Mạnh dạn đầu tư nuôi con vật “khổng lồ” đáng sợ, anh nông dân miền Tây thu về 6,2 tỷ đồng/năm

Google News

Kỹ thuật nuôi không quá khó lại có giá thành đầu ra ổn định, mô hình nuôi cá sấu đang được bà con nông dân áp dụng để mở rộng kinh doanh, cho lợi nhuận đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Cá sấu là loài động vật bò sát, có kích thước lớn, sống chủ yếu ở các khu vực nước ngọt và nước mặn như sông, hồ, đầm lầy, kênh rạch và các vùng đồng bằng. Môi trường sống của cá sấu thường được phân bố ở các vùng có khí hậu ấm áp, nhiệt độ và độ ẩm cao. Thức ăn của chúng rất đa dạng, thường là những con vật như cá, tôm, ếch, thủy cầm và các loài động vật khác.

Cá sấu dễ nuôi, bởi chúng là loài động vật đã quen với môi trường sống tranh giành để kiếm thức ăn duy trì sự sống. Đây cũng là loài động vật rất hung dữ, vì vậy, các hộ chăn nuôi kiểu trang trại phải tuân thủ yêu cầu nghiêm ngặt về chuồng nuôi để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Cá sấu được đánh giá là loài vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, thịt cá sấu khá đắt đỏ và trở thành đặc sản trong các nhà hàng. Da cá sấu được sử dụng trong ngành công nghiệp thời trang, các sản phẩm làm từ chất liệu này được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. 

Nhiều hộ nông dân nhận thấy giá trị đầu ra của cá sấu tăng cao, nên đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư. Sau nhiều năm, mô hình này đã cho doanh thu ổn định, lợi nhuận được tính bằng tiền tỷ. 

Bén duyên với nghề nuôi cá sấu từ năm 2017, trang trại của anh Tôn Văn Sồi (xã Đông Hòa, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) không ngừng phát triển, đến nay tổng đàn cá sấu đã lên đến hàng ngàn con.  

Được biết, trước đây gia đình anh Sồi có nguồn thu chủ yếu bằng nghề bán cá mồi cho các hộ nuôi cá trong ao hầm và cá sấu. Từ việc đi nhiều tỉnh trong khu vực để bán cá mồi, anh nhận thấy nghề nuôi cá sấu có triển vọng. Bên cạnh đó, anh làm nghề bán cá mồi nên càng chủ động được nguồn thức ăn dồi dào cho cá sấu.

Thời điểm mới đầu tư, anh Sồi đã bỏ ra hơn 40 triệu đồng xây 5 chuồng (mỗi chuồng rộng khoảng 60m2) để thả nuôi 400 con cá sấu. Chỉ sau gần 18 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng từ 15 - 20kg/con, xuất chuồng bán cho thương lái, năm đó anh lãi gần 120 triệu đồng.

Thấy hiệu quả kinh tế cao từ việc nuôi cá sấu, năm 2018, anh tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại và tăng đàn lên 1.200 con với 9 chuồng nuôi. Vụ nuôi năm 2018, anh bán cá sấu được giá 115.000 đồng/kg, lợi nhuận 300 triệu đồng.

Thừa thắng xông lên, anh Sồi mở rộng trang trại nuôi cá sấu quy mô hàng ngàn con nên phải cần số vốn lớn để đầu tư chuồng trại và thuê nhân công chăm sóc. Đến thời điểm hiện tại, số lượng cá sấu trong trang trại rộng 5.000m2 của anh đã đạt hơn 6.000 con. 

Hiện nay, đàn cá sấu của gia đình anh Sồi đều trong lứa cho thu hoạch, cá đạt trọng lượng từ 15 - 30kg/con. Năm 2023 vừa qua, trang trại cá sấu của anh Sồi đã đạt doanh thu 6,2 tỷ đồng, sau khi trừ hết chi phí, anh còn lãi khoảng 1 tỷ đồng.

