Nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn trong ngành năng lượng tái tạo
Tương tự các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức về năng lượng và môi trường. Giữa bối cảnh đó, năng lượng tái tạo trở thành yếu tố quan trọng trong hệ thống năng lượng. Cùng với việc khai thác các nguồn năng lượng tái tạo, nhu cầu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong ngành này đang trở thành vấn đề cấp bách.
Theo đó, ngành năng lượng tái tạo là cung cấp dịch vụ, nghiên cứu hoặc phân tích tất cả những gì liên quan đến nguồn năng lượng tự nhiên và tái tạo (như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thủy điện, năng lượng địa nhiệt,...). Đây là nguồn năng lượng được tạo ra từ thiên nhiên hoặc các quy trình tự nhiên nào đó được hình thành liên tục. Vì thế, nó còn được gọi là ngành năng lượng sạch.
Năng lượng tái tạo là ngành triển vọng trong tương lai
Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế cho hay, hiện nay ngành năng lượng tái tạo đang sở hữu tiềm năng việc làm vô cùng lớn. Dự kiến đến năm 2030, ngành này sẽ tạo ra 38 triệu việc làm mới. Con số này hứa hẹn còn tiếp tục tăng lên 43 triệu vào năm 2050, gấp đôi so với mức dự báo.
Tại Việt Nam, quyết định tăng tỷ phần năng lượng tái tạo từ 10.7% lên 30% trong Quy hoạch điện VIII của chính phủ đã mở đường cho gần 1 triệu việc làm/năm được tạo ra từ ngành điện đến năm 2030. Trong đó nổi bật là điện gió và năng lượng mặt trời với khoảng 25% số việc làm tạo ra là dành cho lao động tay nghề cao. Dù vậy, trên thực tế, nhân lực trong ngành năng lượng tái tạo, nhất là vị trí công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió trong ngành chưa cao khiến nhu cầu và nguồn nhân lực chuyên môn kĩ thuật trong các tiểu ngành không nhiều.
Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành Năng lượng tái tạo gặp khó khăn đến từ nguồn nhân lực. TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành năng lượng nói chung và năng lượng nguyên tử nói riêng là nguồn nhân lực. Cơ cấu lao động trong ngành ngành Năng lượng tái tạo ở Việt Nam lại chiếm đa số vẫn là nhóm lao động tay nghề thấp (tốt nghiệp cấp 2, cấp 3) hoặc không có tay nghề (tốt nghiệp tiểu học, không có trình độ học vấn). Hậu quả là những kỹ sư được tuyển thiếu cả kiến thức lẫn kỹ năng cần thiết cho nhiều công đoạn cụ thể của ngành như: Quá trình xây dựng nhà máy điện, đấu nối lưới điện, vận hành và giám sát hệ thống từ xa,...
Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành Năng lượng tái tạo gặp khó khăn đến từ nguồn nhân lực
Bên cạnh đó, theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, chương trình đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng và trường nghề hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực Năng lượng tái tạo. Mặc dù nhiều kỹ sư điện đã được đào tạo tại các cơ sở giáo dục ở Việt Nam nhưng kiến thức chuyên môn về hệ thống năng lượng tái tạo nhìn chung còn nhiều hạn chế.
Mức lương hấp dẫn, điểm chuẩn năm 2024 thuộc top cao
Trong khi đó, Báo cáo lương thưởng phúc lợi 2024 tại Việt Nam do hãng tuyển dụng Talentnet mới đây công bố, ngành Năng lượng tái tạo đang là ngành có mức tăng lương cao nhất năm nay, đạt tỷ lệ 7,2%. Hồi 2023, ngành này xếp vị trí thứ 3 và dẫn đầu bởi công nghệ cao. "Lương kỹ sư ngành này cao hơn 40% so với các ngành khác, trung bình một tháng khoảng 35 triệu đồng. Dự đoán mức tăng lương tiếp tục cao trong năm 2025 bởi đây đang là ngành hot, đáp ứng xu hướng trên toàn thế giới", Talentnet nhận định.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo, tốc độ tăng trưởng năng lượng tái tạo tại Việt Nam sẽ khoảng 20% trong 10 năm tới, mở ra cơ hội đầu tư và việc làm đầy hấp dẫn. Cụ thể, sinh viên tốt nghiệp ngành là những ứng cử viên sáng giá cho các vị trí như: Quản lý, tư vấn, thiết kế, giám sát và thi công lắp đặt, vận hành vào bảo trì, bảo dưỡng... trong các tổ chức có liên quan tới quản lý, sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo hoặc giảng dạy, nghiên cứu tại các Viện, trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp hay đón nhận những cơ hội làm việc cho các công ty nước ngoài đầu tư dự án về năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên để thành công với ngành học, ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường, sinh viên cần chuẩn bị cho mình đầy đủ kiến thức, khả năng áp dụng những nguyên lý kỹ thuật cơ bản và các kỹ năng, kỹ thuật để phát triển toàn diện nghề nghiệp. Không chỉ vậy, người học còn cần rèn luyện tư duy phân tích để giải quyết vấn đề và tối ưu hóa các giải pháp năng lượng tái tạo, kỹ năng giao tiếp hiệu quả cũng như khả năng thích ứng, ham học hỏi vì lĩnh vực này không ngừng phát triển với các công nghệ mới.
Hiện nay, tại Việt Nam, có một số trường đại học hàng đầu đào tạo ngành học Năng lượng tái tạo như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Đại học Điện lực, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, Đại học Nông Lâm TP.HCM và phân hiệu tại Ninh Thuận…
Năm 2024, theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, điểm chuẩn ngành Kỹ thuật điện và Năng lượng tái tạo là 20,80 điểm; tại trường Đại học Điện lực Hà Nội ngành Công nghệ kỹ thuật Năng lượng gồm chuyên ngành Năng lượng tái tạo có điểm trúng tuyển là 16 điểm. Riêng tại Đại học Bách Khoa, điểm chuẩn ngành Hệ thống điện và năng lượng tái tạo (CT tiên tiến) được xét theo 2 phương thức, gồm dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024 và dựa theo kết quả bài thi đánh giá tư duy (ĐGTD). Cụ thể, điểm chuẩn ĐGTD là 58,18 điểm còn theo điểm chuẩn TN THPT là 25,8 điểm.
Tại khu vực phía Nam, điểm chuẩn ngành Năng lượng tái tạo tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM là 23,15 điểm. Tại trường ĐH Nông lâm TP.HCM, điểm trúng tuyển ngành học Công nghệ kỹ thuật Năng lượng tái tạo theo phương thức sử dụng kết quả thi Đánh giá năng lực là 660 điểm còn tại phân hiệu ở Ninh Thuận của trường, điểm chuẩn Công nghệ kỹ thuật năng lượng tái tạo (PHNT) là 600 điểm.