Ngành học HOT được nhắc đến trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2023: "Khát" nhân sự nhưng ít trường đào tạo

Google News

Đây là ngành học dự báo hot khi được xác định là một trong ba lĩnh vực được Chính phủ đặc biệt ưu tiên. Điều đặc biệt, rất ít trường ở Việt Nam đào tạo ngành này.

Ngành Năng lượng tái tạo là ngành đào tạo về kỹ thuật hóa học, điện và cơ khí, liên quan đến việc sản xuất, lưu trữ, quản lý và phân phối các nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài ra, ngành học năng lượng tái tạo còn trang bị các kiến thức liên quan đến biến đổi khí hậu, chính sách phát triển bền vững, khoa học về môi trường.

Đây cũng là ngành học được nhắc đến trong trận Chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2023 diễn ra vào ngày 8/10 vừa qua. Theo đó, trong phần thi Vượt chướng ngại vật, từ khoá cần tìm có 15 chữ cái. Câu hỏi đầu tiên của vòng thi là "Từ nào còn thiếu trong đoạn bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn". Nguyễn Minh Triết (lớp 12 Lý, trường THPT chuyên Quốc học, Thừa Thiên Huế) là thí sinh duy nhất trả lời đúng đáp án "Thiên nhiên".

Ngay sau đó, Nguyễn Việt Thành (lớp 12 trường THPT Sóc Sơn, Hà Nội) đã nhanh tay bấm chuông giành quyền trả lời từ khóa. Đáp án chính xác là "Năng lượng tái tạo".

Nguyễn Việt Thành là thí sinh giải được từ khóa "Năng lượng tái tạo" trong phần thi Vượt chướng ngại vật

Việt Nam sở hữu đường bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới gió mùa, nền kinh tế nông nghiệp mạnh, nên có điều kiện đa dạng, dồi dào cho khai thác, sản xuất điện gió, điện mặt trời, nhiên liệu sinh học. Do vậy, trong Chiến lược Phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, năng lượng tái tạo được xác định là một trong ba lĩnh vực được Chính phủ đặc biệt ưu tiên.

Điểm chuẩn ngành Năng lượng tái tạo từ 19-24,47 điểm

Mặc dù cơ hội rộng mở và hot trong tương lai nhưng hiện nay ở Việt Nam không có nhiều trường đào tạo ngành này. Các trường đào tạo ngành Năng lượng tái tạo như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Trường Đại học Nông lâm TPHCM; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM…

Đại học Bách khoa Hà Nội mở đào tạo ngành Năng lượng tái tạo thuộc Chương trình tiên tiến Hệ thống điện và Năng lượng tái tạo. Hiện tại, Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những ngôi trường tiên phong trong việc xây dựng chương trình đào tạo thực tế, hiện đại.

Theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023, ngành học này có điểm chuẩn cao nhất là 26.3 tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội; 24.47 điểm chương trình tiên tiến ở Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật TPHCM lấy 22.75 điểm; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM lấy 22.4 điểm; Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội với 19 điểm và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM với 18.75 điểm….

Ngoài phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển theo các phương thức khác như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, chứng chỉ ngoại ngữ…

Khi theo học ngành Năng lượng tái tạo, sinh viên được được cung cấp các kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên (toán, lý, hóa), kiến thức cơ sở nền tảng như kỹ thuật điện, điều khiển, và năng lượng. Các nội dung chính sinh viên được học tập và nghiên cứu gồm:

Các môn khoa học cơ bản: Toán, lý, hóa, tin học kỹ thuật ; Các môn kỹ thuật cơ sở nền tảng như: Kỹ thuật điện, điện tử, điều khiển, nhiệt, thủy lực.

Các môn chuyên ngành tập trung vào điện, điều khiển, vận hành các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời, sinh khối), lập và quản lý dự án,…

Các môn học tiêu biểu: Nhiệt động học và Truyền nhiệt, hệ thống nhiệt lạnh, lưới điện và nguồn phân tán, điện gió và ứng dụng, điện mặt trời và ứng dụng, thiết bị biến đổi điện năng, pin nhiêu liệu, tiết kiệm nhiên liệu, điều khiển lập trình, năng lượng Hybrid, năng lượng sinh khối, hệ thống công nghiệp và quản lý dự án điện, nhà máy nhiệt điện...

Học Năng lượng tái tạo có nhiều cơ hội việc làm

Lĩnh vực năng lượng nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung ở cả Việt Nam và trên thế giới luôn trong tình trạng “khát” nhân lực. Theo chia sẻ từ Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, sinh viên ra trường có thể làm ở các nhà máy điện, các công ty truyền tải và phân phối điện; các công ty tư vấn, thiết kế và xây lắp hệ thống điện, hệ thống năng lượng tái tạo như Artelia, VNEEC, GreenViet…

Các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực quản lý và sử dụng năng lượng; các tổ chức phi chính phủ liên quan đến lĩnh vực năng lượng tái tạo, phát triển bền vững như GreenID, GIZ, Netherlands, USA…

Các trường đại học, các viện và trung tâm nghiên cứu như Trung tâm Tư vấn năng lượng (VECC), Viện Khoa học năng lượng, Viện Nghiên cứu điện tử, tin học, tự động hóa…

Theo khảo sát trên một số diễn đàn tuyển sinh, mức lương trung bình của các vị trí trong ngành Năng lượng tái tạo có thể dao động như sau:

- Kỹ sư thiết kế điện mặt trời: từ 10-20 triệu đồng/tháng.

- Kỹ sư thiết kế hệ thống điện gió: từ 15-25 triệu đồng/tháng.

- Kỹ sư điện năng lượng mặt trời: từ 8-18 triệu đồng/tháng.

- Kỹ sư hệ thống năng lượng tái tạo: từ 10-25 triệu đồng/tháng.

- Kỹ sư quản lý dự án năng lượng tái tạo: từ 15-30 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, đây chỉ là mức lương tham khảo và có thể thay đổi tùy theo năng lực cá nhân tại từng thời điểm và quy mô công ty.

H.A

Bình luận(0)