Loại thực phẩm đắt đỏ, giá lên tới 50 triệu đồng/kg nhưng không phải ai cũng dùng được, cẩn thận rước bệnh vào người

Google News

Tổ yến nổi tiếng với hàm lượng dinh dưỡng cao và những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng yến một cách an toàn và hiệu quả. Việc dùng yến không đúng đối tượng hoặc không phù hợp với tình trạng sức khỏe có thể gây ra những tác dụng ngược, thậm chí gây hại cho cơ thể.

Tổ yến hay yến sào từ lâu đã được xếp vào hàng ngũ "cao lương mỹ vị", không chỉ bởi hương vị thơm ngon mà còn nhờ những lợi ích vượt trội cho sức khỏe. Với thành phần giàu protein, axit amin cùng các vi chất, tổ yến được xem thực phẩm lý tưởng để bồi bổ cơ thể, tăng cường sức đề kháng cũng như hỗ trợ phục hồi sức khỏe sau ốm. Trên thị trường, giá 1 kg tổ yến khô dao động từ 35 - 50 triệu đồng, cực đắt đỏ không phải ai cũng đủ tiền để thưởng thức. 

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, tổ yến giúp kích thích sản sinh tế bào mới, tăng cường collagen, từ đó cải thiện độ đàn hồi, làm trẻ hóa làn da, hạn chế quá trình lão hóa. Ngoài ra, yến sào còn hỗ trợ hệ hô hấp, đặc biệt hữu ích cho những người mắc các bệnh về phổi hay đường hô hấp. Với người cao tuổi, tổ yến hỗ trợ cải thiện trí nhớ, tăng cường chức năng tim mạch và giảm nguy cơ loãng xương nhờ vào hàm lượng dưỡng chất phong phú. 

Dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng tổ yến. Một số người bệnh cần tránh ăn tổ yến để hạn chế những tác dụng phụ không mong muốn. 

Tổ yến cần được sử dụng đúng đối tượng để phát huy tối đa công dụng. (Ảnh minh họa).

1. Người bị sốt, đau đầu, đau bụng

Khi cơ thể bị sốt, đau đầu hay đau bụng, việc ăn yến có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Yến sào được biết đến như một thực phẩm bổ dưỡng, nhưng khi cơ thể đang trong trạng thái viêm, nóng trong hoặc mất cân bằng năng lượng, dưỡng chất từ yến có thể trở thành gánh nặng. 

Đặc biệt, trong giai đoạn sốt cao hoặc đau bụng do viêm nhiễm, cơ thể cần tập trung năng lượng để chống lại bệnh tật thay vì tiêu hóa thực phẩm phức tạp. Một số trường hợp còn có thể gặp tình trạng kích ứng hoặc dị ứng nhẹ từ yến, khiến các triệu chứng đau đầu hoặc sốt trở nên nặng hơn. Trong giai đoạn bệnh, tốt nhất nên tập trung vào việc uống đủ nước, dùng các thực phẩm dễ tiêu và theo chỉ định của bác sĩ thay vì dùng yến.

Ăn yến sào lúc đang sốt có thể khiến tình trạng bệnh trở nên tệ hơn. (Ảnh minh họa).

2. Người mắc bệnh viêm nhiễm cấp tính

Viêm nhiễm cấp tính thường đi kèm với các phản ứng sưng, đau và nóng trong cơ thể. Trong tình trạng này, các bác sĩ khuyến cáo không nên sử dụng thực phẩm giàu đạm hoặc kích thích hệ miễn dịch như tổ yến. Nguyên nhân là do yến sào có thể làm gia tăng phản ứng viêm hoặc kéo dài quá trình hồi phục. 

Bệnh nhân bị viêm phổi, viêm họng, viêm ruột hay bất kỳ loại viêm nhiễm nào khác cần hạn chế các thực phẩm bổ dưỡng quá mức để tránh làm tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Sau khi khỏi bệnh, người bệnh có thể bổ sung yến để hồi phục thể trạng, nhưng nên bắt đầu với liều lượng nhỏ và tăng dần để cơ thể thích nghi.

3. Người kém hấp thu, tiêu hóa kém

Nhờ chứa nhiều protein, axit amin và dưỡng chất, tổ yến đúng là rất tốt cho người gầy hay người biếng ăn vì nó hỗ trợ hệ tiêu hóa, từ đó hấp thu dưỡng chất tốt hơn. Tuy nhiên, với những người có hệ tiêu hóa yếu hoặc kém hấp thu, việc sử dụng yến sào có thể gây phản tác dụng. 

Dạ dày yếu hoặc thiếu enzyme tiêu hóa khiến cơ thể khó xử lý được lượng protein cao, gây đầy bụng, khó tiêu. Thay vì hấp thu dưỡng chất, cơ thể phải làm việc nhiều hơn để xử lý thực phẩm, khiến tình trạng mệt mỏi, suy nhược thêm trầm trọng. 

Đối với những người có vấn đề về tiêu hóa mãn tính như: hội chứng ruột kích thích (IBS), viêm dạ dày hoặc suy tụy ngoại tiết, ăn yến không chỉ không mang lại lợi ích mà còn gây khó chịu. Để cải thiện dinh dưỡng, những người này nên tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn thực phẩm dễ tiêu hóa hơn hoặc dùng yến với liều lượng cực kỳ hạn chế.

Với người có hệ tiêu hóa yếu, yến sào có thể trở thành gánh nặng. (Ảnh minh họa).

4. Người suy dương, tiểu nhiều

Yến sào có tính mát, vì vậy không phù hợp với những người bị suy dương – tình trạng cơ thể bị lạnh, thiếu năng lượng hoặc tiểu nhiều do thận yếu. Việc bổ sung yến trong trường hợp này có thể khiến cơ thể thêm mất cân bằng, làm các triệu chứng suy dương hoặc lạnh bụng trở nên nặng hơn. 

Theo Đông y, người suy dương cần tập trung vào các thực phẩm có tính nóng như: gừng, thịt dê hoặc hạt sen để cân bằng cơ thể. Nếu vẫn muốn dùng yến, nên kết hợp cùng các nguyên liệu có tính nóng như: táo đỏ, gừng hoặc nhục quế để giảm tính mát và tăng hiệu quả dinh dưỡng. Tuy nhiên, tốt nhất là bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc hoặc bác sĩ Đông y trước khi sử dụng.

5. Trẻ em dưới 7 tháng tuổi

Tổ yến được xem là thực phẩm bổ dưỡng, nhưng với trẻ sơ sinh dưới 7 tháng tuổi, cơ thể non nớt của bé không phù hợp để tiêu thụ loại thực phẩm giàu đạm và phức tạp này. Hệ tiêu hóa và gan của trẻ ở giai đoạn này chưa phát triển đầy đủ để hấp thụ cũng như xử lý các dưỡng chất có trong yến. 

Thậm chí, việc sử dụng yến quá sớm có thể dẫn đến các vấn đề tiêu hóa, dị ứng hoặc gánh nặng cho thận. Với trẻ dưới 1 tuổi, sữa mẹ hoặc sữa công thức chuyên dụng là nguồn dinh dưỡng chính và an toàn nhất. Sau khi trẻ trên 1 tuổi, phụ huynh có thể cân nhắc bổ sung tổ yến nhưng phải đảm bảo liều lượng nhỏ và theo dõi kỹ phản ứng của trẻ.

AN THANH

Bình luận(0)