Nằm sâu trong một con ngõ nhỏ quanh co ở phường Đông Cương, TP Thanh Hóa, trại gà của anh Chinh ngày đêm râm ran với tiếng gáy của gà rừng, chim cu khắp cả một vùng. Từng gác lại tấm bằng đại học, bỏ cả công việc ổn định ở Hà Nội để rong ruổi từ Bắc chí Nam, tìm hiểu về đặc tính và cách nuôi loài vật “thích bay nhảy”, anh Chinh giờ đây đã sở hữu trang trại gà hơn 2000m2, thu về doanh thu nửa tỷ mỗi năm.
Gác lại tấm bằng đại học, anh Chinh quyết định về quê khởi nghiệp với nghề nuôi gà rừng tai trắng
Tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân chuyên ngành Quản trị kinh doanh nhưng ít ai biết rằng anh Chinh lại là người có đam mê với nông nghiệp, chăn nuôi từ nhỏ. Sau này, anh đi làm xây dựng 3 tháng ở Hà Nội nhưng thấy không hợp nên quyết định về quê khởi nghiệp với đàn gà rừng.
Nói về cơ duyên với loại vật rừng này, anh cho biết một lần tình cờ đi tham quan vườn bách thú, anh đã bị thu hút bởi những con gà với bộ lông sặc sỡ, chiếc mào đỏ chót và đôi tai trắng khác biệt. "Thời điểm đó gà rừng còn quá xa lạ, ít người nuôi nên tôi nhận định ngay đây là loài sáng giá", anh Chinh chia sẻ. Cuối năm 2013, anh từ bỏ công việc ở công ty, khăn gói về quê lập nghiệp.
Bị thu hút với vẻ ngoài bắt mắt của ga rừng, anh Chinh lựa chọn nuôi loài thích "bay nhảy" này.
Tận dụng mảnh đất sẵn có của gia đình, anh nông dân trẻ vay hơn 100 triệu đồng, ra rừng Cúc Phương mua 30 đôi gà giống về nuôi thử nghiệm. Nhưng lần đó anh thất bại, gà chết ngay sau đó. Tham khảo các kênh thông tin, anh mới biết gà rừng có những thuộc tính và môi trường sinh sống khác hoàn toàn với gà ta. Không nản lòng, anh tiếp tục liều vay thêm vốn, dành thời gian nghiên cứu sâu rồi rong ruổi khắp Bắc Trung Nam để tìm mua giống tốt, bắt đầu lại từ đầu. Sau 4 năm, anh bắt đầu gặt hái được những thành quả đầu tiên.
Gà rừng tai trắng ưa nuôi thả tự nhiên và có không gian rộng rãi để gà phát triển. Thức ăn của chúng chủ yếu là các phế phẩm nông nghiệp nên có thể tận dụng được từ gia đình như rau xanh, cơm thừa, lúa, ngô…, gà rừng cũng ít dịch bệnh hơn các loại gà ta. Gà rừng có lối sống hoang dã nên chỉ cần quây lưới để chúng khỏi bay ra ngoài, không cần đầu tư chuồng trại như các giống khác. Đặc biệt, đây là giống gà thích bay nhảy trên cây, thậm chí là ngủ trên cây. Để tạo môi trường sống tương tự như ngoài tự nhiên, anh Chinh còn trồng thêm nhiều cây xanh để chúng có không gian bay nhảy.
Để gà phát triển tốt, anh đầu tư không gian sống cho chúng giống với ngoài tự nhiên.
Nghề nuôi gà rừng tuy không vất vả nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, ngày nào cũng kiểm tra nước và thức ăn. Tại trang trại, hai vợ chồng anh đảm nhiệm hầu hết công việc chăn nuôi trong trại từ thái rau, trộn cám, tiêm phòng dịch, vệ sinh chuồng trại,… Khi số lượng gà ổn định, anh Chinh đầu tư mua máy ấp trứng về sản xuất con giống để bán.
Theo anh Chinh, gà rừng tại trang trại của gia đình anh là giống gà rừng tai trắng thuần chủng 100%, không qua lai tạp. Một con gà rừng trống trưởng thành sẽ có màu lông đỏ ngũ sắc, tai trắng, cựa dài và nặng từ 1-1,2kg, gà mái sẽ có màu nâu. Hiện gà rừng thịt được bán với giá dao động từ 700.000 - 900.000 đồng/cặp, gà cảnh có giá bán từ 2 - 3 triệu đồng/cặp (tùy từng loại, có cặp đẹp lên đến 4 triệu đồng). Vào những dịp cao điểm như Tết, tổng doanh thu tại trang trại gà rừng nhà anh Chinh đạt 65 - 75 triệu đồng, cao hơn những tháng bình thường 10 - 20 triệu đồng.
Cũng làm giàu từ nghề nuôi gà rừng, gia đình bà Nguyễn Thị Liên tại Quảng Hợp, Quảng Bình hiện nay đang sở hữu trang trại gà thu về hiệu quả kinh tế cao. Sau nhiều năm tìm hiểu, từ đầu năm 2023, gia đình bà Liên đã mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng mua giống gà rừng tai trắng thuần chủng về nuôi. Bà Liên cho biết, với 50 con gà rừng giống ban đầu, nhờ tỉ mỉ trong các khâu chăm sóc, đến nay đàn gà rừng của gia đình đã cơ bản thuần hóa, thích nghi với điều kiện tự nhiên và thời tiết ở địa phương mình. Từ 50 con gà giống ban đầu, đến nay đàn gà rừng của gia đình bà Liên đã phát triển lên hơn 100 con.
Dù mới chỉ bén duyên với nuôi gà rừng từ năm 2023, trại gà của bà Liên đã thu về những thành quả nhất định.
Để gà phát triển khỏe mạnh, người nuôi cần lưu ý ở giai đoạn 2 tháng đầu. Vì ở giai đoạn này, gà thường học cách thích nghi với môi trường bên ngoài và dễ sinh bệnh tật. Theo chia sẻ của bà Liên, nuôi gà rừng đòi hỏi người nuôi phải biết được thuộc tính của gà rừng và biết cách trị bệnh để tạo sức đề kháng cho gà. Sau 2 tháng, gà rừng sẽ có sức đề kháng rất tốt và ít dịch bệnh hơn các giống gà truyền thống.
“Về hình dáng bên ngoài, gà rừng là loài có mã đẹp, có bộ lông màu đỏ, chân chì, cựa dài nhọn, đôi tai màu trắng rất bắt mắt. Chính vì vậy, gà rừng không chỉ được nuôi để lấy thịt, mà nhiều người còn chọn nuôi gà rừng để làm cảnh”, bà Liên cho biết.