1. Tĩnh lặng
Có câu: “Người có thể thường xuyên giữ được tâm hồn thanh tịnh thì sức mạnh của trời đất sẽ quy tụ về”.
Khi một người giữ được sự bình an nội tâm thì sức mạnh của trời đất mới có thể hội tụ vào cuộc sống. Nhiều khi, chúng ta cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, thường là do tâm hồn quá rối loạn, không thể bình tĩnh mà suy nghĩ để tìm ra cách giải quyết vấn đề.
Tĩnh lặng là một loại thịnh vượng, là tư thế ung dung, bình tĩnh nhất của một người. Khi tĩnh tâm, ta có thể quên đi những phiền nhiễu của thế giới bên ngoài, từ từ cảm nhận ý nghĩa sâu sắc của cuộc sống. Khi tĩnh tâm, ta ngừng tiêu hao năng lượng nội tâm, ngừng hoang mang, ngừng bối rối, lặng lẽ tu dưỡng bản thân, làm những việc mình có thể và nên làm. Sau đó, cứ tự nhiên, trong sáng và chờ đợi những điều tốt đẹp đến.
Dù có chậm lại một chút cũng không sao, chỉ cần chúng ta có thể tĩnh tâm suy nghĩ, toàn tâm toàn ý làm việc, chắc chắn sẽ tìm thấy hướng đi, tìm được câu trả lời và có được sự bình yên giữa những khó khăn và bối rối.
2. Bình tĩnh
Có câu tục ngữ nói rằng: “Tâm tĩnh có thể chữa được ba ngàn bệnh, tâm tĩnh có thể hiểu được vạn vật”.
Bình tĩnh ở đây có nghĩa là giữ tâm hồn yên ổn, không vội vàng, không thiếu kiên nhẫn. Bình tĩnh là tâm thái điềm tĩnh, chấp nhận mọi việc xảy ra, hòa hợp với mọi thứ, không so đo tính toán, thong thả ngắm nhìn dòng chảy của thời gian.
Cuộc sống, ai cũng có lúc gặp phải những điều không như ý, những nỗ lực không được đền đáp. Bạn càng quan tâm đến điều gì thì càng dễ bị điều đó khiến mình trở nên khổ sở. Khi bạn bình tĩnh, cởi mở và lạc quan hơn, thế giới xung quanh bạn có thể sẽ thay đổi.
Lúc thành công thì tiếp tục cố gắng, lúc thất bại thì tĩnh tâm tu dưỡng bản thân. Những người giữ được bình tĩnh thường dễ thành công hơn, những người giữ được bình tĩnh thường có kết quả tốt hơn.
Khi bạn càng mong muốn một kết quả nhất định thì thường càng khó đạt được. Ngược lại, nếu bạn giữ một tâm hồn bình thản, biết thuận theo tự nhiên, thích nghi với mọi hoàn cảnh, làm tốt những việc trước mắt, mọi việc sẽ mở ra những điều bất ngờ.
3. Nhẫn nhịn
"Binh pháp Tôn Tử" dạy rằng: "Thế giới chỉ có hai chữ: nhẫn và quyết liệt. Việc nhỏ cần nhẫn, việc lớn cần quyết liệt; đối nhân xử thế cần nhẫn, đối với bản thân cần quyết liệt; khi chưa có thực lực thì cần nhẫn, khi đã có thực lực thì cần quyết liệt; trong tình cảm cần nhẫn, trong lợi ích cần quyết liệt".
Những người khôn ngoan, thành công đều rất giỏi nhẫn nhịn. Càng nhẫn nhịn thì càng dễ nhìn thấu bản chất của sự việc, càng dễ dàng đạt được sự bình yên trong tâm hồn và cuộc sống mà mình mong muốn.
Nhẫn nhịn sự cô đơn, tập trung vào sự trưởng thành. Nhẫn nhịn cơn giận dữ, tránh gây thêm rắc rối. Nhẫn nhịn sự đắc ý, không để thành công nhất thời làm choáng ngợp. Nhẫn nhịn sự bồng bột và âm thầm tôi luyện năng lực. Như câu nói: "Có thể nhẫn nhịn những điều mà người khác không thể nhẫn nhịn, mới có thể làm được những việc mà người khác không thể làm được".
Nhẫn nhịn không phải hèn nhát mà là sự tính toán kỹ lưỡng, đúng như câu nói "nhẫn một chút để thành đại sự". Những người giỏi nhẫn nhịn thường có tầm nhìn xa, dễ thành công hơn, không so đo tính toán thiệt hơn, dễ dàng mở ra những cảnh đẹp trên đường đời.
4. Nhượng bộ
Nhượng bộ không phải đầu hàng mà là sự rộng lượng, không phải là yếu đuối mà là sự khôn ngoan. Nhượng bộ có thể khiến bạn cảm thấy thiệt thòi, nhưng đồng thời cũng mang lại cho bạn nhiều lợi ích.
Trước mặt bạn bè, nhường nhịn một chút, tình bạn sẽ bền chặt hơn. Trước mặt nửa kia, nhường nhịn một chút, tình cảm sẽ thêm sâu sắc. Trước gia đình, nhường nhịn để các thành viên hòa thuận hơn. Trước mặt đồng nghiệp, nhượng bộ giúp công việc thêm nhẹ nhàng.
Cuộc sống không phải là chiến trường, chỉ cần không vi phạm nguyên tắc và giới hạn, có thể thì hãy nhượng bộ. Đó là phong thái, là sự giáo dưỡng, là sự tôn trọng, là tầm nhìn. Người biết nhượng bộ mới là người khôn ngoan trong cuộc sống, người biết nhượng bộ mới làngười chiến thắng thực sự.
Nhượng bộ một chút, mọi chuyện sẽ qua đi; chuyện lớn hôm nay, ngày mai sẽ trở thành chuyện nhỏ. Cuộc sống biết nhượng bộ sẽ có ít phiền muộn hơn, tăng thêm niềm vui, khiến một người trở nên khiêm tốn và ấm áp, ai cũng muốn đến gần, ai cũng muốn khen ngợi!
5. Bình thản
Cuộc đời có lúc được lúc mất, tình cảm có lúc hợp lúc tan, nếu có thể xem nhẹ mọi thứ, thế giới sẽ trở nên yên bình. Bình thản là một tâm thái, một sự tu dưỡng, một cảnh giới.
Hãy học cách xem nhẹ mọi thứ, đừng dễ dàng nổi nóng. Hãy bao dung hơn, trách móc ít đi, đừng để những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống làm phiền lòng mình. Hãy làm việc chăm chỉ và sống đơn giản.
Khi gặp khó khăn, hãy bình thản mà đối mặt; gặp phải thử thách, hãy đối mặt với thái độ bình thản nhất. Khi thực sự có thể làm được điều đó, bạn sẽ thấy bầu trời thật rộng lớn, cuộc sống thật tươi đẹp.
Ngay cả khi đối mặt với kẻ thù, bạn cũng nên bình thản; nở một nụ cười khi gặp khó khăn. Nhìn hoa nở rồi tàn, nhìn trăng tròn rồi khuyết, nhìn thế giới với một nụ cười và đối xử ấm áp với người khác.
Dù cuộc đời có ra sao, hãy giữ một tâm hồn trong sáng và tự nhiên, thanh thản như ánh trăng, yên tĩnh như hoa sen, đứng thẳng giữa đời, chôn vùi những phiền muộn. Ở đời, không cần phải quá rực rỡ, đơn giản là đủ!