"Lộc trời" từ dưới nước mọc lên bỗng thành đặc sản được săn lùng, 100.000 đồng/kg vừa giúp mát gan, hạ huyết áp

Google News

Nếu như trước đây củ năng chỉ dùng để ăn chơi, thì hiện nay nó được dùng rộng rãi trong ẩm thực, ăn giúp mát gan, hạ huyết áp, ngừa mắc bệnh mạn tính.

Củ năng (còn gọi là củ mã thầy) là loại cây mọc ở dưới nước, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long. Dưới gốc rễ của cây là củ to, mọc chìm bên dưới nước. 

Về hình dáng bên ngoài, củ năng có hình tròn dẹt nhỏ gần giống với hành tây nhưng có vỏ dày màu đen, ruột trắng. Củ năng khi ăn sống có mùi vị gần giống như bắp, giòn giòn, vị ngọt mát và mọng nước. Tại các chợ dân sinh, siêu thị, giá 1kg củ năng được gọt sẵn dao động từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, từ loại thực phẩm ít người biết đến, củ năng dần trở nên thông dụng và được mọi người sử dụng.

Củ năng là cây mọc ở dưới nước - Ảnh minh họa. 

Theo BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Giảng viên Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y dược TP.HCM, trong 100g củ năng chứa gần 69%, 18,75% tinh bột, 2,25% protein, 0,19% lipid, đường, pectin, các muối canxi, phospho, sắt và các vitamin A, B1, B2, C... cùng một hoạt chất gọi là puchiin có tác dụng kháng khuẩn, hạ huyết áp và phòng ngừa ung thư, đặc biệt là ung thư phổi.

Ngoài ra, củ năng là loại thực phẩm bổ dưỡng có khả năng hỗ trợ trị liệu đối với các bệnh tim mạch, tiểu đường, giảm nguy cơ sỏi thận, phục hồi nhanh sức khỏe đường ruột bởi chất xơ và tinh bột củ năng thuộc loại tiêu hóa chậm.

Bác sĩ Vũ cho biết, trước đây củ năng chỉ dùng để ăn cho vui, nhưng hiện nay nó là loại thực phẩm được dùng nhiều trong món ăn vặt của giới trẻ như trà sữa, chè. Ngoài ra, củ năng còn được dùng để ép nước uống, tán thành bột tùy theo nhu cầu của mỗi người nhưng có công dụng với sức khỏe như sau:

Giải độc, mát gan

Củ năng thường sử dụng dưới dạng thức ăn - vị thuốc làm cho mát như lấy củ thái nhỏ, nấu với bột đậu xanh làm chè lục tàu xá hoặc hầm với dạ dày lợn để thanh nhiệt, bổ dưỡng, tiêu tích, giải độc và dùng dạng bột với tác dụng mát gan, dạ dày và ruột.

Vỏ củ năng có màu tím, ruột có màu trắng - Ảnh minh họa. 

Ngừa bệnh tim mạch

Một số nghiên cứu gần đây đã cho thấy, củ năng có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch thông qua việc làm giảm huyết áp và mức cholesterol trong máu.  

Tốt cho hệ tiêu hóa

Chất xơ và tinh bột của củ năng thuộc loại tiêu hóa chậm, giúp tăng cường sức khỏe đường ruột, cải thiện các vấn đề về tiêu hóa.

Tốt cho tuyến giáp

Nước củ năng chứa nhiều kali. Chất khoáng này cần thiết cho chức năng hoạt động của cơ và thần kinh. Ngoài ra hàm lượng iốt và mangan của củ năng cũng giúp tăng cường sức khỏe tuyến giáp.

Giúp giải rượu

Những người uống rượu nhiều, sau đó cảm giác nóng bụng, khó chịu có thể sử dụng lợi thế tiêu khát của củ năng bằng cách dùng nước ép củ này, cho thêm ít chanh và một chút muối giúp hạn chế chất độc của rượu vào cơ thể và chống nóng trong người.

Củ năng có thể chế biến được nhiều món ăn ngon - Ảnh minh họa. 

Những lưu ý khi dùng củ năng

Theo bác sĩ Vũ, trong Đông y, củ năng có tính lạnh nên không thích hợp với những người có thể chất hoặc bệnh lý thuộc thể hư hàn, biểu hiện bằng các triệu chứng sợ lạnh, tay chân lạnh, hay đau bụng đại tiện lỏng, ăn kém tiêu...

Ngoài ra, củ năng mọc ở dưới bùn lầy rất dễ bị bệnh sán lá. Khi gọt vỏ nên gọt sâu dưới cuống bởi nơi đây có thể là nơi trú ẩn của loại ký sinh trùng đường ruột. Khi ăn củ năng sống, nang trùng sán lá sẽ đi qua miệng vào ruột, sau vài ba tháng sẽ mắc bệnh sán lá. Khi bị bệnh sán lá, người bệnh có biểu hiện như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, đi ngoài nhiều, phân nhão và có mùi khác thường. Vì vậy, nên sử dụng các bài thuốc với củ năng, ngâm rượu hoặc ép nước ép chín rồi uống.

DIỆU THUẦN

Bình luận(0)