Ngôi nhà bị ngọn lửa thiêu rụi, người phụ nữ Sài Gòn đành dắt 2 con ra gầm cầu ngủ khiến ai cũng xót xa

Google News

"Đêm xuống, tôi đưa hai con về thì thấy người dân trong hẻm kêu có cháy nhà. Tôi chạy về thì ngỡ ngàng khi thấy nhà mình bị ngọn lửa bao trùm. Tôi gào khóc, muốn xông vào xem có cứu vớt được gì hay không mà hàng xóm không cho”, chị Thúy tâm sự.

Khuya 29/9 (tức Rằm tháng Tám âm lịch) vừa qua, tại con hẻm ở quận 8 (TP.HCM) đã xảy ra vụ hỏa hoạn thiêu cháy ngôi nhà nhỏ của cặp vợ chồng nghèo! Tất cả đồ đạc trong nhà đã biến thành tro bụi, thậm chí tường cũng bị sụp đổ trở thành đống gạch ngổn ngang.

Người dân trong hẻm xót xa cho cặp vợ chồng bao nhiêu thì thở phảo nhẹ nhõm bấy nhiêu bởi tính mạng của các thành viên trong nhà đều được an toàn. “Chúng tôi không rõ nguyên nhân cháy nhà do đâu nhưng lúc biết đã quá muộn. Ngọn lửa cháy bùng, lên cao nên chẳng thế cứu chữa được gì.

Lúc đó chúng tôi chỉ biết la hét, cầu cứu xem có hai đứa trẻ ngủ trong đó hay không? May mắn chúng đi bán vé số cùng mẹ. Âu cũng là may mắn của gia đình”, cô Tư – một người dân trong hẻm cho biết.

Chị Thúy cố vớt vát xem tìm được thứ gì trong ngôi nhà đã cháy hay không?

Hiện tại căn nhà đã sập đổ, chẳng còn thứ gì có thể sử dụng được. Song chị Thúy – chủ nhân của căn nhà vẫn cố gắng bới gạch, tìm đồ dùng hoặc sách vở cho con còn sót lại. Chị tâm sự: “Tôi biết cháy như vậy sẽ chẳng còn gì, song không cam tâm. Vì thế tôi cứ đến đây để mót xem còn gì hay không, dù là cái nồi hay nắp vung cũng được, vẫn dùng tốt”.

Sau đó người phụ nữ từ từ kể về vụ hỏa hoạn kinh hoàng đã cướp sạch tài sản của hai vợ chồng. “Tối nào vợ chồng tôi cũng ra ngoài mưu sinh. Tôi bán vé số, anh ấy đi bắt cá – lượm ve chai. Còn hai đứa nhỏ ở nhà tự học rồi ngủ ngoan đợi ba mẹ về.

Bữa đó cuối tuần, lại trúng dịp Tết Trung thu nên tôi rủ ra ngoài xin bánh về liên hoan. Tôi khóa trái cửa như mọi khi rồi dắt con đi.

Đêm xuống, tôi đưa hai con về thì thấy người dân trong hẻm kêu có cháy nhà. Tôi chạy về thì ngỡ ngàng khi thấy nhà mình bị ngọn lửa bao trùm. Tôi gào khóc, muốn xông vào xem có cứu vớt được gì hay không mà hàng xóm không cho”.

Bé gái bật khóc khi em trai bị bệnh, nhà lại cháy sạch.

Thời điểm đó, chồng của chị Thúy đã về nhà từ trước, chứng kiến cảnh khói bốc nghi ngút không khỏi đau đớn. Anh cứ ngỡ hai con ngủ trong đó, không thể thoát ra và khả năng cao bị chết cháy. Anh đã bật khóc cho đến khi thấy hai đứa trẻ cùng mẹ đi từ đầu hẻm vào nhà.

“Anh ấy tưởng sẽ mất con nên hoảng. Tôi thì tiếc đồ đạc, tài sản trong nhà. Đến giờ tôi cũng chưa biết nguyên nhân cháy là gì, có thể do chập điện dẫn đến cháy đồ đạc. Và khi nhiệt quá lớn, tường nhà cũng bị cháy theo, gạch – xi măng đổ vỡ.

Thậm chí cháy còn khiến tường nhà hàng xóm cháy theo. Giờ vợ chồng tôi phải đền họ 50 triệu đồng. Tôi chẳng biết xoay xở ra sao để họ sửa sang lại nhà”, người phụ nữ bộc bạch.

Hai con của chị Thúy học cấp I đã được cô giáo hỗ trợ quần áo và sách vở. Vì thế chúng mới có thể đến trường, kịp chương trình học cùng các bạn trong lớp. Chị tính sau khi ổn định cuộc sống sẽ phải đi làm kiếm tiền mua lại quần áo, sách vở cho con đến trường.

Chị Thúy đành đưa cả gia đình ra gầm cầu tá túc.

Gia đình tôi không có chỗ ở, đành rủ nhau ra ngoài gầm cầu tá túc từ đó đến giờ. Mùa này thủy triều lên cao, thi thoảng lại ngập nhưng may mới chỉ đến chân giường, sát cái đệm người dân cho.

Hẳn nhiều người hỏi tôi vì sao không sửa sang lại nhà cháy để ở. Song chúng tôi tay trắng, nhà như đống hoang tàn… muốn sửa cũng chẳng được vì phải xây dựng. Vì thế tôi đành ở tạm gầm cầu một thời gian xem sao rồi tính tiếp”, chị Thúy tâm sự.

Lúc này, con gái đầu của chị Thúy đi học về liền chạy vào đống đổ nát giúp mẹ tìm đồ có thể dùng được. Bé gái 11 tuổi vừa bới vừa nói: “Hôm đó con nhìn thấy nhà cháy mà buồn quá. Bao sách vở, đồ chơi của con và em đều cháy thành tro tàn.

Em con còn đang bệnh, vẫn phải ngủ gầm cầu – hôm mưa hôm nước dâng. Con thương lắm, chỉ mong em có chỗ ngủ ấm như ngày xưa. Nhưng con biết ba mẹ làm gì có tiền mà xây nhà mới”.

Tài sản còn sót lại của vợ chồng chị Thúy sau vụ hỏa hoạn chính là chiếc xe gắn máy. Nó dù không còn nguyên vẹn nhưng vẫn có thể chạy, là “cần câu cơm" cho cuộc sống hiện tại. “Ông xã vẫn chạy chiếc xe đi đánh bắt cá hoặc thu lượm ve chai. Giờ tôi chẳng mong gì nhiều ngoài sức khỏe tốt để có thể làm lại tất cả”, người phụ nữ nói.

NGỌC HÀ

Bình luận(0)