Theo quan niệm dân gian, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân sẽ lên thiên đình để báo cáo những sự việc xảy ra trong một năm qua ở địa phận mình cai quản. Vì vậy, tục cúng ông Táo mang ý nghĩa cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ, sau đó mới đến ý nghĩa thờ "thần Bếp" chuyên cai quản việc bếp núc.
Trong lễ cúng táo quân, cá chép là lễ vật không thể thiếu vì đây là phương tiện đưa Táo quân về trời. Lễ cúng ông Công ông Táo thường có 3 con cá chép, sau khi cúng xong, những con cá này được mang đi thả.
Ông Nguyễn Hữu Luận (ở Tuy Lộc, Cẩm Khê, Phú Thọ) - người có 30 năm kinh nghiệm nuôi cá chép đỏ cúng ông Công ông Táo cho biết, việc lựa chọn và thả cá chép khi cúng dịp 23 tháng Chạp rất quan trọng bởi đây không đơn giản chỉ là việc phóng sinh, mà còn mang ý nghĩa văn hóa, tâm linh sâu sắc.
Ông Nguyễn Hữu Luận đang thu hoạch cá chép đỏ để phục vụ lễ cúng ông Công ông Táo năm 2023. Ảnh: Lê Phương.
Về cách chọn cá, ông Luận tư vấn cá đẹp nhất phải đạt trọng lượng tương đương 30 con/kg, cũng không nên chọn cá quá to hoặc quá nhỏ. Bởi cá to thì việc dâng lễ cúng trước đó sẽ rất khó khăn, thậm chí chúng còn quẫy nước làm hư hỏng đồ lễ khác. Còn cá quá nhỏ, sức sống yếu, khi thả ra tự nhiên khó có thể cầm cự được.
Về cách chọn cá, ông Luận hướng dẫn rằng nên chọn cá mình dày, mắt sáng, vây, vảy cá không bị bóc, xước. Cá thả vào chậu bơi khỏe, không ngửa bụng hoặc ngớp khí. Để chọn được những con cá khỏe, nguồn nuôi cũng rất quan trọng, bởi với các loại cá nuôi bằng cám công nghiệp khi thả ra môi trường tự nhiên rất khó thích ứng. Còn cá nuôi bằng thức ăn tự nhiên như cám ngô, cám gạo sức đề kháng tốt hơn, dễ thích ứng khi ra môi trường tự nhiên.
Cá chép cúng phải cọn con đều nhau, sức sống khỏe, không bị tróc vảy, bong vây. Ảnh Lê Phương.
Về cách thả cá, ông Luận đặc biệt lưu ý rằng phải thả ở nơi có dòng nước lưu thông là tốt nhất, hoặc phải thả ở nơi hồ rộng, nước sạch. Với một số đô thị, việc thả cá ở hồ nước tù, dòng sống chết, cá cũng chết theo. “Nếu mọi người ở các đô thị lớn, tốt nhất nên đi xa để thả cá. Khi thả phải đặt cá giáp mặt nước, cho cá ra từ từ, vỗ tay lên mặt nước để cá bơi xa bờ. Tuyệt đối không thả từ trên cao xuống, không thả ở nơi nước ô nhiễm bởi nếu cá bị chết, gia chủ cũng không gặp được may mắn, bình an”, ông Luận chia sẻ.
Cũng chính vì lý do nhiều nguồn nước bị ô nhiễm, một số ý kiến cho rằng chỉ cần đốt cá giấy để Táo quân lấy phương tiện lên trời là được. Trước quan điểm này, ông Nguyễn Trọng Tuệ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Văn hóa phương Đông chia sẻ, theo phong tục từ xa xưa mọi người thường dùng cá chép sống để cúng Táo quân. Bởi sau khi cúng xong, thả ra môi trường thì cá chép sẽ vượt Vũ Môn hóa rồng lên trời. Còn cúng cá giấy thì lại mang ý nghĩa tâm linh khác, giống như việc đốt vàng mã nên không mang nhiều ý nghĩa trong ngày ông Công ông Táo.
Với việc cúng cá chép sống, ông Tuệ cho rằng tốt nhất nên chọn cá chép ta, không chọn những loại cá lai tạp. Hơn nữa, do môi trường bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm ngày càng nặng nề nên cần phải chọn nơi thả an toàn nhất cho cá. Mọi người nên bỏ ngay tư tưởng thả cá cho có, thả ở dòng sông nước đen kịt, hay thả cùng với việc đổ cốt tro, hương… bởi như vậy cá rất dễ bị ngạt và chết.
Trong lễ cúng ông Công ông Táo, ông Tuệ tư vấn mọi người nên chuẩn bị đủ các thủ tục, lễ vật, đó là chuẩn bị một tờ sớ, trong đó ghi tên tuổi các thành viên gia đình, mong muốn trong năm mới để nhờ các vị thần tiên lên tấu biểu với các vị thần ở cấp cao hơn.
Ngoài tờ sớ, cá chép còn kèm theo các vật phẩm theo như chân hài, mũ áo để các vị có hành trang lên thiên đình. Cùng với đó là mâm cơm cúng, mâm cơm không cần phải chuẩn bị quá cầu kỳ, sang trong nhưng phải đầy đặn, thể hiện sự tôn trọng với các vị thần.