Lễ hóa vàng hay còn gọi là lễ tạ. Lễ này thường được tổ chức sau 3 ngày Tết. Vào ngày này, con cháu sẽ chuẩn bị mâm cúng hóa vàng để tiễn ông bà, gia tiên.
Thường lễ vật cúng sẽ gồm mâm cơm chay hoặc mặn cùng với một số lễ vật gắn liền với đời sống hàng ngày như: Tiền vàng, quần áo, xe cộ,... Ngoài ra, đây cũng là lễ đón thần tài mới về với gia đình, cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi. Tùy từng nơi mà lễ hóa vàng tổ chức vào các ngày khác nhau, trong khoảng từ mùng 3 đến hết mùng 10 âm lịch.
Dưới đây là gợi ý một số món ăn nhất định phải có trên mâm cúng hóa vàng ngày 3 Tết theo đúng phong tục.
Gà trống luộc
Theo phong tục của người Việt từ bao đời, trên các mâm cỗ cúng của mỗi gia đình đều phải có thịt gà. Gà làm lễ phải là những con gà trống có mào đỏ, chân vàng đẹp, lông bóng mượt. Sau khi làm sạch gà, bạn đem luộc chín rồi bày ra đĩa.
Gà luộc nguyên con nên buộc cánh tiên giúp tạo thế gà đẹp hơn. Bạn cũng có thể cho gà ngậm hoa hồng hoặc hoa tỉa bằng ớt tươi để tăng tính thẩm mỹ.
Ngoài ra, bí quyết cho gà luộc có lớp da vàng óng là thêm bột nghệ vào nồi nước, kiểm tra thấy nước ấm là có thể cho gà vào luộc. Thịt gà sôi chừng 10 phút thì bạn tắt bếp, ủ thêm từ 10 - 15 phút (tùy vào cân nặng của gà), sau đó vớt ra, để nguội là có thể lên đĩa.
Bánh chưng hoặc bánh tét
Người miền Bắc sẽ bày bánh chưng, người miền Nam sẽ bày bánh tét. Đây là loại bánh làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, gói bằng lá dong, lá chuối rất đẹp mắt. Cũng trong quan niệm dân gian, bánh chưng còn là biểu tượng cho sự vuông tròn của trời đất.
Những chiếc bánh chưng, bánh tét màu xanh mướt mắt, lớp gạo nếp dẻo dền, đậu xanh thơm ngậy, thịt mỡ được tẩm ướp đậm đà hòa quyện tạo nên món ngon khó cưỡng.
Mẹo hay, bánh chưng, bánh tét muốn có màu xanh đẹp thì nên giã lá riềng rồi lọc lấy nước và đem trộn cùng với gạo nếp.
Hành muối hoặc củ kiệu muối
Dân gian có câu "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh" ý nói đến các món nhất định không thể thiếu trên mâm cỗ Tết truyền thống. Vị chua thanh mát của hành và củ kiệu muối sẽ giúp chung hòa vị béo ngậy của bánh chưng, thịt kho trên mâm cúng hóa vàng Tết. Do hành muối lâu chua, vì thế bạn cần muối sớm. Tránh cho hành bị quá chua, sau khoảng 5 ngày ngâm là bạn có thể bỏ vào ngăn mát tủ lạnh bảo quản.
Canh măng
Bát canh măng là món không thể thiếu góp phần làm nên sự đủ đầy cho mâm cúng hóa vàng Tết Giáp Thìn. Người miền Bắc thường sử dụng măng khô để nấu, trong khi đó người miền Nam có nơi dùng măng tươi. Nấu cùng canh măng có thể dùng sú giò lợn hoặc xương sườn đều rất ngon.
Lưu ý, măng khô ngâm khoàng 1 ngày, kiểm tra thấy măng mềm thì đem rửa sạch, thái miếng nhỏ là có thể mang đi nấu canh xương.
Nem rán hoặc chả giò
Sẽ là thiếu sót nếu trên mâm cỗ cúng ngày hóa vàng thiếu đi món này. Người miền Bắc sẽ chuẩn bị nem rán với phần nhân làm từ mộc nhĩ, thịt xay, rau củ và hành, mùi thêm chút hạt tiên, gia vị. Miền nam lại ưng món chả giò với phần bánh đa nem bọc ngoài, bên trong nhân có thể là khoai môn, ngô ngọt hoặc các loại hải sản như tôm.
Những chiếc nem rán hoặc chả giò được cuộn khéo léo rồi đem chiên vàng giòn chấm cùng nước mắm chua ngọt là ngon hết ý. Lưu ý, muốn cho nem vàng, giòn bạn nên quết 1 lớp giấm ăn lên bề mặt bánh đa mem trước khi cuốn.
Ngoài các món được liệt kê ở trên, bạn có thể tăng thêm các món ăn tùy vào nhu cầu của mỗi gia đình. Ví dụ, có vùng mâm cúng hóa vàng phải có giò lụa, nhưng cũng có vùng chỉ chuẩn bị giò tai/giò thủ. Hay cũng có nơi bày nộm gà lên mâm cỗ cúng.
Mong rằng, qua bài viết này, bạn đã biết cách chuẩn bị một mâm cúng hóa vàng cho gia đình trong dịp Tết Giáp Thìn này. Chúc bạn thành công!