Trong khi đó, gia đình anh Lê Văn Bé Ba (P.Tân Phú, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) đã gắn bó với nghề nuôi cá sấu gần 20 năm nay. Lúc trước anh Ba nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm như heo, bò, vịt, gà nhưng không hiệu quả vì giá cả bấp bênh và đầu ra không ổn định. Năm 2005, trong một lần tham quan mô hình nuôi cá sấu trong chuồng tại TP.HCM rất thành công, anh Ba thấy hiệu quả nên quyết định chuyển nghề.

Với số vốn ban đầu khoảng 100 triệu đồng, anh Ba xây 25 chuồng xi măng kiên cố trên diện tích đất 2.500 m2 và thả nuôi 400 con cá sấu con. Do chưa có kinh nghiệm nên vụ nuôi đầu tiên cá giống hao hụt hơn 50% khiến anh lỗ nặng. Sau đó, anh Ba rút kinh nghiệm và tiếp tục duy trì mô hình này với phương thức mới. 

Cụ thể, anh thiết kế chuồng trại theo hướng có nhiều ánh nắng, mỗi chuồng có ao nước sạch với độ sâu chừng 1m để cá bơi lội. Nguồn nước ao được luân chuyển mỗi ngày nên rất sạch và vệ sinh. Điểm quan trọng khác là chọn nguồn thức ăn cho cá, chỉ toàn cá rô phi và đầu gà công nghiệp.

Hiện tại, riêng chuồng nuôi cá sấu của anh Ba mỗi năm xuất bán từ 800 - 1.000 con, thu lãi khoảng 1 tỉ đồng. Đỉnh điểm là vào năm 2018, nhờ giá cá tăng cao nên gia đình anh Ba lãi trên 1,2 tỉ đồng.

Cũng làm giàu nhờ mô hình nuôi cá sấu, anh Trương Văn Nhen (thị trấn U Minh, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) đã bén duyên với nghề gần 20 năm nay. Vốn là nông dân chỉ quen với việc ruộng đồng, nhưng sau thời gian tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, năm 2005, anh Nhen đã mạnh dạn đầu tư vốn xây chuồng, mua con giống, thức ăn, thực hiện mô hình nuôi cá sấu để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. 

Vụ đầu tiên, anh Nhen thả nuôi 80 con cá sấu giống. Sau 24 tháng nuôi, anh thu hoạch, mỗi con có trọng lượng từ 12 - 15kg. Thời điểm đó, trên thị trường mỗi cân cá sấu thương phẩm có giá 220.000 đồng. Sau khi bán hết 80 con cá sấu và trừ chi phí anh lãi được 55 triệu đồng. 

Thấy cá sấu dễ nuôi, công chăm sóc ít, thu nhập cao nên sau khi thu hoạch vụ cá sấu đầu tiên, anh Nhen đầu tư vốn xây thêm 2 hầm để mở rộng mô hình nuôi cá sấu. Từ vụ nuôi thứ 2 trở đi, một hầm anh nuôi 100 con cá sấu giống. Sau 24 tháng nuôi, anh thu hoạch, trừ chi phí anh lãi được 250 triệu đồng. Nhờ có nguồn thu nhập từ nuôi cá sấu mà kinh tế gia đình anh ngày một khấm khá hơn.

Hiện tại, trong 3 hầm nuôi cá sấu của gia đình anh Nhen có tổng cộng 450 con cá sấu lớn nhỏ. Trong đó, cá sấu đạt trọng lượng từ 12 - 15kg có khoảng 300 con. Số còn lại là cá sấu nhỏ có trọng lượng 4 - 5kg đang trong thời kỳ phát triển tốt. Ngoài nuôi cá sấu, anh Nhen còn nuôi tôm, cua, mỗi năm cho thu nhập gần nửa tỷ đồng. 

Nuôi cá sấu không đòi hỏi kỹ thuật quá cao siêu, điều quan trọng là bà con nông dân phải chịu khó đầu tư và đảm bảo chăn nuôi an toàn. Như vậy sẽ cho giá trị kinh tế ổn định, lợi nhuận hấp dẫn và cơ hội làm giàu nhanh chóng. 

THẢO ANH

Bình luận(0)