Có những dòng chia sẻ được một cư dân mạng đăng trên internet rằng:
"Tôi năm nay 30 tuổi, ngày càng chán ghét việc giao du. Cuối cùng cũng đã có thể chọn lấy cuộc sống mà mình muốn, điều kiện sống không hơn ai nhưng cũng không cần nhìn sắc mặt người khác mà sống".
Sau khi tiết kiệm được một số tiền tương đối, anh đã nghỉ việc. Mua một chiếc xe cũ còn sử dụng tốt, anh cùng 2 người bạn 4 chân của mình lái xe rong ruổi khắp đất nước. Cha mẹ anh đều có công việc ổn định, sau này sẽ có lương hưu, sức khỏe tốt nên anh cũng không cần lo lắng nhiều. Bản thân anh cũng tâm sự với cha mẹ về ý định không kết hôn và nhận được sự đồng tình của họ. Vì vậy, anh đã chọn sống theo cách mà mình thực sự thích.
"Khi còn đi làm, mỗi ngày tôi đều vật vã để giải quyết các mối quan hệ phức tạp", anh nói. Vốn là người không thích ồn ào, anh thường chỉ muốn sống một mình, hoặc uống trà với một vài người bạn có thể trò chuyện. Sau khi đưa ra quyết định này, anh nói rằng cuộc sống của mình tràn đầy hy vọng và sức sống. Loại tự do này, cảm giác không bị gò bó, không cần giả bộ ấy thật sự rất tuyệt.
Bạn có từng cảm giác như vậy không? Càng lớn càng ít thích giao du, không muốn kết nhiều bạn mới, lười đối phó với những mối quan hệ xã hội phức tạp và đạo đức giả, chỉ muốn giao du một cách đơn giản. Đa phần thời gian, bạn thích ở một mình, không thích môi trường ồn ào, cũng không thích ăn uống cùng nhiều người, chỉ thích cùng vài người bạn chung chí hướng cùng nhau thưởng thức.
Trên thực tế, những người thích một mình và tận hưởng khoảnh khắc một mình mới là những người thực sự hiểu cuộc sống của họ. Chính vì đã nhìn thấu bản chất của các tương tác xã hội nên họ không còn ép buộc bản thân hay sống là người khác.
Những người có chỉ số thông minh cao hơn thích ở một mình
Nghiên cứu tâm lý cho thấy những người có chỉ số IQ cao hơn thường thích ở một mình. Hòa đồng đối với những người có IQ cao có nghĩa là lan tỏa năng lượng của họ. Các mối quan hệ xã hội càng rắc rối và phức tạp thì họ càng ít hài lòng với cuộc sống, sự nghiệp và mục tiêu của mình.
Hơn nữa, khi những người có chỉ số IQ cao hòa đồng với những người xung quanh, họ thường có thể phân tích những gì bạn đang nghĩ và những gì bạn sẽ làm ngay lập tức. Tuy nhiên, để phù hợp với bầu không khí chung, họ phải giả vờ không biết. Tương tác xã hội càng phức tạp, họ sẽ càng kiệt sức. Trong các mối quan hệ, họ cũng ít có cảm giác được đối phương thấu hiểu nên không tránh khỏi cô đơn.
Những người thích ở một mình đã nhìn thấu bản chất của tương tác xã hội
Có 3 tầng của sự hiểu biết về giao tiếp xã hội, đó là:
- Tôi đã thấy bản chất của việc giao tiếp xã hội, nhưng tôi vẫn ở đó, dễ rơi vào trạng thái nghi ngờ bản thân và xung đột. Thật vô nghĩa khi giao du nhưng tôi phải giao du.
- Nhìn rõ bản chất của giao tiếp xã hội và có thể thay đổi; không giao du tùy tiện và cố gắng hợp lý hóa các kết nối xã hội của mình càng nhiều càng tốt.
Và tầng thứ ba là sau khi nhìn ra bản chất của giao tiếp xã hội, tôi không muốn cố ép mình vào một nhóm nữa; những người có thể trò chuyện thì tiếp tục hòa đồng, những người không thể trò chuyện thì giữ khoảng cách.
Bản chất của tương tác xã hội là gì? Đó là một cuộc trao đổi quyền lợi, mỗi người sẽ lấy những gì mình cần và không nhiều người có thể cùng bạn đạt được sự cộng hưởng tinh thần, phù hợp với bạn về tam quan. Những người thích ở một mình và đi một mình chính là vì đã thấu rõ điều đó. Thay vì để bản thân kiệt quệ từ bên trong bởi việc ép mình vào các giao tiếp xã hội, họ thay đổi cách sống.
Thích yên tĩnh không thích ồn ào
Nhà văn Haruki Murakami đã viết một đoạn trong "Tôi nói gì khi nói về chạy bộ" ("What I Talk About When I Talk About Running":
"Tôi là kiểu người thích ở một mình. Tôi không nói chuyện với ai vài tiếng mỗi ngày. Dù là chạy một mình hay một mình viết, tôi đều không thấy chán. Tôi thích đọc sách hay nghe nhạc một mình hơn là làm mọi thứ với mọi người."
Có những người vốn không thích ồn ào, thích đắm mình trong sự yên tĩnh. Trong một môi trường ồn ào, họ cảm thấy khó chịu, lo lắng và cáu kỉnh hơn. Chỉ khi trở lại trạng thái yên tĩnh, một mình, họ mới cảm thấy mình đang thực sự sống.
Trên thế gian này, có những người vốn bản chất thích ở một mình; có những người thích ở một mình sau thời gian trưởng thành t rong suy nghĩ; cũng có người thích ở một mình để khám phá bản thân, tìm lại con người thật của mình. Chỉ khi ở một mình, bạn mới hiểu được chính mình. Khi tâm trí trống rỗng, suy nghĩ của con người sẽ trở nên rõ ràng.
Trong một thế giới phức tạp, ồn ào, đầy toan tính và căng thẳng, ở một mình chính là đắm trong "thế giới nhỏ" của bản thân. Không có ai làm phiền, không tính toán, không lo lắng và tranh chấp, chỉ có mình bạn.
Cảm giác này không hề cô đơn, bạn có thể thư thả đọc sách, chơi với mèo hay trồng chút hoa cỏ. Thậm chí, bạn không cần làm gì cả, chỉ là thả trôi mình theo những suy nghĩ miên man... Điều quan trọng là trong những khoảnh khắc ấy, bạn sẽ tìm thấy một sự bình an và thư thái từ bên trong hiếm có.
Những người thích ở một mình và thích một mình đều có trái tim mạnh mẽ và tâm trạng ổn định. Họ không cần dựa vào các mạng lưới xã hội để chứng tỏ bản thân, càng không cần để người khác tập trung vào cuộc sống của họ.