Miền Tây có rất nhiều cặp đôi “đũa lệch”: vợ già – chồng trẻ với cuộc sống nghèo khó nhưng vẫn luôn kề vai nhau. Tình yêu của họ đã khiến không ít người trên mọi miền Tổ quốc ngưỡng mộ và thán phục, thậm chí còn giúp nhiều người có cái nhìn tích cực về hôn nhân cách biệt tuổi tác.
Mới đây, dư luận tiếp tục được phen ngỡ ngàng trước chuyện tình hơn 20 năm của cặp đôi “đũa lệch” ở Sóc Trăng. Theo đó, người vợ tên Lan (58 tuổi) – đầu đã 2 thứ tóc, sức khỏe yếu; còn chồng là anh Banh (38 tuổi) – hiện là trụ cột chính trong gia đình.
Mở đầu câu chuyện, cô Lan thổ lộ: “Chúng tôi là những mảnh vỡ, từng thất bại một lần trong hôn nhân. Cả hai thấu hiểu và trân trọng cuộc sống này lắm”.
Cách đây 30 năm, cô Lan lập gia đình với một người đàn ông trong vùng nhưng không có được hạnh phúc. Vì thế cô quyết định “đường ai nấy đi” với hy vọng giải thoát cho cả hai. Lúc ấy cô chẳng mảy may nghĩ đến chuyện đi thêm bước nữa vì cú sốc hôn nhân vẫn còn.
Cô Lan hơn chồng 20 tuổi.
Người phụ nữ Sóc Trăng làm đủ nghề để mưu sinh, nuôi bản thân, từ giúp việc nhà đến cắt lúa thuê cho người giàu trong xã. “Một lần, tôi đi cắt lúa cùng đám người ở Ngã Bảy (Hậu Giang), trong đó có nam thanh niên chỉ đáng tuổi cháu. Tôi để ý rất nhiều vì thấy hiền lành, chân chất và chịu mần như lúa của nhà.
Ban đầu tôi cứ ngỡ cậu ấy là trai làng mới lớn, theo đám người đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp cha mẹ trang trải cuộc sống. Sau tôi ngã ngửa khi biết cậu ấy có hoàn cảnh như tôi: từng đổ vỡ hôn nhân, không có con riêng”, cô Lan tâm sự.
Biết hoàn cảnh của anh Banh, cô Lan càng mến càng thương và có sự đồng cảm. Cô đã đem lòng yêu thương từ lúc nào không hay, song không dám thổ lộ. Cô sợ “nửa kia” từ chối tình cảm của mình, sợ người đời phán xét không hay. Vì thế cô cứ âm thầm quan tâm giống như người cô dành cho cháu trai.
“Người làm cùng biết tôi thương cậu ấy, cố tình gán ghép thành một đôi. Tôi từ chối vì cho rằng hơi trái với đạo làm người, xưa giờ làm gì có người phụ nữ lớn tuổi nên duyên với trai trẻ.
Hôm đó, cậu ấy hỏi tôi có thích cậu ấy không? Tôi không trả lời. Cậu ấy bảo im lặng là đồng ý. Thế là cả hai dọn về sống chung như vợ chồng đến tận bây giờ”, cô Lan nhớ lại.
Cặp đôi không có con, chấp nhận cuộc sống hiện tại.
Cô Lan trục trặc giấy tờ tùy thân nên không thể đi đăng ký kết hôn với anh Banh. Đó là điều trăn trở, nuối tiếc nhất cuộc đời cô. Vừa qua cô đã làm được căn cước công dân nhưng chẳng còn thiết tha chuyện đi đăng ký bởi sống với nhau 20 năm đã quá thấu hiếu, không thể rời xa.
“Nhiều người cứ nói phải đăng ký để có ràng buộc về pháp luật, “bó chân” cậu ấy không đi với người phụ nữ trẻ. Tôi chỉ cười cho qua, còn bản thân thấu hiểu rõ tình cảm của chồng dành cho mình.
Nếu cậu ấy là người bội tình sẽ chẳng sống với tôi lâu thế. Nhất là khi tôi bệnh tật, già yếu… chẳng mần ăn được gì mà vẫn ở bên chăm sóc tận tình như thế này.
Tôi có nói cậu ấy đi tìm người phụ nữ khác lấy làm vợ vì tương lai còn trẻ. Cậu từ chối, nguyện ở bên tôi đến hết cuộc đời này”, người phụ nữ 58 tuổi chia sẻ.
Nhắc đến chuyện vì sao không sinh con cho chồng trẻ, cô Lan thừa nhận đó là nỗi trăn trở thứ hai của cuộc đời. Cô từng có thai với anh Banh nhưng không thể giữ được vì sức khỏe yếu. Sau đó cô không thể mang thai dù bản thân rất khao khát có một đứa con.
“Tôi không có con cũng buồn tủi lắm. May mắn cậu ấy hiểu và chấp nhận hiện thực đó. Chúng tôi cứ động viên nhau cố gắng cho hôm nay, còn ngày mai ra sao sẽ tính sau.
Vừa rồi, tôi có nhận nuôi đứa cháu ngoại của chị gái để nhà cửa thêm tiếng cười trẻ thơ. Thằng bé chừng 8 tuổi, ngoan ngoãn và nghe lời tôi lắm”, cô Lan chia sẻ.
Ngày xưa cô Lan đi mót lúa sau máy gặt, đem về bán lấy tiền mua gạo mua cái ăn hằng ngày. Song cách đây 3 năm, cô ngã bệnh không thể lao động được đành ở nhà lo việc nội trợ. Còn anh Banh đi giữ vịt thuê cho người ta với mức lương chỉ vài triệu đồng/tháng.
Cuộc sống dù khốn khó nhưng cả hai hài lòng với tất cả. Họ vẫn cứ yêu thương và chăm sóc nhau như thuở đầu ở bên khiến hàng xóm không khỏi "ghen tị".