầu thang, tối om, khói mù mịt, mình và em gái tụt lại phía sau nên lại quay về nhà. Chồng mình đi trước đó vài bước lên được tầng 7, vào một căn hộ khác, tất cả mọi người đều ổn", bác sĩ Nhung nhớ lại.

Còn chị khi về phòng đã bắt em gái bịt mũi, miệng bằng khăn ướt, còn mình di chuyển kiếm khăn, nước để che các khe cửa. "Vì đi lại nhiều, rồi chui vào nhà vệ sinh lấy nước nên sau đó tôi lịm đi, khi cứu hộ xuất hiện, tôi cảm nhận được những giọt nước cứu hỏa rơi vào mặt, nhưng cứ lịm dần, khi tỉnh dậy thấy mình trong bệnh viện", bác sĩ Nhung chia sẻ.

Bác sĩ Nhung cho biết, vụ cháy nhà trọ tại Trung Kính ngày 24/5 khiến bác sĩ Nhung cảm giác xót xa khi sự việc giống hệt với hoàn cảnh của chị hơn 9 tháng trước. “Các nạn nhân cố gắng tìm cơ hội sinh tồn nhưng quá khó vì khói rất độc. Khói xộc thẳng vào mũi, miệng và nạn nhân có thể chết sau vài phút, ít người trụ được”, bác sĩ Nhung tâm sự. Chị cũng khẳng định, dù bản thân có kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, được tập huấn nhưng vẫn gục ngã vì khói độc.

Bác sĩ Nhung khi đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC.

Ho ra máu, phải tập thở vì ngộ độc khí CO

Báo Sức khỏe Đời sống từng thông tin, khi được đưa đến bệnh viện, bác sĩ Nhung rơi vào sốc, hôn mê do ngạt khói, suy hô hấp, suy đa tạng do nhiễm khí độc, viêm phổi, nhiễm toan nặng... tình trạng rất nguy cấp. Các bác sĩ phải hội chẩn liên tục để cứu chữa đồng nghiệp, nhưng có lúc tưởng như bác sĩ Nhung không qua khỏi. Sau đó, nhờ sự cố gắng hết sức của các y bác sĩ, bác sĩ Nhung đã dần hồi tỉnh, tiến triển tích cực và đã có phản xạ, nhận biết được mình đang được cấp cứu tại bệnh viện nơi bản thân công tác.

"Lúc này biết được tin cả gia đình không sao, tôi thấy vững vàng hơn, yên tâm điều trị vì người thân của mình an toàn rồi thì mình phải cố gắng vươn lên, không thể bỏ cuộc…", nữ bác sĩ chia sẻ.

Tuy nhiên do phổi bị tổn thương nặng lại trải qua quá trình điều trị dài khiến bệnh nhân rất khó khăn trong ăn uống và tập luyện. Chị nói: "Có lúc uống được một hộp sữa mất 30 phút không xong, nhiều đêm 2-3h sáng phải nén đau để nhấp uống từng tí một. Dần dần tình trạng cải thiện tốt hơn, tôi ăn được cháo lỏng, súp, đồ ăn nhuyễn… cố gắng cho đến ngày được ra viện về với chồng con, gia đình”, bác sĩ Nhung chia sẻ.

Bác sĩ Nhung cho biết, những ngày đầu hồi tỉnh, chị đối diện với cơn ho ra máu, mạt khói, đờm đen kịt, miệng lưỡi lở vì ngộ độc CO. Với khát khao sống, mong được gặp con, chị đã cố gắng vượt qua. Một tháng sau, chị Nhung ra viện, sức khỏe hồi phục được 90%.

 “Trước khi tôi ra viện, các đồng nghiệp ở Trung tâm Phục hồi chức năng đã hướng dẫn tôi tập thở, phục hồi thanh quản. Thời gian đầu, tôi tập chăm chỉ nhưng gần đây bận rộn nên ít rèn luyện hơn. Sắp tới, tôi sẽ đi tập yoga. Thỉnh thoảng thời tiết thay đổi, tôi bị khó chịu ở cơ quan hô hấp trên nhưng phiền toái này không là gì khi mình được sống”, nữ bác sĩ trải lòng.

Bác sĩ Nhung cho biết, rất xót thương các nạn nhân trong vụ cháy nhà ở Trung Kính (Hà Nội). Ảnh minh họa.

Từng phải điều trị hiếm muộn và u buồng trứng

Kết quả kiểm tra gần nhất cho thấy não của bác sĩ Nhung bình thường, không có di chứng thần kinh sau ngạt khói CO. Trường hợp của chị được đánh giá là kỳ tích trong cấp cứu nạn nhân ngạt CO do cháy.

Phó giáo sư Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, bác sĩ Nhung có hoàn cảnh đặc biệt. Trước khi vụ tai nạn bất ngờ xảy ra vợ chồng bác sĩ Nhung phải nhiều năm chạy chữa vô sinh khiến kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Con đầu lòng của chị đã qua đời khi được 6 tháng tuổi do mắc phải căn bệnh ác tính. Sau đó, chị Nhung rất khó mang thai vì vô sinh thứ phát. 

Năm 2017, bác sĩ Nhung phải phẫu thuật cắt bỏ 1/2 buồng trứng với chẩn đoán u quái. Sau thời gian dài vợ chồng chạy chữa hiếm muộn, đến năm 37 tuổi, chị Nhung mới sinh thêm được bé thứ hai. Hiện bé được 2 tuổi, may mắn, cách đây không lâu, bé đã được đưa về quê với ông bà nên thoát khỏi vụ cháy.

Phó giáo sư Đào Xuân Cơ cho biết thời điểm bác sĩ Nhung điều trị sau vụ cháy, Bệnh viện Bạch Mai đã vận động hơn 4.000 cán bộ viên chức, công đoàn ngành y tế và đồng nghiệp các bệnh viện khác được gần 1,4 tỷ đồng ủng hộ nữ bác sĩ.

DIỆU THUẦN

Bình luận(0)